Thị trường hàng Tết bắt đầu nhộn nhịp

Thứ Sáu, 02/02/2024, 06:18

Chỉ còn hơn 1 tuần nữa sẽ đến Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, thị trường hàng hoá thiết yếu Tết đang trở nên sôi động hơn. Ghi nhận tại các siêu thị cho thấy sức mua bắt đầu tăng, đúng như kỳ vọng trước đó người dân tập trung mua sắm vào thời điểm cận Tết.

Theo ghi nhận tại các chợ truyền thống và cửa hàng tạp hoá tại khu vực Hà Đông, Thanh Xuân, Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm cho thấy sức mua bắt đầu tăng, người dân đã bắt đầu đi mua sắm Tết, đặc biệt là chuẩn bị đồ thiết yếu để cúng ông Công, ông Táo. Tại thời điểm ngày 31/1 (tức 21 tháng Chạp), rau xanh tại các chợ truyền thống có mặt hàng tăng, có mặt hàng giảm hơn so với thời điểm tuần trước. Rau củ quả tăng giá do cận Tết và ảnh hưởng của thời tiết, rét đậm và sương muối nên rau hỏng khá nhiều, giá đến người tiêu dùng tăng hơn. "Giá rau xanh giảm hơn đợt lạnh của tuần trước, nhưng vẫn ở mức cao và một số loại tăng giá do nguồn cung ít hơn. Tuy nhiên, sức mua vẫn chậm hơn các năm trước, do người dân thắt chặt chi tiêu", chị Nguyễn Thị Trinh tiểu thương ở Hà Đông chia sẻ. Cùng với rau xanh, thịt lợn thời điểm này cũng tăng giá hơn trước.

dbd948d1-3cf7-4168-8946-c7fc17c6f542.jpg -0
Nhà bán lẻ kỳ vọng sức mua sẽ bật tăng trong những ngày cận Tết.

Vào dịp này, các mặt hàng bánh, kẹo Tết người dân cũng đã bắt đầu đi mua sắm. Chị Nguyễn Hoa (Long Biên) cho biết, bánh kẹo giờ không mua nhiều như trước nhưng cũng cần đầy đủ. Hiện tại các cửa hàng tạp hoá, bánh kẹo, giỏ quà Tết rất phong phú, mẫu mã đẹp, nhất là bánh kẹo Việt được lựa chọn nhiều. "Năm nay, tôi chọn những sản phẩm bánh kẹo Việt và những loại hạt như hạt sen, óc chó, hạnh nhân, hạt bí và một số loại ô mai. Mẫu mã đẹp và đa dạng nên người tiêu dùng dễ lựa chọn đồ hơn", chị Hoa cho hay.

Trên thực tế, hàng Việt năm nay được nhiều người tiêu dùng lựa chọn, nhất là vào Tết thì bánh kẹo Việt hút khách. Tại các siêu thị và cửa hàng tạp hoá, độ phủ sóng của các loại bánh kẹo của thương hiệu trong nước như: Bibica, Kinh Đô, Hữu Nghị, Hà Nội… đều được bày bán bắt mắt. Các thương hiệu lớn này cũng tung ra nhiều sản phẩm mới như kẹo mềm ngũ quả, phúc lộc thọ, phát tài, phát lộc với ý nghĩa mang đậm chất truyền thống, có ý nghĩa sum họp gia đình dịp Tết. Bên cạnh đó, nhiều mẫu đặc biệt mang ý nghĩa may mắn như hộp kẹo hình thỏi vàng, hoa mai, đồng tiền may mắn… cũng được ra mắt trong dịp này. Riêng các loại bánh cao cấp hộp thiếc có bao bì khá sắc sảo, không thua kém hàng ngoại nhập, giá cả cũng phải chăng.

Chị Phan Thị Hoa, chủ một cửa hàng bánh kẹo ở Hà Đông cho biết, trong tuần cận Tết, số người tới mua hàng bắt đầu tăng lên, trong đó, bánh kẹo nội bán chạy nhất. Về giá cả, năm nay các loại bánh kẹo hầu như không tăng so với năm trước. Một số sản phẩm cao cấp hơn giá tăng khoảng 5-10%. Giá các loại bánh kẹo thường dao động từ vài chục cho tới vài trăm nghìn đồng/hộp tùy loại.

Về sức mua những ngày cận Tết, Phó Tổng Giám đốc Hệ thống siêu thị BRGMart Nguyễn Thị Hiền cho biết, sức mua tại hệ thống siêu thị bắt đầu tăng, đây là tín hiệu tích cực, đúng với dự báo của siêu thị về thị trường. Ngay từ đầu tuần, người dân đã đi bắt đầu đi sắm sửa Tết, giá cả ổn định, nhiều mặt hàng thiết yếu khuyến mại giảm sâu được người dân lựa chọn. Để đáp ứng đủ nhu cầu mua sắm của người dân, siêu thị BRGMart đã phối hợp với các nhà cung cấp, dự trữ hàng hóa Tết, sản lượng hàng hoá tăng gấp 3 lần các tháng trong năm. Hiện, lượng hàng hóa Tết tại hệ thống bán lẻ của doanh nghiệp đã về đầy kho, nhất là các sản phẩm nông sản chất lượng cao, đặc sản vùng miền. Toàn bộ hệ thống đang tất bật đi các điểm tập trung bán hàng.

Bà Nguyễn Thị Kim Dung, Giám đốc siêu thị Co.opmart Hà Nội cho biết, để phục vụ Tết, siêu thị đã thực hiện dự trữ nguồn hàng hoá thiết yếu ngay từ giữa năm 2023. Trong đó, 9 nhóm hàng hoá lương thực, thực phẩm thuộc chương trình bình ổn thị trường được dự trữ tăng từ 20-50% tùy theo nhóm hàng hoá so với tháng kinh doanh bình thường với tổng giá trị lên đến 10.000 tỷ đồng.

Đại diện hệ thống siêu thị WinMart, bà Nguyễn Minh Anh cũng chia sẻ, hiện nguồn cung lương thực, thực phẩm luôn dồi dào, giá cả không biến động lớn. Đơn vị sẽ theo dõi diễn biến thị trường để bảo đảm nguồn thực phẩm cũng như bình ổn giá cho người dân dịp Tết.

Đánh giá tình hình thị trường cung - cầu và giá cả một số mặt hàng hoá thiết yếu trong dịp Tết, ông Nguyễn Thế Hiệp, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP Hà Nội cho biết, để chuẩn bị hàng hoá phục vụ Tết, Sở đã vận động và phê duyệt 32 đơn vị tham gia Chương trình cung ứng các mặt hàng hoá bình ổn tới hơn 14.530 điểm bán. Từ nay đến Tết Nguyên đán Giáp Thìn, Sở Công Thương tập trung triển khai các hoạt động kích cầu, qua đó cung cấp các mặt hàng thiết yếu, bình ổn giá, bảo đảm chất lượng cho người tiêu dùng. Người tiêu dùng nên lựa chọn các thương hiệu bánh, mứt, kẹo bảo đảm chất lượng, có nguồn gốc rõ ràng, không mua hàng không rõ thông tin, nhãn mác. 

Lưu Hiệp
.
.
.