Ngành dệt may buộc chuyển đổi để đáp ứng thị trường xuất khẩu

Thứ Sáu, 22/09/2023, 07:09

Tại “Triển lãm quốc tế vải cao cấp” do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh TP Hồ Chí Minh (VCCI TP Hồ Chí Minh) phối hợp với các đơn vị tổ chức ở TP Hồ Chí Minh từ ngày 20-22/9, ông Trần Ngọc Liêm, Giám đốc VCCI TP Hồ Chí Minh cho biết, dệt may là một trong những nhóm hàng xuất khẩu (XK) khó khăn nhất trong 8 tháng qua.

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, hàng dệt may xếp 37 trong 45 nhóm hàng có kim ngạch XK 8 tháng đầu năm giảm, chỉ đạt 22,5tỉ USD, giảm 3,8 tỉ USD (giảm 14,4%) so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, Mỹ và EU là 2 thị trường XK lớn nhất của ngành dệt may nhưng đều giảm mạnh, Mỹ giảm đến 22,4%, EU giảm 11,9%...

Ngành dệt may buộc chuyển đổi để đáp ứng thị trường xuất khẩu -0

Ngoài nguyên nhân chính khiến kim ngạch XK sụt giảm là do sức mua giảm mạnh tại các thị trường XK chính, thì các cam kết của Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như CPTPP, EVFTA cũng đã đưa ra quan điểm về việc sử dụng xanh, tái chế, phát triển bền vững, các tiêu chuẩn về lao động, minh bạch sản xuất… Những yêu cầu này từ các nước nhập khẩu đòi hỏi nhà sản xuất Việt phải thích ứng. Trong khi đó, chỉ có những DN lớn mới có đủ năng lực, tài chính để đầu tư công nghệ đáp ứng các yêu cầu này, còn những DN nhỏ chủ yếu gia công thật sự là một thách thức lớn. Đặc biệt, EU là thị trường XK dệt may lớn thứ 2 (sau Mỹ) đã đưa ra hàng loạt tiêu chuẩn mới, đòi hỏi khắt khe hơn, đặt ra nhiều nhiều thách thức chưa từng có tiền lệ cho DN xuất khẩu.

Ông Phạm Văn Việt, Tổng Giám đốc Công ty Việt Thắng Jean, Phó Chủ tịch Hội May thêu đan TP Hồ Chí Minh lo ngại, đến năm 2024 các DN dệt may không đáp ứng được các tiêu chí xanh của EU sẽ bị áp thuế bảo vệ môi trường. Khi đó, DN phải mua tín chỉ carbon với giá 86 USD/tấn khi XK vào thị trường này. Nếu DN chỉ XK một vài triệu sản phẩm/năm thì sẽ không đủ tiền mua tín chỉ carbon. Riêng TP Hồ Chí Minh, đến thời điểm này chỉ mới có 5-10% DN dệt may đạt các tiêu chuẩn của xanh của EU, một con số rất khiêm tốn.

Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) khẳng định, chuyển đổi xanh là xu thế tất yếu, DN buộc phải thực hiện. Do vậy, ngay từ bây giờ các DN phải nhanh chóng thay đổi để thích ứng với yêu cầu của thị trường. Để làm được việc này, DN lưu ý: Phải tìm cách để giữ chân người lao động, đồng thời tổ chức các lớp đào tạo kỹ năng nghề, đào tạo nhân lực cho chuyển đổi xanh, chuyển đổi số; có được đơn hàng trong thời điểm này là quý, nên DN chấp nhận những đơn hàng nhỏ lẻ vừa tạo việc làm cho người lao động vừa giữ chân khách hàng, song song đó chú trọng đến thị trường nội địa và khai thai thác thị trường mới. Đặc biệt, DN cần giảm tối đa các chi phí chưa thực sự cần thiết.

Trong chiến lược phát triển ngành dệt may, da giày đến năm 2030, tầm nhìn đến 2035 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cuối tháng 12/2022 cũng quy định rõ: Phát triển ngành dệt may, da giày phải gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, thực hiện nghĩa vụ, trách nhiệm xã hội, đảm bảo phù hợp mục tiêu phát triển bền vững và các cam kết quốc tế. Mục tiêu đến năm 2035, phát triển hiệu quả, bền vững theo mô hình kinh tế tuần hoàn, hoàn thiện chuỗi giá trị sản xuất trong nước, tham gia hiệu quả vào chuỗi giá trị toàn cầu và phát triển được một số thương hiệu mang tầm khu vực và thế giới.

Với ngành dệt (bao gồm xơ sợi, dệt, nhuộm và hoàn tất vải), phát triển sản xuất các loại xơ sợi nguyên liệu mới, thân thiện môi trường, sợi chỉ số cao, chất lượng cao,... đáp ứng nhu cầu sản xuất trong nước, giảm dần nhập khẩu. Với ngành may: Lựa chọn phát triển những mặt hàng chiến lược có uy tín trên thị trường, tăng dần tỷ trọng các sản phẩm chất lượng cao, dịch chuyển sản xuất về các huyện, thị xã và các khu vực có nguồn lao động và hệ thống hạ tầng thuận lợi.

Định hướng phát triển cho ngành dệt may trong thời gian tới, ông Trần Ngọc Liêm, Giám đốc VCCI TP Hồ Chí Minh cho biết, từ nay đến 2050, số hoá và xanh hoá là xu thế tất yếu của ngành dệt may. Vì vậy, DN cần thích ứng mô hình tuần hoàn vào sản phẩm dệt may, nếu không thay đổi kịp thời thì dệt may Việt Nam có thể dần đánh mất lợi thế cạnh tranh.

T.Hà
.
.
.