Quyết tâm “khơi thông” các dự án đầu tư

Thứ Hai, 20/09/2021, 07:42

Trong thời gian qua, liên tiếp các cuộc họp trực tuyến giữa Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng với các địa phương như Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng, Hưng Yên để lắng nghe, chia sẻ và tháo gỡ những nút thắt trong thực hiện các dự án đầu tư tại các địa phương. Điều này cho thấy, tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng đang thực sự quyết tâm khơi thông các dự án đầu tư theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ.

Tại các cuộc họp với các địa phương, rất nhiều khó khăn, vướng mắc trong triển khai các dự án đầu tư đã được các địa phương đề cập. Trong đó, ông Nguyễn Hồng Dương, Giám đốc Sở KH&ĐT tỉnh Quảng Ninh cũng đã nêu ra một loạt khó khăn khi triển khai các dự án đầu tư công, dự án đầu tư ngoài ngân sách tại địa phương. Một trong những vướng mắc đầu tiên về triển khai các dự án đầu tư công liên quan đến khoản 2 Điều 52, Luật Đầu tư công năm 2019.

Ông Nguyễn Hồng Dương cho biết, khó có thể lập trình, phê duyệt chủ trương đầu tư của tất cả các dự án trong kế hoạch trung hạn 5 năm tại thời điểm đầu của 5 năm kế hoạch. Đồng thời, mức vốn của dự án tại thời điểm phê duyệt chủ trương đầu tư sẽ không còn phù hợp khi triển khai thực hiện trên cơ sở ở các năm sau, nhất là các năm cuối của năm kế hoạch. Theo đó, việc phải phê duyệt chủ trương đầu tư tất cả các dự án để đưa vào danh mục trung hạn ngay sẽ rất khó khăn và chưa phù hợp với tình hình thực tế.

Quyết tâm “khơi thông” các dự án đầu tư -0
Đầu tư công được coi là một trong những giải pháp quan trọng để thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Ảnh minh họa Internet.

Trong khi đó, ông Đỗ Anh Tuấn, Giám đốc Sở KH&ĐT TP Hà Nội cũng nêu 25 vướng mắc trong 3 nhóm dự án liên quan đến đầu tư công, sản xuất, kinh doanh và dự án đối tác công-tư (PPP). Trong đó, đối với dự án đầu tư công là những vướng mắc liên quan đến quá trình chuẩn bị dự án đầu tư; thẩm quyền thẩm định, phê duyệt nhiệm vụ, dự toán chuẩn bị đầu tư; điều chỉnh chủ trương đầu tư đối với các dự án nhóm A…

Theo ông Đỗ Anh Tuấn, Luật Đầu tư công chưa nêu rõ điều khoản chuyển tiếp đối với việc điều chỉnh chủ trương đầu tư các dự án nhóm A (trước đây được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư), sau khi Luật Đầu tư công năm 2019 có hiệu lực thì được giao thẩm quyền xuống HĐND, nhưng chưa có hướng dẫn điều khoản chuyển tiếp như thế nào. Do đó, Hà Nội đề nghị sửa đổi, bổ sung quy định theo hướng, thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư và điều chỉnh chủ trương đầu tư là của HĐND TP Hà Nội.

Ngoài ra, Hà Nội đề xuất, cần thiết có quy định để phân cấp ủy quyền trong đầu tư công nhằm đẩy mạnh tiến độ thực hiện giải ngân vốn đầu tư công và thực hiện một số dự án đầu tư công thuộc nhiệm vụ chi của thành phố đã và đang được thực hiện bằng ngân sách cấp huyện.

Đặc biệt, quá trình triển khai dự án tại Hà Nội trong nhiều năm qua bị kéo dài còn do vướng mắc về công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư. Tại một số dự án (Xây dựng đường Vành đai 1 Hoàng Cầu - Voi Phục; Tuyến đường số 3, số 5 vào trung tâm Khu đô thị mới Tây Hồ Tây; Tuyến đường số 8 Khu đô thị Bắc Cổ Nhuế - Chèm), người dân còn có kiến nghị về giá đất, cơ chế đối với đất có nguồn gốc đất nông nghiệp các hộ dân đã sinh hoạt ổn định lâu năm, vấn đề quy hoạch, quỹ nhà tái định cư chưa hoàn thành, không nhận tiền bồi thường, không đồng thuận phương án bồi thường gây ảnh hưởng đến mặt bằng thi công…

“Để nhanh chóng giải quyết vướng mắc, Hà Nội đề nghị được tách giải phóng mặt bằng, tái định cư thành dự án riêng để đẩy nhanh cấu phần khác trong tổng thể dự án chung”, ông Đỗ Anh Tuấn nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, đại diện UBND TP Hải Phòng cũng nêu 17 vướng mắc ảnh hưởng đến tiến độ triển khai các dự án đầu tư liên quan đến đầu tư công, dự án sản xuất, kinh doanh và dự án PPP.

Tại các buổi làm việc, rất nhiều vướng mắc của các địa phương liên quan đến triển khai, thực hiện các dự án, điều chỉnh chủ trương đầu tư, giải phóng mặt bằng, đầu tư công hiện còn có những vướng mắc liên quan tới xây dựng, đấu thầu, điều khoản ký kết với nhà tài trợ… cũng được các địa phương nêu lên và đã được thành viên của tổ công tác đặc biệt của Chính phủ, là đại diện cho các bộ, ngành giải đáp, những nội dung còn lại sẽ tiếp tục được tổng hợp và báo cáo Thủ tướng Chính phủ ngay trong tháng 9 để có hướng khắc phục, tạo thuận lợi cho triển khai dự án đầu tư. Tuy nhiên, để đẩy nhanh dòng vốn đầu tư công vào nền kinh tế, những điểm nghẽn liên quan tới quy định pháp luật cần phải được tháo gỡ.

Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Duy Đông, đồng thời là Phó tổ trưởng tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ cho biết, việc tháo gỡ được những khó khăn, vướng mắc cho các dự án đầu tư thì sẽ là cách giải phóng nguồn lực, hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế. Theo đó, những vướng mắc, nội dung kiến nghị của các địa phương sẽ tiếp tục được các bộ, ngành và tổ công tác đặc biệt của Chính phủ nghiên cứu, tìm hướng khắc phục, nhằm khơi thông điểm nghẽn trong thực hiện các dự án đầu tư, tạo thuận lợi cho tăng trưởng kinh tế.

Về thẩm quyền quyết định đầu tư dự án của chủ tịch UBND cấp tỉnh, đề xuất có thể phân cấp cho chủ tịch UBND cấp huyện hoặc cấp phó hoặc cơ quan chuyên môn. Đây là đặc thù cho các thành phố lớn, không chỉ Hà Nội mà còn TP Hồ Chí Minh. “Do vậy, chúng tôi ghi nhận và sẽ báo cáo cơ quan thẩm quyền bổ sung về nội dung này trong thời gian sớm nhất. Riêng với nội dung giải phóng mặt bằng, mới đây Thủ tướng đã thành lập tổ công tác chỉ đạo xây dựng Đề án thí điểm về việc tách giải phóng mặt bằng, tái định cư ra khỏi dự án đầu tư. Như vậy, về chủ trương, việc tách riêng giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án đầu tư được chấp thuận. Vấn đề hiện nay là cách thức xử lý như thế nào”, Thứ trưởng Trần Duy Đông cho hay.

Theo Thứ trưởng Trần Duy Đông, để hoàn thành ở mức cao nhất nhiệm vụ về giải ngân vốn đầu tư công đã được Chính phủ đề ra, Bộ KH&ĐT đề nghị tập trung thực hiện tốt 5 nhóm giải pháp. Cụ thể, hoàn thành việc phân bổ, giao chi tiết kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2021 cho các dự án dự kiến khởi công mới và các nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư, nhiệm vụ quy hoạch sau khi được Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 trước ngày 15/9/2021; Tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế theo nhiệm vụ được giao và yêu cầu thực tế, đảm bảo yêu cầu về thời gian, chất lượng, khả thi; Thực hiện nghiêm Luật Đầu tư công, đẩy nhanh và nâng cao chất lượng công tác chuẩn bị đầu tư các dự án. Bộ KH&ĐT tổng hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền về cắt giảm kế hoạch vốn đầu tư nguồn ngân sách trung ương năm 2021 của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đến ngày 30/9/2021 có tỷ lệ ngân dưới 60% kế hoạch vốn ngân sách trung ương được giao từ đầu năm để điều chuyển cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương khác; Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong việc xử lý thủ tục về đầu tư công như thẩm định dự án đầu tư có cấu phần xây dựng, triển khai kiểm soát chi vốn trong nước và đơn rút vốn của các nhà tài trợ bằng chứng từ điện tử… Đẩy mạnh hoạt động của tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ về rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và thúc đẩy thực hiện dự án đầu tư tại các bộ, ngành, địa phương và tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo xây dựng đề án thí điểm về tách giải phóng mặt bằng, tái định cư ra khỏi dự án đầu tư.

Tính đến hết 31/8/2021, giải ngân vốn đầu tư công ước đạt là 187.285,01 tỷ đồng, đạt 40,6% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ đã giao, giảm so với cùng kỳ năm 2020 (46,41%). Trong đó, vốn trong nước đạt 44,7% (cùng kỳ năm 2020 là 50,02%), vốn nước ngoài đạt 7,94% (cùng kỳ năm 2020 đạt 21,26%).

Lưu Hiệp
.
.
.