Thúc đẩy liên kết phát triển kinh tế giữa TP Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Tây Nam Bộ

Thứ Sáu, 02/12/2022, 05:20

Thời gian qua, TP Hồ Chí Minh đã chủ động liên kết, hợp tác với nhiều địa phương ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) trên nhiều lĩnh vực. Việc hợp tác này giúp khơi thông những “điểm nghẽn”, tạo động lực tăng trưởng mạnh mẽ để phát triển vùng ĐBSCL.

Trong Quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, xác định các đột phá mang tính chiến lược có đề cập đến liên kết giữa TP Hồ Chí Minh và ĐBSCL.

Trong đó, tập trung phát triển kết cấu hạ tầng với vai trò bệ đỡ cho phát triển kinh tế - xã hội và thúc đẩy liên kết vùng ĐBSCL, đặc biệt chú trọng đến phát triển hạ tầng giao thông, nhất là các tuyến kết nối với TP Hồ Chí Minh và vùng Đông Nam Bộ thông qua 2 trục cao tốc đường bộ, tuyến đường thuỷ nội địa và tuyến đường sắt nối TP Hồ Chí Minh với Cần Thơ trong tương lai. Bên cạnh đó, tập trung phát triển hành lang đô thị công nghiệp từ Cần Thơ đến Long An kết nối với TP Hồ Chí Minh, vùng Đông Nam Bộ và hệ thống 8 trung tâm đầu mối về nông nghiệp.

lien ket.jpg -0
Du lịch sinh thái ở ĐBSCL hút khách sau dịch COVID-19.

Ngoài ra, tăng cường liên kết phát triển giữa các địa phương trong vùng ĐBSCL với TP Hồ Chí Minh và vùng Đông Nam Bộ nhằm khơi thông, huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực cho phát triển kinh tế-xã hội. Ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ cho rằng, để đạt được các mục tiêu xây dựng và phát triển TP Cần Thơ mà Nghị quyết số 59 của Bộ Chính trị đã đề ra, ngoài sự phấn đấu nỗ lực của địa phương, còn đòi hỏi phải có sự phối hợp chặt chẽ của các tỉnh trong khu vực ĐBSCL và sự hỗ trợ của các tỉnh, thành bạn, đặc biệt là TP Hồ Chí Minh.

Ông Phạm Thiện Nghĩa, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết: Vào cuối năm 2021, khi thời điểm dịch COVID-19 đã được kiểm soát, thông qua diễn đàn Mekong Connect 2021 với chủ đề “Phục hồi kinh tế và liên kết phát triển trong bình thường mới” được tổ chức tại TP Hồ Chí Minh đã mở ra những triển vọng, nhiều giải pháp, mô hình mới thiết thực trong liên kết. Qua đó, TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành ĐBSCL đã thống nhất từng vấn đề cụ thể và hành động chung đề thúc đẩy phát triển kinh tế vùng nói chung và từng địa phương nói riêng.

TP Hồ Chí Minh và tỉnh Vĩnh Long cũng đã ký kết hợp tác về du lịch và thương mại. Ông Lữ Quang Ngời, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long đánh giá TP Hồ Chí Minh có vị trí đặc biệt trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước, có tiềm năng về khoa học công nghệ, là thị trường tiêu thụ hàng hóa lớn và là cửa ngõ giao lưu với các nước trong khu vực và thế giới. Do đó, sự hợp tác, liên kết giữa các tỉnh, thành phía Nam, đặc biệt là vùng ĐBSCL với TP Hồ Chí Minh là động lực nhằm khai thác các lợi thế, tiềm năng để cùng nhau phát triển.

Tại diễn đàn Mekong Connect năm 2022 được tổ chức ở Cần Thơ vào cuối tháng 11 vừa qua, ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh cho biết: TP Hồ Chí Minh rất cần nguồn lương thực, thực phẩm phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng hằng ngày và sản xuất. Ông Vũ nhận định: “Chúng tôi tập trung làm sao kết nối nông sản từ ĐBSCL được thông qua sản xuất, chế biến để nâng cao giá trị có thể tham gia vào thị trường TP Hồ Chí Minh và xuất khẩu. Để triển khai những dự án nêu trên, TP Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục khai thác lợi thế và tiềm năng của mình để gắn kết mạnh mẽ hơn với các địa phương ở ĐBSCL”.

Văn Vĩnh
.
.
.