Quy hoạch tích hợp thúc đẩy đồng bằng sông Cửu Long phát triển

Thứ Tư, 10/08/2022, 08:21

Chiều 9/8, tại TP Hồ Chí Minh, Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright Việt Nam chia sẻ báo cáo kinh tế thường niên đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Đây là công trình nghiên cứu hợp tác bởi VCCI Cần Thơ và Trường Chính sách Công và Quản lý Fulbright, với sự tham gia các chuyên gia đầu ngành trong các lĩnh vực kinh tế, chính sách, nông nghiệp, môi trường, giao thông, logistics… nhằm cung cấp thông tin về tình hình kinh tế ĐBSCL và những vấn đề quan trọng của Vùng...

Quy hoạch tích hợp thúc đẩy đồng bằng sông Cửu Long phát triển -0
Được giao nhiệm vụ đảm bảo an ninh lương thực, đây là thách thức đầu tiên của đồng bằng sông Cửu Long.

Về kinh tế, kết quả nghiên cứu cho thấy, điểm sáng lớn nhất của ĐBSCL trong hai năm 2020 - 2021 là nông nghiệp. Trong năm 2021, nông nghiệp ĐBSCL tăng trưởng mạnh (3,4%), cao hơn hẳn so với mặt bằng chung của cả nước. Tuy nhiên, chỉ riêng ngành Nông nghiệp không đủ sức vực dậy nền kinh tế ĐBSCL vì khu vực công nghiệp và dịch vụ (chiếm tới hơn 70% GRDP của vùng) nhưng đều tăng trưởng âm.

Đáng lưu ý, giai đoạn 2015 – 2020, tốc độ tăng năng suất lao động nông nghiệp ở ĐBSCL rất cao, lên tới 9,03%/năm, gấp hơn 2 lần so với khu vực công nghiệp (4,39%) và dịch vụ (3,82%). Điều này cho thấy, ĐBSCL vẫn còn nhiều tiềm năng chuyển đổi cơ cấu và tăng năng suất. Nhưng, nhìn từ chiều ngược lại, tốc độ tăng năng suất lao động nông nghiệp cao hơn hẳn so với công nghiệp và dịch vụ cho thấy hạn chế của 2 khu vực này. Vì vậy, cần nhận diện rõ nét và từng bước tháo gỡ những nút thắt gây cản trở sự phát triển 2 khu vực công nghiệp và dịch vụ của ĐBSCL là điều kiện cần thiết để có thể phát triển vùng đất này.

Bên cạnh đó, ĐBSCL cũng đứng trước thử thách của 3 vòng xoáy: “Vòng xoáy ngân sách” phản ảnh tình trạng thiếu đầu tư trầm trọng ở ĐBSCL; “Vòng xoáy lao động” xuất phát từ thiếu cơ hội việc làm nên lao động trẻ di cư từ ĐBSCL đến các khu vực đô thị và công nghiệp ở Đông Nam Bộ; “Vòng xoáy cơ cấu kinh tế” là căn nguyên của hai vòng xoáy trên. Theo thông điệp chủ chốt trong Báo cáo kinh tế thường niên 2022, chỉ bằng cách phá vỡ một số mắt xích của các vòng xoáy đi xuống về kinh tế - xã hội - môi trường, sau đó đảo ngược thành các vòng xoáy đi lên thì ĐBSCL mới có thể chuyển đổi mô hình phát triển kinh tế và nâng cao thu nhập cho người dân một cách bền vững.

Cũng theo báo cáo, ĐBSCL đối diện 11 thách thức lớn nằm ở 3 phương diện: kinh tế, xã hội và môi trường. Về phương diện kinh tế, thách thức đó là nền nông nghiệp của ĐBSCL chậm hiện đại hoá, chủ yếu dựa vào kinh tế nông hộ với diện tích đất canh tác nhỏ và manh mún, nguồn lực đất đai chưa phân bổ hiệu quả, vốn đầu tư hạn chế… Về phương diện xã hội, thách thức thiếu việc làm ở nông thôn dẫn đến tình trạng di cư, thu nhập bình quân đầu người còn thấp, vốn tri thức và kỹ năng của lao động chưa cao, tỷ lệ lao động đã qua đào tạo (14,9%) và lao động có trình độ đại học trở lên (6,8%) thấp nhất cả nước…

Về phương diện môi trường, tình trạng sạt lở bờ sông, đất bạc màu, nước mặn từ biển tràn vào làm hơn một nửa diện tích tự nhiên bị nhiễm mặn… đã làm giảm chất lượng đất canh tác và khoảng 30% số hộ nông nghiệp vùng ĐBSCL có đất trồng trọt bị thoái hoá. 

Thúy Hà
.
.
.