Tập trung khắc phục hạn chế để phát triển Thành phố thông minh Bình Dương

Thứ Tư, 29/12/2021, 19:44

Năm 2016, Bình Dương xây dựng đề án Thành phố thông minh (TPTM) Bình Dương với mô hình học hỏi từ thành phố Einhoven, Hà Lan.

Qua 5 năm triển khai, thành quả đáng ghi nhận là 3 năm liên tiếp từ 2019-2021, Bình Dương được diễn đàn các cộng đồng thông minh thế giới ICF bầu chọn trong TOP 21, đặc biệt năm 2021 Bình Dương được bầu chọn trong TOP 7 các thành phố có chiến lược phát triển TPTM tiêu biểu.

Trong giai đoạn 5 năm tiếp theo (2021-2026), đề án TPTM Bình Dương mà trọng tâm là đề án Vùng đổi mới sáng tạo Bình Dương sẽ có cách tiếp cận khác biệt với các địa phương khác trên cả nước.

Tập trung khắc phục hạn chế để phát triển Thành phố thông minh Bình Dương -0
Khu thương mại điện tử xuyên biên giới ở Bình Dương.

Bình Dương chưa tập trung vào ngay việc ứng dụng các tiện ích công nghệ trong thành phố, thay vào đó tập trung vào việc xây dựng một cộng đồng thông minh trước, sau đó mới tập trung xây dựng những tiện ích công nghệ thông minh.

Theo ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng Công ty Becamex ICD (đơn vị chủ công thực hiện đề án TPTM ở Bình Dương), để có một cộng đồng thông minh, một xã hội thông minh, một xã hội kết nối Bình Dương tập trung vào 3 yếu tố kết nối đó là kết nối hạ tầng vật lý, kết nối xã hội và kết nối công nghệ.

Cụ thể, Bình Dương lựa chọn áp dụng mô hình TOD, tức phát triển các chuỗi đô thị xung quanh các điểm giao thông công cộng nhằm đảm bảo sự phân bổ đồng đều dân cư và tỷ lệ văn phòng, nhà ở, không gian công cộng… Để có một đô thị thông minh, một TPTM phải tạo ra một xã hội đáng sống, với những chính sách thúc đẩy, khơi thông dòng chảy của tri thức, xây dựng được văn hóa đổi mới sáng tạo.

Nhà nước phải đóng vai trò kiến tạo thúc đẩy. nhà trường phải đóng vai trò tiên phong trên mặt trận phát triển nguồn nhân lực, khoa học kỹ thuật và đổi mới sáng tạo và nhà doanh nghiệp phải là tiên phong trong lĩnh vực ứng dụng và đưa đổi mới sáng tạo vào cuộc sống, tạo ra giá trị và quay lại đặt hàng cho nhà trường, cũng như đóng góp ý kiến cho Nhà nước.

Tập trung khắc phục hạn chế để phát triển Thành phố thông minh Bình Dương -0
Phối cảnh dự án cầu vượt trên Quốc lộ 13 ở Bình Dương.

Khi hạ tầng đã được đầu tư thông minh và bài bản, xã hội đã được vận hành thông minh và bài bản, Bình Dương sẽ phát triển các tiện ích công nghệ thông minh để tạo sự cộng hưởng, tăng hiệu suất cũng như tác động xã hội.

Sau hơn 2 thập kỷ phát triển hạ tầng công nghiệp, Bình Dương đã trở thành một vùng công nghiệp lớn tại Việt Nam với 29 khu công nghiệp (12.734 ha), tỷ lệ lấp đầy trung bình đạt trên 83,4%; thu nhập bình quân đầu người năm 2020 đạt 155 triệu đồng/người/năm, gấp 2,5 lần trung bình cả nước và tương đương với Thái Lan.

Việc phát triển TPTM đã đem lại diện mạo mới cho Bình Dương, tạo được sự quan tâm rất lớn cho nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, hiện tại Bình Dương vẫn xác định sự phát triển kinh tế của tỉnh là chưa bền vững và thiếu cân bằng khi công nghiệp chiếm tỷ lệ 66.8%, còn thương mại dịch vụ chỉ chiếm 22.4%.

Để thu hẹp khoảng cách này, đòi hỏi Bình Dương phải có chiến lược đầu tư bài bản trên quy mô lớn, trong một khoảng thời gian đủ dài mới có thể tạo ra sức bật cho thương mại và dịch vụ. Bởi thương mại dịch vụ hậu cần tốt sẽ góp phần củng cố chuỗi cung ứng địa phương, qua đó giảm giá thành nguyên vật liệu, giá thành cho các dịch vụ hậu cần cho nhà đầu tư, cho nên việc phát triển thương mại dịch vụ cũng là một yếu tố quan trọng giúp Bình Dương phát triển cao hơn.

Ông Võ Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương cho biết, các công trình trọng điểm gồm: Trung tâm Thương mại Thế giới TP mới Bình Dương bao gồm vòng xoay A1 và tòa nhà A9, và Trung tâm Hội nghị triển lãm WTC Expo sẽ kỳ vọng đóng góp vào việc phát triển thương mại dịch vụ cho Bình Dương.

Vòng xoay A1 là một khu phức hợp, bao gồm các khu vui chơi giải trí, nhà thi đấu đa năng, trung tâm thương mại, quảng trường lớn, định vị là công trình phục vụ phát triển thương mại, dịch vụ và văn hóa cho Bình Dương. Tòa nhà A9 là khu văn phòng, phục vụ các công ty, các doanh nghiệp nước ngoài, đồng thời cả các nhà khởi nghiệp, công ty startup với những không gian tối ưu, làm việc chung hoặc không gian nhỏ với chi phí thấp.

Còn Trung tâm hội trợ triển lãm WTC Expo được thiết kế hiện đại, theo tiêu chuẩn quốc tế để thu hút và tổ chức các triển lãm lớn, trong nước và khu vực. Với những chức năng đó, khu phức hợp Trung tâm Thương mại Thế giới WTC Bình Dương New city kỳ vọng sẽ là một trụ cột, mở đầu cho quá trình thu hẹp khoảng cách giữa công nghiệp và thương mại dịch vụ trong cơ cấu kinh tế của tỉnh.

Đặc biệt hiện nay, Bình Dương còn thực hiện đề án xây dựng Khu thử nghiệm về thương mại điện tử xuyên biên giới. Đây là công trình nhằm thúc đẩy phát triển thương mại và dịch vụ, tập trung vào hậu cần cho thương mại điện tử tại Bình Dương.

Một thách thức khác đối với Bình Dương là mặc dù hạ tầng giao thông đã được đầu tư bài bản và chất lượng trong nhiều năm qua, nhưng hiện nay giao thông đường bộ ở Bình Dương đã có dấu hiệu quá tải, đặc biết là các tuyến đường giao thông kết nối vùng, kết nối với cảng biển, cảng hàng không quốc tế.

Sự tắc nghẽn của giao thông ảnh hưởng trực tiếp đến việc giữ chân các nhà đầu tư cũ, cũng như thu hút các nhà đầu tư mới, đồng thời gián tiếp triệt tiêu lợi thế cạnh tranh về vị trí địa lý của tỉnh.

Để giải quyết thách thức này, thời gian qua Bình Dương đã khởi công hàng loạt dự án giao thông trọng điểm như đường Mỹ Phước -Tân Vạn -Bàu Bàng, đường ĐT 743, ĐT 746, ĐT 747, đường Vành Đai 3, đường Vành Đai 4, cao tốc TP.Hồ Chí Minh -Thủ Dầu Một-Chơn Thành; đường Tây Quốc Lộ 13, đường cao tốc TP.Hồ Chí Minh – Mộc Bài…

Đây là những tuyến đường huyết mạch nối Bình Dường với các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía nam như TP.Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Tây Ninh và Bình Phước. Các tuyến đường này đóng vai trò rất lớn trong việc kết nối toàn vùng, giảm áp lực giao thông trên các tuyến đường hiện hữu, đồng thời nhanh chóng kết nối các tỉnh Bình Dương, Bình Phước và Tây Ninh với các cảng biển, sân bay quốc tế hiện tại cũng như trong tương lai tại TP.Hồ Chí Minh và Đồng Nai.

Về đường thủy, Bình Dương đang tiến hành xây dựng hai cảng sông lớn là An Tây và Thái Hòa. Trong tương lai gần Bình Dương sẽ xây dựng các tuyến đường sắt Chơn Thành - Bàu Bàng – Dĩ An – Biên Hòa – Vũng Tàu, kết nối với tuyến đường sắt Bắc Nam.

“Vùng Đổi mới Sáng tạo Bình Dương với mô hình 5 lớp được đúc kết từ thực tiễn xây dựng và phát triển, là sự cô đọng của chiến lược phát triển thông minh của Bình Dương. Đó là quy hoạch đô thị và hạ tầng giao thông công cộng; xây dựng văn hóa đổi mới sáng tạo; phát triển kinh tế cân bằng; chuyển đổi số và phát triển công nghiệp 4.0 và phát triển nguồn nhân lực.

Nhưng để giữ vững và phát huy hơn nữa những thành quả đó, đưa Bình Dương thành vùng đất thịnh vượng, có thu nhập cao, khoa học kỹ thuật phát triển, là điểm đến cho các hoạt động giao thương, thương mại và dịch vụ toàn cầu, là mảnh đất cho đổi mới sáng tạo, nghiên cứu và phát minh,… thì còn nhiều thách thức mà Bình Dương đang nổ lực để từng bước vượt qua.”- Ông Võ Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương cho biết.

M.Hải
.
.
.