Thu thuế vượt dự toán hơn 177 nghìn tỷ đồng

Thứ Bảy, 25/12/2021, 09:22

Đây là số liệu được Tổng cục Thuế công bố tại hội nghị trực tuyến tổng kết công tác thuế năm 2021 và triển khai các giải pháp thực hiện nhiệm vụ công tác thuế năm 2022 với 64 điểm cầu trong cả nước, diễn ra ngày 24/12.

Gia hạn gần 93 nghìn tỷ tiền thuế, tiền thuê đất

Năm 2021, ngành Thuế triển khai thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước (NSNN) trong bối cảnh kinh tế có nhiều khó khăn thách thức, đặc biệt từ cuối tháng 4, dịch bệnh COVID-19 bùng phát trở lại, nhiều địa bàn kinh tế trọng điểm đã phải thực hiện giãn cách xã hội kéo dài để chống dịch; hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp (DN) bị đình trệ, đứt gãy chuỗi cung ứng, nền kinh tế suy giảm nghiêm trọng đã ảnh hưởng không nhỏ đến công tác thu ngân sách. Tuy nhiên, với sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Bộ Tài chính cộng với sự nỗ lực của cơ quan thuế các cấp, ngành Thuế đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Kết quả, tổng thu NSNN do ngành Thuế quản lý hoàn thành vượt dự toán trên 177 nghìn tỷ đồng.

Theo báo cáo ước thu năm 2021 của các Cục Thuế, có 60/63 địa phương đánh giá hoàn thành và hoàn thành vượt dự toán thu NSNN năm 2021; có 14/19 khoản thu, sắc thuế hoàn thành và hoàn thành vượt mức dự toán.

Cùng với đó, ngành thuế đã triển khai hiệu quả các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp. Ước tính trong năm 2021, đã có gần 140.000 đơn đề nghị gia hạn nộp thuế, trong đó có 120.021 doanh nghiệp và tổ chức và 19.487 hộ, cá nhân kinh doanh. Tổng số thuế, tiền thuê đất được gia hạn là 92.900 tỷ đồng. Tính đến cuối tháng 11/2021, cơ quan thuế đã miễn giảm tiền thuê đất theo Quyết định số 27/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng với tổng số tiền khoảng 3.500 tỷ đồng. Giảm thuế theo Nghị quyết số 406/NQ-UBTVQH15 và Nghị định số 92/2021/NĐ-CP khoảng 19.700 tỷ đồng.

Đối với hộ, cá nhân kinh doanh, ước tính số thuế được miễn đến hết tháng 12 khoảng 6.698 tỷ đồng số thuế đã nộp sẽ được trừ trong năm 2022. Cơ quan thuế đã gia hạn thuế tiêu thụ đặc biệt theo Nghị định số 104/2021/NĐ-CP với tổng số tiền khoảng 4.000 tỷ đồng. Đối với công tác quản lý nợ thuế, ước đến thời điểm ngày 31/12/2021, toàn ngành Thuế thu hồi được 25.100 tỷ đồng, đạt 83,4% chỉ tiêu thu nợ giao, trong đó thu bằng biện pháp quản lý nợ là 17.705 tỷ đồng; thu bằng biện pháp cưỡng chế nợ là 7.395 tỷ đồng.

4-4.jpg -0
Ngành thuế xây dựng cơ sở dữ liệu, phát hành và quản lý tốt hóa đơn điện tử.

Bất động sản, ngân hàng, chứng khoán vào "tầm ngắm"

Năm 2022, ngành Thuế được giao dự toán thu ngân sách là 1.174.900 tỷ đồng, trong đó thu từ dầu thô là 28.200 tỷ đồng và thu nội địa là 1.146.700 tỷ đồng. Xác định đây là nhiệm vụ rất khó khăn trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 còn diễn biến khó lường với nhiều biến chủng mới, để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, lãnh đạo ngành Thuế cho biết toàn ngành sẽ tập trung triển khai các giải pháp hỗ trợ, góp phần giúp người nộp thuế duy trì, phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh; đẩy mạnh việc tuyên truyền hỗ trợ người nộp thuế bằng các hình thức trực tuyến.

"Toàn ngành Thuế cần tập trung triển khai quyết liệt, thực hiện tốt các nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm như đánh giá, tổng hợp kết quả để nghiên cứu, trình Chính phủ, Quốc hội về các giải pháp tiếp tục hỗ trợ người dân và DN đẩy nhanh việc hồi phục hoạt động sản xuất kinh doanh trong năm 2022 và những năm tiếp theo, tạo nguồn thu bền vững cho NSNN.Toàn ngành phải thực hiện chống dịch tốt, nâng cao kỷ cương, trách nhiệm nghề nghiệp, tăng cường thanh tra, kiểm tra nội ngành.

Đẩy mạnh chống chuyển giá, trốn thuế, trục lợi và gian lận thuế; tăng cường thu ở những lịch vực tiềm năng. Cụ thể, ngành Thuế cần rà soát các nguồn thu còn dư địa, còn tiềm năng để khai thác tăng thu như sàn giao dịch điện tử, bất động sản, khoáng sản, ngân hàng, chứng khoán; thực hiện thanh tra, kiểm tra những doanh nghiệp có dấu hiệu rủi ro cao, có dư địa khai thác số thu lớn như đất đai, tài nguyên, khoáng sản, các dự án hết thời gian ưu đãi thu.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc chỉ đạo tại hội nghị, ngành Thuế cần đẩy mạnh công tác quản lý thuế, thanh kiểm tra đối với hoạt động kinh doanh trên nền tảng số, kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh qua mạng; thực hiện quyết liệt, có hiệu quả công tác đôn đốc, thu hồi nợ thuế và xử lý nợ thuế theo Nghị quyết số 94 của Quốc hội và Luật Quản lý thuế, đảm bảo giảm tỷ lệ nợ đọng xuống dưới 8% tổng thu ngân sách do cơ quan thuế quản lý. Cùng với đó, tập trung chuyển đổi số lĩnh vực thuế là nhiệm vụ trọng tâm. Ngành Thuế phải xây dựng cơ sở dữ liệu, phát hành hóa đơn điện tử, quản lý tốt hóa đơn điện tử, dùng trí tuệ nhân tạo để kiểm soát hóa đơn điện tử. Để làm được điều này, ngành Thuế phải thành lập một tổ nghiên cứu để kiểm soát hóa đơn điện tử và gian lận trục lợi thuế…

Hà An
.
.
.