Ngư dân đoàn kết, chung sức chống khai thác IUU

Thứ Sáu, 26/05/2023, 05:24

Trong giai đoạn thời tiết thuận lợi như hiện nay, đây là “thời điểm vàng” để ngư dân vươn khơi bám biển. Bên cạnh việc đoàn kết, hỗ trợ nhau trong quá trình hoạt động trên biển, các ngư dân khu vực miền Trung nói chung, tỉnh Quảng Nam nói riêng còn chia sẻ ngư trường đánh bắt với hy vọng tôm, cá đầy khoang và cùng chung sức thực hiện chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU).

Sáng 24/5, ghi nhận của PV Báo CAND tại âu thuyền Hồng Triều, huyện Duy Xuyên (Quảng Nam), các ngư dân trên 2 tàu cá số hiệu QNa-94237TS và QNa-95455TS chuyên hành nghề lưới vây đang hối hả tập kết nhu yếu phẩm, ngư lưới cụ để chuẩn bị cho chuyến vươn khơi xa. Ông Nguyễn Thành Sự (trú xã Bình Hải, huyện Thăng Bình), chủ tàu kiêm thuyền trưởng tàu cá QNa-95455TS chia sẻ, tàu có công suất 420CV, trên tàu có 7 lao động.

tau ca.jpg -0
Tàu cá của ngư dân tỉnh Quảng Nam vươn khơi bám biển.

Mỗi chuyến biển trung bình tàu hoạt động đánh bắt khoảng 10 ngày. “Mấy chuyến biển gần đây chúng tôi thường đánh bắt ở ngư trường truyền thống Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam. Trong quá trình đánh bắt, nhờ tham gia vào tổ đoàn kết sản xuất trên biển nên chúng tôi đã chia sẻ, đoàn kết với nhau trong quá trình hoạt động, đồng thời nhắc nhở nhau chấp hành các quy định về chống khai thác IUU”, ông Sự cho biết.

Còn ông Nguyễn Văn Tam (trú xã Bình Hải, huyện Thăng Bình), chủ tàu cá số hiệu QNa-94237TS khẳng định, việc tham gia các tổ, đội đoàn kết trên biển là điều kiện rất cần thiết để ngư dân có thể bám biển dài ngày. “Hoạt động dài ngày giữa muôn trùng khơi mà không có sự hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau giữa các tàu cá thì không thể nào hoạt động đánh bắt hiệu quả, an toàn được”, ông Tam nói.

Theo Chi cục Thủy sản tỉnh Quảng Nam, toàn tỉnh hiện có 2.715 tàu cá, trong đó tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên hoạt động vùng khơi là 657 chiếc, tàu cá chiều dài từ 12m đến dưới 15m hoạt động vùng lộng là 720 chiếc, tàu cá chiều dài từ 6m đến dưới 12m hoạt động vùng bờ là 1.338 chiếc. Ngành khai thác thủy sản đã giải quyết việc làm cho khoảng 15.000 lao động, trong đó 13.000 người khai thác trực tiếp trên biển và khoảng 2.000 lao động trên bờ làm nghề dịch vụ, thu mua.

Hiện nay, 100% tàu cá trên địa bàn tỉnh đã thực hiện sơn màu cabin tàu để đánh dấu tàu cá theo đúng quy định tại Thông tư 23/2018/TT-BNNPTNT của Bộ NN&PTNT. Tỉnh Quảng Nam hiện có 9 nghiệp đoàn nghề cá với 720 tàu/4.879 lao động; 158 tổ, đội đoàn kết sản xuất trên biển với 1.040 tàu/8.063 lao động tham gia đã góp phần hỗ trợ sản xuất, cứu nạn, cứu hộ khi có tai nạn, thiên tai trên biển.

Bên cạnh việc quan tâm phát triển, hỗ trợ cho các nghiệp đoàn nghề cá, các tổ, đội đoàn kết sản xuất trên biển hoạt động hiệu quả, các cơ quan hữu quan tại tỉnh Quảng Nam còn tăng cường công tác tuyên truyền về vấn đề khai thác IUU đến tất cả các địa phương, chủ phương tiện và các thuyền viên tham gia khai thác thủy sản trên biển nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong ngư dân về ý thức tôn trọng, chấp hành quy định pháp luật của Việt Nam và các nước trong khu vực về khai thác thủy sản trên biển.

Qua đó, vận động nhân dân, đặc biệt là ngư dân tích cực hưởng ứng chống khai thác IUU nhằm ngăn chặn, giảm thiểu và chấm dứt tàu cá, ngư dân khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài. Song song đó, còn thường xuyên thông báo, cảnh báo các tàu cá có nguy cơ cao và đặc biệt là nhóm tàu câu mực khơi có nguy cơ vi phạm vùng biển nước ngoài đến các địa phương ven biển và các lực lượng chức năng liên quan như Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 2, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Công an tỉnh... phối hợp hướng dẫn, hỗ trợ, xử lý các tàu các vi phạm và có dấu hiệu vi phạm.

Ông Võ Văn Long, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Quảng Nam cho biết, đến nay, tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15m trở lên đã được Chi cục Thủy sản thẩm định và cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm là 647 tàu, chiếm tỷ lệ 98,5% trên tổng số 657 tàu. Tổng số tàu cá từ 15m trở lên phải lắp giám sát hành trình theo quy định là 657 tàu, trong đó số tàu cá đã lắp là 647, còn 10 tàu chưa lắp.

Lý do chưa lắp đặt giám sát hành trình vì 1 tàu đóng theo Nghị định 67/NĐ-CP hiện đang nằm bờ chưa hoạt động, tòa án đang giải quyết tranh chấp giữa chủ tàu và đơn vị đóng tàu; 3 tàu cá mua từ tỉnh khác, chủ tàu đang thực hiện sửa chữa, cải hoán tàu (2 tàu mua từ tỉnh Quảng Bình và 1 tàu mua từ TP Đà Nẵng); 4 tàu có công suất dưới 90CV không đủ điều kiện an toàn kỹ thuật để hoạt động khai thác vùng khơi nên chủ tàu đang làm thủ tục cải hoán chiều dài xuống dưới 15m để khai thác vùng lộng; 2 tàu còn lại có công suất trên 90CV, trong đó 1 tàu đang nằm trên đà không hoạt động và 1 tàu đang nằm bờ không đi khai thác.

Nhằm giải quyết tình trạng tàu cá chưa lắp đặt giám sát hành trình, ông Long cho biết, đối với tàu cá đóng theo Nghị định 67/NĐ-CP đang tranh chấp, khi chủ tàu giải quyết xong các thủ tục pháp lý, Chi cục Thủy sản sẽ yêu cầu chủ tàu lắp đặt thiết bị giám sát hành trình để được cấp Giấy phép khai thác thủy sản theo quy định.

Đối với tàu cá còn lại chưa lắp thiết bị giám sát hành trình, Chi cục Thủy sản đã có thông báo về địa phương và gặp trực tiếp các chủ tàu yêu cầu cam kết thực hiện cải hoán chiều dài tàu cá để hoạt động vùng lộng; lắp đặt thiết bị giám sát hành trình hoạt động vùng khơi hoặc xả bản tàu cá nếu tàu không còn khả năng hoạt động.

Ngọc Thi
.
.
.