Tăng cường thanh tra, giám sát hoạt động của công ty tài chính
Đây là khẳng định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng khi trả lời đại biểu Quốc hội về việc có một số cá nhân, doanh nghiệp lập website, tạo ứng dụng cho vay có tên gây hiểu nhầm doanh nghiệp là công ty tài chính được cấp phép hoạt động. NHNN cũng nhận được đề nghị phối hợp cung cấp thông tin từ Cơ quan Cảnh sát điều tra đối với các vụ án lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của những công ty này.
Trong văn bản trả lời của mình, Thống đốc NHNN cho biết, cơ quan này đã có văn bản chỉ đạo các NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố chủ động báo cáo và đề xuất UBND tỉnh, thành phố rà soát và yêu cầu các cá nhân, doanh nghiệp, các tổ chức khác đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp chỉ được thực hiện hoạt động ngân hàng khi được NHNN cấp phép, đảm bảo tuân thủ quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng; đồng thời, yêu cầu không được sử dụng các cụm từ, thuật ngữ để quảng cáo các sản phẩm, dịch vụ là hoạt động ngân hàng khi chưa được NHNN cấp phép.
Nói thêm về công ty tài chính, Thống đốc NHNN cho biết, quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng quy định, công ty tài chính không được huy động tiền gửi của cá nhân, nguồn vốn hoạt động chủ yếu là vốn điều lệ, huy động trên thị trường tiền tệ, thị trường vốn. Đối tượng khách hàng của công ty tài chính là các khách hàng có thu nhập trung bình hoặc thấp, không ổn định, hiểu biết về tài chính hạn chế, có nhu cầu vay với giá trị nhỏ, thời gian ngắn, mục đích vay phục vụ nhu cầu đời sống sinh hoạt hàng ngày, không có tài sản bảo đảm, rủi ro cao; quy trình, thủ tục cho vay đơn giản, thời gian giải ngân nhanh.
Thống đốc khẳng định, việc ra đời và tồn tại của các công ty tài chính tiêu dùng là phù hợp với nhu cầu thực tiễn, tạo điều kiện cho đối tượng khách hàng không đủ điều kiện tiếp cận dịch vụ cho vay của ngân hàng thương mại có cơ hội tiếp cận các khoản vay phục vụ nhu cầu đời sống, kích thích và thúc đẩy tiêu dùng của dân cư. Đặc biệt, hoạt động cho vay tiêu dùng của công ty tài chính cũng góp phần mở rộng khả năng tiếp cận tín dụng của khách hàng ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa; hạn chế tình trạng tín dụng đen, cho vay nặng lãi ở các địa bàn này.
Do đó, vấn đề đặt ra ở đây là cần có giải pháp quản lý để bảo đảm hoạt động của các công ty tài chính tuân thủ đúng các quy định pháp luật, mở rộng tín dụng tiêu dùng hiệu quả, đáp ứng tốt nhu cầu của người dân. Theo Thống đốc, thông qua giám sát an toàn vi mô, NHNN thường xuyên ban hành các văn bản chỉ đạo, chấn chỉnh; trong đó, quy định rõ trách nhiệm của công ty tài chính, đảm bảo công khai, minh bạch, an toàn, lành mạnh, hiệu quả, bảo vệ quyền lợi chính đáng của khách hàng. Để ổn định lãi suất thị trường, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, NHNN đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng, bao gồm cả công ty tài chính cân đối nguồn vốn và sử dụng vốn để đảm bảo thanh khoản, ổn định lãi suất huy động, giảm lãi suất cho vay.
Thời gian tới, NHNN tiếp tục tăng cường quản lý, thanh tra, giám sát hoạt động của các công ty tài chính, nhất là các công ty tài chính tiêu dùng; đồng thời, tích cực phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan liên quan thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp tại Chỉ thị 12/CT-TTg ngày 25/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ để góp phần hạn chế tín dụng đen, tăng khả năng tiếp cận nguồn tín dụng hợp pháp.