Tập trung tháo gỡ "điểm nghẽn" IUU

Thứ Bảy, 15/04/2023, 07:32

Trong 3 tháng đầu năm 2023, Bình Định vẫn còn xảy ra 3 tàu cá/16 lao động bị Malaysia bắt giữ (huyện Phù Cát có 2 tàu/11 thuyền viên; Hoài Nhơn có 1 tàu/5 thuyền viên). Do đó, công tác khắc phục tình trạng này trở nên cấp bách, qua đó giúp chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU).

Theo Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định, bên cạnh khó khăn khách quan (trong đó có việc phân định ranh giới trên biển giữa các nước trong khu vực, đặc biệt ở vùng biển giáp ranh với Malaysia chưa rõ ràng do chưa có hiệp định phân định), một trong những khó khăn trong quản lý khai thác thủy sản IUU của tỉnh Bình Định là đa số các chủ tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài đều làm thủ tục xuất bến tại các cảng cá ngoài tỉnh, tập trung ở miền Nam, nhiều năm liền không đưa tàu cá về địa phương nên khó khăn trong việc tiếp cận để thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định.

4-5.jpg -0
Rất đông tàu cá Bình Định đang hoạt động tại tỉnh Bà Rịa - Vũng tàu. Ảnh: CCTS.

Bên cạnh đó, tàu cá vi phạm chủ yếu là tàu nhỏ có chiều dài dưới 15m, tàu cũ, giá trị thấp, không thuộc nhóm phải thực hiện quy định phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình nên cơ quan chức năng không giám sát được quá trình hoạt động trên biển, không kịp thời phát hiện và cảnh báo. Đơn cử là trường hợp 2 tàu cá BĐ-30780TS và BĐ-31218TS ở xã Cát Tiến, huyện Phù Cát.

Thống kê của Chi cục Thủy sản tỉnh Bình Định cho thấy, toàn tỉnh có tới 455 tàu cá có nguy cơ cao vi phạm IUU, bao gồm chủ tàu cá của tỉnh đã chuyển hộ khẩu ra ngoài tỉnh nhưng chưa thực hiện thủ tục đăng ký tàu cá tại nơi cư trú (8 tàu); tàu cá của tỉnh đã bán ra ngoài tỉnh nhưng chưa thực hiện sang tên đổi chủ (72 tàu); tàu cá của tỉnh thường xuyên hoạt động đánh bắt thủy sản và neo đậu ở ngoài tỉnh (375 tàu)... Trong số 455 tàu kể trên, chỉ có 140 tàu có chiều dài thân tàu trên 15m, còn lại chủ yếu là tàu có chiều dài dưới 15m. Điều này cho thấy rằng, nguy cơ sẽ có thêm nhiều tàu cá của tỉnh Bình Định vi phạm IUU là rất cao.

Sau các chuyến làm việc của đại diện tỉnh Bình Định với các tỉnh phía Nam, việc xây dựng cơ chế phối hợp trao đổi thông tin giữa tỉnh Bình Định với các tỉnh khu vực phía Nam, nơi thường xuyên có tàu cá Bình Định cập bến, neo đậu được xem là rất cần thiết. Hiện nay Quy chế phối hợp giữa UBND tỉnh Bình Định và UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu trong công tác quản lý tàu cá, chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định đã được ký kết vào ngày 3/3. Đối với các tỉnh khác như Tiền Giang, Bình Thuận, Cà Mau, Kiên Giang, Khánh Hòa, Bạc Liêu, Ninh Thuận, hoạt động trên cũng đang được đẩy nhanh thực hiện.

Bình Định đặt mục tiêu rà soát, khoanh vùng, lập danh sách các đối tượng, nghề khai thác có nguy cơ cao vi phạm vùng biển nước ngoài, đặc biệt là các tàu cá có chiều dài dưới 15m thường xuyên di chuyển ngư trường các tỉnh phía Nam, chưa có thiết bị giám sát hành trình để triển khai các giải pháp quyết liệt ngăn chặn, yêu cầu chủ tàu thực hiện xóa đăng ký tàu cá và thu hồi giấy phép khai thác thủy sản theo quy định; không cấp thủ tục xuất bến cho tàu đi khai thác đồng thời thông báo cho chủ tàu mới thực hiện chuyển nhượng, sang tên và đăng ký tàu cá tại nơi cư trú để quản lý…

Để hạn chế tối đa việc các tàu cá dài dưới 15m vi phạm IUU, Bình Định cũng hạn chế cấp phép khai thác thủy sản đối với nhóm tàu này, nhất là những tàu hoạt động ở ngoài tỉnh. Cùng với đó, tỉnh cũng khẩn trương xây dựng chính sách chuyển đổi nghề và xả bản tàu cũ đối với nhóm tàu này, sớm trình HĐND tỉnh ban hành chính sách hỗ trợ. Bên cạnh đó, nhằm tăng cao mức độ răn đe, Bình Định đã chỉ đạo xử lý nghiêm khắc các trường hợp tàu cá mất kết nối trên biển theo quy định. Rà soát, kiểm tra cụ thể nơi về bến của các tàu cá mất tín hiệu kết nối trên biển để chỉ đạo làm việc và xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định số 42/2019/NĐ-CP. Trường hợp tàu cá về bến ngoài tỉnh có văn bản đề nghị địa phương nơi tàu về bến để xử lý vi phạm hành chính theo quy định.

Ái Trinh
.
.
.