Tìm đầu ra cho ngành đồ gỗ, dệt may và da giày

Thứ Ba, 01/08/2023, 07:57

Tại hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tháng 7/2023 với chủ đề chuyển hướng kết nối, khai thác thị trường đầu ra cho ngành đồ gỗ, dệt may và da giày diễn ra chiều 31/7, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết: Trong 7 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu (XK) của nước ta sang hầu hết các thị trường chủ lực đều giảm so với cùng kỳ năm. Trong đó, những ngành hàng như dệt may, da giày, đồ gỗ, có mức sụt giảm nhiều nhất.

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết, sự sụt giảm ở hầu hết các thị trường, nhưng giảm sâu nhất là thị trường XK chính là Hoa Kỳ, EU… Cụ thể, 7 tháng đầu năm 2023, tổng kim ngạch XK gỗ và sản phẩm gỗ đạt 7,2 tỷ USD, giảm 26,2% so với cùng kỳ; tổng kim ngạch XK dệt may đạt 18,9 tỷ USD, giảm 15,1% so với cùng kỳ; tổng kim ngạch XK giày dép đạt 11,7 tỷ USD, giảm 17,1% so với cùng kỳ.

Tìm đầu ra cho ngành đồ gỗ, dệt may và da giày -0
Doanh nghiệp dệt may tìm kiếm đơn hàng từ những thị trường ngách để duy trì sản xuất.

Trao đổi với PV về những khó khăn của doanh nghiệp (DN) dệt may, bà Bùi Thị Hoàn, Chủ tịch HĐQT- Giám đốc Công ty Cổ phần thêu may Mỹ Đức cho biết, chưa bao giờ ngành dệt may gặp khó khăn như hiện nay, thị trường sụt giảm, đơn hàng đối với các DN nhỏ hầu như bị cắt. Công ty XK tới trên 10 thị trường, trong đó chủ yếu sang thị trường EU, Hoa Kỳ, châu Á, châu Mỹ…

Từ tháng 3 đến tháng 7 còn có đơn hàng để duy trì hoạt động, nhưng từ nay tới cuối năm chưa có đơn hàng nào. Trước đó, đã ký được đơn hàng XK đi Mỹ, nguyên vật liệu đã chuẩn bị đầy đủ nhưng vừa rồi bên đối tác đã huỷ đơn hàng. "Không có đơn hàng, công ty đã phải giảm bớt công nhân. Từ hơn 500 công nhân, hiện DN chỉ giữ lại một lượng công nhân để duy trì hoạt động", bà Hoàn nói.

Về giải pháp trong thời gian tới, bà Hoàn cho biết, từ đầu năm đến nay đã bù lỗ rất nhiều, hàng tồn đọng, nên giờ phải tìm cách tháo gỡ. Theo đó, DN đã tận dụng số vải, nguyên vật liệu đã mua để sản xuất quần áo bán nội địa, nhưng tiêu thụ cũng khó khăn, lượng tồn kho lớn. Sản xuất gia công khách hàng cũng chưa nhận. Bên cạnh đó, cũng tìm kiếm khách hàng mới ở thị trường châu Á, châu Phi, để bán được những sản phẩm đã sản xuất, giá thành thấp hơn để thu hồi vốn và tiếp tục bổ sung nguyên phụ liệu, duy trì việc làm cho công nhân. 

Về giải pháp cho ngành dệt may, ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội dệt may Việt Nam cho biết, mặc dù còn nhiều khó khăn, XK giảm nhưng tăng trưởng XK thấp không lo bằng giá trị XK thấp. Bởi, giá cả xuống thấp, nhiều DN phải nhận đơn hàng dưới giá thành, biết là lỗ nhưng vẫn phải nhận để cầm cự, giữ chân người lao động, lỗ một chút cũng phải cố làm.

Ngành dệt may từ nay đến hết năm sẽ rất khó khăn, nếu duy trì tốt mới có thể đạt 40 tỷ USD. Do vậy, ông Cẩm kiến nghị cần có sự hỗ trợ về thông tin xác thực, nhanh và cập nhật nhiều hơn về thị trường, đối tác từ các Thương vụ hơn nữa để DN có thể dự báo, ứng phó kịp thời, cùng với đó, hỗ trợ DN xúc tiến thương mại (XTTM) để quảng bá, kết nối, mở rộng tìm kiếm thị trường.

Đồng tình với ý kiến của ông Cẩm, bà Phan Thanh Xuân, Tổng Thư ký Hiệp hội Da giày, túi xách Việt Nam cũng cho rằng, mức suy giảm đơn hàng dự báo kéo dài tới quý I/2024. Vậy, làm sao để giải quyết được tình trạng thiếu đơn hàng này, bởi tại các thị trường truyền thống lớn đã giảm tới 30-40%.

Bà Xuân cho rằng, để bù đắp được sự thiếu hụt đơn hàng từ các thị trường lớn thì cần phải đẩy mạnh công tác XTTM, tìm kiếm từ các thị trường khác, tận dụng các FTA. Hiện, Hiệp hội đã lên danh sách DN đang tham gia XK của Việt Nam có nhu cầu tìm kiếm khách hàng, DN Việt có thể sản xuất được hàng hoá theo mẫu mã và tiêu chuẩn của các nước nhập, do vậy, Thương vụ có thể giới thiệu danh sách DN này cho các khách hàng tại nước sở tại. Việc kết nối thông tin cần được thúc đẩy mạnh mẽ hơn, thông qua nhiều cách làm mới như khi có danh sách DN 2 đầu có thể tổ chức các cuộc net working 2 đầu Việt Nam- Thương vụ, kết nối trực tiếp.

Trong khi đó với ngành gỗ, ông Ngô Sĩ Hoài, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội gỗ và Lâm sản Việt Nam cho rằng, với gần 90% sản phẩm gỗ made-in Việt Nam được XK vào 5 thị trường lớn, bao gồm Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và EU, trong bối cảnh nhiều khó khăn hiện nay, tìm kiếm thêm các thị trường mới, thị trường nhỏ, thị trường ngách là câu chuyện mà ngành gỗ phải tính đến.

"Chúng ta đã đóng cửa rừng tự nhiên, chuyển sang khai thác rừng trồng. Tích hợp rất nhiều nỗ lực để đáp ứng tiêu chuẩn của EU. DN đã chuẩn bị sẵn sàng thực hiện theo các yêu cầu, tiêu chuẩn của các thị trường nhập. Tuy nhiên, một số thị trường EU, Mỹ chưa nhìn nhận hết được, họ vẫn còn e ngại về đầu vào của nguồn nguyên liệu đầu vào, do vậy, Hiệp hội mong các Thương vụ kết nối để trao đổi, tạo niềm tin đối với các nhà mua hàng", ông Ngô Sĩ Hoài nói.

Để khắc phục xu hướng đơn hàng giảm, ông Nguyễn Mạnh Quyền, Trưởng Chi nhánh Thương vụ, Chi nhánh thương vụ Việt Nam tại Houston (Hoa Kỳ) cho rằng, DN, Hiệp hội cần tập trung vào giải pháp cụ thể để từng bước tìm kiếm khách hàng mới. Theo đó, DN Việt cần phải xác định được chiến lược, kế hoạch sản xuất kinh doanh, sản phẩm trong tương lai.

Để xác định bước đi cho các ngành hàng thì cần rà soát lại kế hoạch sản xuất, nhu cầu thị trường có hay không thì mới sản xuất. Sản xuất sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn EU, Mỹ, tìm ra sản phẩm mới, các sản phẩm đạt tiêu chuẩn, phù hợp với xu hướng tiêu dùng của nước nhập. Đồng thời, Thương vụ sẽ hỗ trợ DN tìm kiếm các nhà phân phối thị trường ngách, nhỏ hẹp hơn để không phụ thuộc vào nhà mua hàng lớn.

Bên cạnh đó, DN cần phải tính toán đến giảm chi phí logistics, tăng bán trên thương mại điện tử, để làm được điều đó thì DN phải bắt tay vào làm thực chất, đầu tư cho chuyển đổi số. Đồng thời, thường xuyên phải rà soát lại kế hoạch để tiếp cận thị trường, đầu tư công nghệ mới.

Lưu Hiệp
.
.
.