Ngân hàng chuyển đổi số - Xu thế khách quan

Quét tài khoản rác, minh bạch dòng tiền, chống “tín dụng đen” (bài 1)

Chủ Nhật, 25/06/2023, 08:57

Hiện tất cả dịch vụ NH đều được thực hiện trên nền tảng số. Đặc biệt, khi ký kết với Bộ Công an về thực hiện những nhiệm vụ cụ thể của Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06), ngành NH đã có những thành tựu, mang nhiều lợi ích cho người dân và doanh nghiệp.

Dữ liệu từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là “chìa khóa”

Đánh giá về tính hiệu quả của việc chuyển đổi số gắn với triển khai đề án 06 của ngành NH, ông Trần Công Quỳnh Lân, Phó Tổng giám đốc VietinBank khẳng định, dữ liệu quốc gia có thể được sử dụng để phổ cập tài chính toàn diện, giúp “quét” tài khoản rác, minh bạch dòng tiền. Thực tế, các NH đang đối mặt với vấn đề dữ liệu không hề sạch do 3 nguyên nhân.

Quét tài khoản rác, minh bạch dòng tiền, chống “tín dụng đen” (bài 1) -0
Các dịch vụ ngân hàng đều được thực hiện trên nền tảng số. Ảnh minh họa

Thứ nhất, trước đây, khi sử dụng chứng minh nhân dân chữ số, đây là những giấy tờ tùy thân có thể bị giả tạo một cách khá dễ dàng và với con mắt thường của các giao dịch viên rất khó phát hiện ra, dẫn tới có nhiều tài khoản có thể mở được bằng những giấy tờ giả mạo.

Thứ hai, có những kẻ xấu luôn lợi dụng những người ở vùng sâu, vùng xa, kém hiểu biết về pháp luật để thuê họ mở tài khoản. Đây là những tài khoản được mở bằng giấy tờ tuỳ thân hoàn toàn hợp lệ và chính chủ, tuy nhiên những tài khoản này được mua đi bán lại cho kẻ gian, tội phạm lợi dụng để hoạt động. Đây là vấn đề rất nghiêm trọng và khó có thể biết được danh tính của kẻ gian núp bóng sau những tài khoản này.

Thứ ba, dữ liệu NH cũng không được khách hàng chủ động cập nhập. “Bộ Công an cùng với ngành NH đã ký hợp tác về ứng dụng dữ liệu và thực hiện Đề án 06. Với việc sử dụng tài nguyên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, chúng ta "dọn dẹp" những tài khoản rác, qua đó góp phần ngăn ngừa tội phạm núp bóng dưới tài khoản “ảo”, đồng thời phía ngân hàng cũng nâng cao hơn chất lượng dịch vụ, chăm sóc khách hàng của mình”, ông Lân đánh giá.

Nhìn nhận ở góc độ chống “tín dụng đen”, giúp người dân dễ dàng vay vốn, bà Nguyễn Thị Kim Oanh, Phó Tổng giám đốc Vietcombank nhấn mạnh đến vai trò đặc biệt quan trọng của Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trong tiến trình chuyển đổi số của ngành NH. Theo phương thức cấp tín dụng truyền thống, khách hàng gặp nhiều khó khăn khi chứng minh đủ điều kiện vay vốn, đặc biệt là các khoản vay nhỏ và không tài sản đảm bảo. Do khó tiếp cận với nguồn vốn NH nên người dân phải đi vay các nguồn tín dụng không chính thống, gây nhiều hệ lụy cho xã hội.

Giải pháp cho vay online sẽ giải quyết được vấn đề này. Tuy nhiên, các NH vẫn còn thận trọng trong cho vay online do quan ngại 3 vấn đề. Thứ nhất là định danh, xác thực khách hàng. Thứ hai là việc thẩm định, phê duyệt tín dụng tự động do hạn chế về dữ liệu, cơ sở pháp lý chưa rõ ràng. Thứ ba là cơ chế thu hồi nợ, trong đó có việc thiếu thông tin về khách hàng để thu hồi nợ.

Về vấn đề này, Đại tá Vũ Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát QLHC về TTXH, Bộ Công an cho biết: Dữ liệu từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là “chìa khóa”, lời giải cho những bài toán trên của ngành NH. Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư cùng cơ chế thẩm định, phê duyệt tự động là cơ hội rất tốt cho các NH thương mại giải quyết các vấn đề quan ngại trên, giúp người dân dễ dàng vay vốn ngân hàng trên kênh số với lãi suất hợp lý.

Trong khi đó, cũng chia sẻ từ thực tế triển khai tại NH, ông Tô Đình Tơn, Phó Tổng giám đốc Agribank cho biết, cùng với các nền tảng công nghệ NH số hiện đại, việc kết hợp với ứng dụng CCCD gắn chip và các thông tin sinh trắc học của khách hàng như khuôn mặt, vân tay sẽ góp phần giúp hoạt động NH trở nên an toàn, nhanh chóng và thuận tiện hơn. “Trước đây, theo phương thức giao dịch truyền thống, một khách hàng đến quầy giao dịch để mở tài khoản, đăng ký phát hành thẻ thông thường thời gian thực hiện phải mất từ 20-25 phút. Nhưng nay, khách hàng chỉ mất từ 4-5 phút để hoàn tất giao dịch nếu sử dụng thiết bị đọc và xác thực thông tin CCCD và các phần mềm hỗ trợ liên quan”, ông Tơn cho biết.

Đánh giá về quá trình thực hiện Đề án 06 cũng như chuyển đổi số của ngành NH, Đại tá Vũ Văn Tấn cho biết: Trong quá trình chuyển đổi số, NHNN đã quán triệt chỉ đạo triển khai tích cực, hiệu quả Đề án 06. Hiện nay, NHNN đã kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, làm sạch 25 triệu khách hàng thông tin tín dụng và phục vụ cho nhiều hoạt động nghiệp vụ khác. Các tổ chức tín dụng đã không ngừng nghiên cứu, ứng dụng rộng rãi các công nghệ số tiên tiến như dữ liệu lớn, phân tích dữ liệu, trí tuệ nhân tạo/học máy.... nhằm tối ưu hóa, đơn giản hóa quy trình nghiệp vụ, cung ứng sản phẩm - dịch vụ mang tính cá nhân hóa cao, phù hợp với nhu cầu, hành trình khách hàng.

Nhiều tổ chức tín dụng đã triển khai các giải pháp cho phép khách hàng mở tài khoản thanh toán dựa trên xác thực dữ liệu dân cư; cho phép định danh, xác minh thông tin khách hàng bằng thẻ căn cước công dân gắn chíp hoặc ứng dụng VNeID; làm sạch thông tin khách hàng với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; tối ưu quá trình cho vay bằng các giải pháp chấm điểm tín dụng, xác thực thông tin đa chiều bằng dữ liệu dân cư…

Cả ngân hàng và khách hàng đều có lợi

Cách đây 1 năm, vào tháng 5/2022, thị trường tài chính đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác trước tính năng mới của thẻ căn cước công dân (CCCD) dùng để rút tiền tại các điểm rút tiền qua máy ATM mà không cần tới thẻ NH hay dùng mã QR trên ứng dụng ngân hàng số. Đáng chú ý, thời gian xác thực thông tin khách hàng chỉ mất từ 6-8 giây/giao dịch. Bộ Công an đánh giá việc ứng dụng CCCD gắn chip cho các giao dịch NH tự động sẽ hỗ trợ nhiều hơn trong các thủ tục hành chính, giảm thiểu nguy cơ giả mạo tài khoản, sai sót khi chuyển hay rút tiền mặt.

Quét tài khoản rác, minh bạch dòng tiền, chống “tín dụng đen” (bài 1) -0
Rút tiền bằng thẻ căn cước công dân là một tính năng ưu việt.

Đây là một trong những tiện ích của việc chuyển đối số của ngành NH, đặc biệt khi phối hợp với lực lượng công an để thực hiện chuyển đổi số gắn với dữ liệu quốc gia. Trước bối cảnh mới của cách mạng công nghiệp 4.0 và sự nổi lên của công nghệ tài chính - Fintech, chuyển đổi số trở thành lựa chọn bắt buộc đối với ngành NH Việt Nam, là hướng đi tất yếu giúp ngành NH thích ứng và vượt lên thách thức của bối cảnh 4.0.

Với phương châm lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ và tiện ích, thuận tiện cho người sử dụng dịch vụ là thước đo hiệu quả chuyển đổi số, ngành NH đã đầu tư hơn 15.000 tỷ đồng cho hoạt động chuyển đổi số và đã đưa Việt Nam là một trong những nước ứng dụng NH số hàng đầu (tỷ lệ tăng trưởng 40% về thanh toán số trong ba, bốn năm qua). Bà Nguyễn Thị Hồng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) cho biết đến nay, có tới 96% NH đã và đang xây dựng chiến lược chuyển đổi số và 92% NH đã phát triển dịch vụ ứng dụng trên Internet và Mobile.

Theo tính toán, chi phí mỗi giao dịch thực hiện trên kênh kỹ thuật số giảm đến 80-90% so với các giao dịch truyền thống. Các mô hình kinh doanh mới dựa trên công nghệ số như NH di động, đại lý ngân hàng, cùng với những sản phẩm, dịch vụ như ví điện tử, tiền di động tạo ra các phương thức giao dịch mới, dễ dàng tiếp cận hơn cho người dân, kể cả những người không có tài khoản NH sống ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, qua đó thúc đẩy mạnh mẽ hơn tài chính toàn diện.

Thực tế trên đã được chứng minh qua những con số ấn tượng: đã có trên 70% người trưởng thành có tài khoản NH. Giá trị giao dịch qua NH trung bình lên tới 900.000 tỷ đồng với khoảng hơn 8 triệu giao dịch/ngày. Thông qua chuyển đổi số, tỷ lệ chi phí/doanh thu của các NH đã giảm 30-40%, giúp tiết giảm đáng kể chi phí hoạt động.

(Còn nữa)

Trung tướng Trần Ngọc Hà, Cục trưởng Cục CSHS, Bộ Công an đánh giá, việc xác thực, làm sạch, định danh tài khoản, thông tin khách hàng sẽ góp phần hiệu quả trong công tác đấu tranh, phòng, chống tội phạm lợi dụng công nghệ cao để hoạt động cũng như tình trạng “tín dụng đen”. Trong tất cả những phương thức, thủ đoạn lừa đảo bằng công nghệ cao đều phải qua công cụ “dẫn” dòng tiền từ bị hại chuyển cho đối tượng đó chính là tài khoản NH. Khi chúng ta “chốt” được, định danh được tài khoản đó, sẽ chặn đứng được loại tội phạm này chiếm đoạt tài sản của công dân, thu hồi được nguồn tiền trả lại bị hại… Trong thời gian qua, việc làm sạch sim “rác”, tài khoản “ảo” đã góp phần hiệu quả phòng, chống tội phạm lợi dụng công nghệ cao để hoạt động. Kết quả này đã được lãnh đạo Bộ Công an ghi nhận, biểu dương.

Hà An – Hoàng Phong
.
.
.