“Trám” lỗ hổng thất thu thuế thương mại điện tử

Thứ Sáu, 19/03/2021, 09:26
Dù thương mại điện tử đã xuất hiện từ lâu và trở thành kênh kiếm tiền hot, nhưng tới năm 2020, câu chuyện 1 cá nhân tự giác kê khai nộp 23 tỷ đồng tiền thuế từ thu nhập viết phần mềm trên mạng gây xôn xao dư luận. Từ đây, hàng loạt “lỗ hổng” về thu thuế thương mại điện tử được khui ra.


Hơn 10 nghìn kênh YouTube “lọt lưới” thuế

Số liệu thống kê cho thấy, trong danh sách top 10 nhà sáng tạo YouTuber nổi bật nhất tại Việt Nam, MixiGaming đứng đầu với hơn 4,5 triệu người đăng ký. Theo ước tính, với hơn 1,2 tỷ lượt xem thì kênh này có thu nhập khoảng 146 nghìn – 2,3 triệu USD/năm, tương đương 3,4 - 53 tỷ đồng. Thế nhưng mới đây, vụ “lùm xùm” liên quan đến YouTuber Thơ Nguyễn (Nguyễn Thị Hồng Thơ) vì những clip phản cảm vấp phải sự phản ứng từ dư luận, thì mới lộ ra một con số khổng lồ khác, xô đổ cả kỷ lục cũ. Theo đó, Thơ Nguyễn đang sở hữu kênh YouTube có tới hơn 8,7 triệu lượt đăng ký theo dõi, thu về hơn 1,7 tỷ lượt xem trong năm 2020, trung bình khoảng 144 triệu lượt xem/tháng, qua đó, doanh thu tương đương 16 tỷ đồng/năm.

Thế nhưng, điều đáng nói là hiện nay, ngành Thuế đang bị thất thu một khoản khổng lồ từ nguồn doanh thu này. Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, tính đến cuối năm 2020, có khoảng 15 nghìn kênh YouTube đã bật nút kiếm tiền, trong đó có khoảng 350 kênh có doanh thu lớn và từ 1 triệu người đăng ký theo dõi trở lên. 

Thu thuế thương mại điện tử ngày càng tăng. Ảnh minh họa.

Tuy nhiên, ngành Thuế chỉ nắm được thông tin của 5 nghìn kênh trên tổng số 15 nghìn kênh để yêu cầu đóng thuế hoặc cá nhân tự chủ động đóng thuế. Như vậy, tổng số thuế mà các cá nhân có thu nhập đã nộp thấp hơn nhiều so với nghĩa vụ phải nộp. Đáng báo động hơn, các cá nhân đang tìm mọi cách trốn thuế bằng cách không khai báo, khai báo không trung thực, không đúng với thực tế. Ngoài ra, những đối tượng này còn trốn thuế qua cổng thanh toán quốc tế như Papal, Payoneer. 

Theo đó, có thể kể ra 5 cách thông dụng khi sử dụng cổng thanh toán quốc tế để che giấu nguồn tiền. Cách một là không rút tiền về ngân hàng Việt Nam mà để ở nước ngoài, bán ngoại tệ cho người khác giao dịch trên thị trường chợ đen. Cách 2 là tiền vẫn nằm ở tài khoản cổng thanh toán ở nước ngoài, nhưng dùng thẻ visa để mua bán, giao dịch tại Việt Nam. Cách 3 là dùng tiền trong tài khoản cổng thanh toán quốc tế mua hàng tại nước ngoài bằng USD. Cách 4 là bán tiền trên cổng thanh toán quốc tế cho đối tượng có nhu cầu. Cách 5 là người có tiền trên cổng thanh toán quốc tế sẽ bán lại ngoại tệ cho 1 đơn vị chuyển tiền hộ, và ở đầu Việt Nam, sẽ có người ngay lập tức đưa lại tiền VNĐ cho họ. Như vậy, các giao dịch này đều không để lại dấu vết.

Trốn thuế có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự

Trở lại câu chuyện 1 cá nhân tự giác kê khai 23 tỷ đồng tiền thuế, trong bối cảnh thu thuế khó khăn do dịch bệnh, nếu cá nhân không tự giác thì chắc chắn số tiền thuế nói trên sẽ “lọt lưới”, chưa kể, sự báo động cũng sẽ không “nóng giẫy” như bây giờ. Trong cuộc họp với báo chí từ cuối năm ngoái, bà Tạ Thị Phương Lan - Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ, vừa và hộ kinh doanh, cá nhân (Tổng cục Thuế) cho biết, việc thu và truy thu thuế đối với những nguồn thu nhập đến từ hoạt động thương mại điện tử, trong đó có YouTuber không phải tới bây giờ mới triển khai, mà đã được ngành Thuế triển khai nhiều năm nay, số thu ngày càng tăng qua các năm. Tổng cục Thuế công bố, hiện số thu từ hoạt động thương mại điện tử của các tổ chức, cá nhân (Facebook, YouTube, Google…) trong nước năm 2016 là 46,86 tỷ đồng. Năm 2019, con số này đã lên tới 1.010 tỷ đồng và năm 2020 là 1.143 tỷ đồng. 

Đáng chú ý, tại Cục Thuế thành phố Hà Nội, tính đến tháng 12/2020, hệ thống dữ liệu của ngành Thuế đã quản lý thu của các cá nhân có hoạt động từ Google, Facebook, YouTube… với tổng doanh thu của các cá nhân nhận được là 2.200 tỷ đồng. Đến nay, 333 cá nhân đã nộp thuế, với số thuế đã nộp là 148 tỷ đồng. Tương tự, Cục Thuế TP Hồ Chí Minh đã thực hiện rà soát 14.951 trang web, từ đó, xác định 1.092 chủ trang web thuộc đối tượng chịu thuế. Trong quá trình làm việc đã có 56 cá nhân tự giác kê khai với số thuế khai bổ sung và tiền chậm nộp là 1,83 tỷ đồng.

Những số liệu “khủng” nói trên cho thấy, dư địa thu thuế thương mại điên tử hiện rất lớn. Ông Đặng Ngọc Minh - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết: “Đối với các doanh thu từ Facebook, Amazon…, khi xây dựng Thông tư, chúng tôi có kế hoạch mời các đơn vị này vào để trao đổi, thống nhất về quan điểm, yêu cầu họ tuân thủ chính sách Việt Nam và trao đổi thông tin với cơ quan thuế. 

Hiện tại, thông qua những số liệu từ cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng, chúng tôi tiếp tục làm việc với cá nhân và doanh nghiệp có nguồn thanh toán từ Google, Facebook... Chúng tôi có quyền yêu cầu các doanh nghiệp khi đã đăng kí nộp thuế ở Việt Nam thì phải trao đổi thông tin cho cơ quan thuế và có thể sẽ có cơ chế cho việc thực hiện khấu trừ trước khi trả cho người dân, doanh nghiệp”.

Được biết, theo quy định, những cá nhân trong nước có thu nhập từ các kênh YouTube, Facebook, Google... phải có nghĩa vụ đăng ký, kê khai và nộp thuế. Nếu cơ quan thuế phát hiện những cá nhân cố tình chây ỳ, không nộp thuế sẽ bị xử phạt hành chính, phạt tiền chậm nộp thuế, nặng hơn có thể truy cứu trách nhiệm hình sự nếu trốn thuế với số tiền lớn. Nếu cố tình trốn thuế thì cá nhân đó có thể sẽ bị xử tù. Theo lãnh đạo Tổng cục Thuế, hàng loạt quy định mới về quản lý thuế được thực thi từ năm 2021 sẽ góp phần chống thất thu, gian lận thuế, trốn thuế, đặc biệt với hoạt động thương mại điện tử, nền tảng số.

Theo quy định, các cá nhân có thu nhập từ YouTube, có doanh thu từ 100 triệu đồng mỗi năm sẽ nộp thuế thu nhập cá nhân mức 5% và thuế giá trị gia tăng mức 2%. Đối với doanh nghiệp, khi sở hữu kênh và bật tính năng tính tiền và có doanh thu, sẽ phải nộp 20% thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế giá trị gia tăng là 10%.

Hà An
.
.
.