Ngành công nghiệp hỗ trợ chưa bắt kịp nhu cầu của doanh nghiệp FDI

Thứ Hai, 10/10/2022, 08:09

Nhiều nhà đầu tư nước ngoài (FDI) có nhu cầu mua số lượng lớn linh kiện của các doanh nghiệp (DN) Việt Nam, nhưng trong 4 năm qua chỉ có hơn 370 DN ở TP Hồ Chí Minh và các tỉnh có sản phẩm phù hợp để cung ứng cho DN FDI. Phần lớn DN Việt Nam không đáp ứng được các yêu cầu của họ. Trong khi đó, DN Việt cần phải thay đổi để tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu…

Theo thống kê từ Cục Đầu tư nước ngoài – Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 8 tháng đầu năm 2022, các DN FDI đã “rót” gần 16,8 tỷ USD vào Việt Nam. Trong 53 tỉnh thành tiếp nhận nguồn vốn đầu tư thì TP Hồ Chí Minh dẫn đầu về tỷ lệ đầu tư cũng như các dự án mới.

2.jpg -0
Các doanh nghiệp FDI có nhu cầu cao trong việc mua linh kiện của các doanh nghiệp trong nước.

Bà Mai Phong Lan – Đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hồ Chí Minh cho biết, nếu như trước đây TP Hồ Chí Minh chủ yếu thu hút đầu tư vào lĩnh vực dịch vụ, thương mại, bán buôn, bán lẻ (là các dự án không gắn với việc đầu tư, xây dựng cơ sở vật chất), hiện nay các dự án lớn được cấp phép đa số là các lĩnh vực mà thành phố đẩy mạnh công tác xúc tiến như: các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, khoa học công nghệ… Điều đó chứng tỏ hiệu quả của những định hướng xúc tiến đầu tư thời gian qua, cũng như nỗ lực cải thiện cơ sở hạ tầng, tạo thêm quỹ đất sạch thu hút các dự án có giá trị lớn, theo đúng định hướng chú trọng vào chất lượng dự án hơn số lượng dự án.

Bà Cao Thị Phi Vân – Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP Hồ Chí Minh (ITPC) cho rằng, bên cạnh vị trí chiến lược thuận lợi, diện tích lớn cùng mật độ dân số cao, lao động có trình độ chuyên môn, trung tâm sản xuất và dịch vụ công nghệ cao lớn nhất cả nước… là những điều kiện thích hợp cho người nước ngoài đến làm việc, sinh sống và du lịch. Bên cạnh đó, thành phố luôn đồng hành cùng DN và tích cực triển khai các hoạt động nhằm cải thiện môi trường đầu tư như: Các hoạt động gặp gỡ, đối thoại DN; lồng ghép trong chủ đề hoạt động của thành phố các năm 2019, 2020, 2021… Đó là những lợi thế để thu hút FDI.

Đến nay, TP Hồ Chí Minh có 10.925 dự án FDI còn hiệu lực, với tổng vốn đạt 78,32 tỷ USD. Thực tế cho thấy, khi các tập đoàn quốc tế đầu tư và mở rộng nhà máy tại Việt Nam thường nhắm vào những ngành công nghiệp có giá trị cao, nhằm đáp ứng sự đa dạng hoá giữa chuỗi cung ứng toàn cầu, trong khi đó đây là điểm rất hạn chế của các DN Việt Nam. Theo khảo sát của Tổ chức Xúc tiến ngoại thương Nhật Bản (JETRO) tại TP Hồ Chí Minh, một số vấn đề như: Chất lượng sản phẩm, kỹ thuật chưa hoàn thiện… là những trở ngại cho việc thu mua linh kiện, nguyên vật liệu của DN Nhật Bản tại Việt Nam.

Tại Triển lãm Công nghiệp hỗ trợ và Metalex Việt Nam 2022 (diễn ra từ ngày 6 - 8/10 tại TP Hồ Chí Minh), ông Vũ Trọng Tài - Giám đốc Công ty RX Tradex Việt Nam cho rằng, cùng với cơ hội từ dòng vốn FDI thì thách thức không nhỏ của các DN Việt Nam đó là quy mô nhỏ, manh mún, công nghệ lạc hậu, trình độ quản lý còn hạn chế, các liên kết chuỗi lỏng lẻo. Những hạn chế này đã ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của DN Việt. Trong khi đó, Việt Nam có những tiềm năng đứng trước vận hội vươn lên thành trung tâm sản xuất toàn cầu. Vì vậy, để vượt qua thách thức nội tại, nắm bắt và tận dụng cơ hội này, các nhà sản xuất Việt Nam cần có những cơ hội tiếp cận thông tin cập nhật về công nghệ, thị trường, đối tác và đối thủ cạnh tranh.

Để phát triển DN sản xuất công nghiệp hỗ trợ trong nước, bà Cao Thị Phi Vân - Phó Giám đốc ITPC cho biết, DN cần phải chuyển đổi theo hướng công nghệ cao, gia tăng giá trị sản phẩm, giảm tình trạng thiếu lao động phổ thông, đáp ứng nhu cầu tăng cao của các nhà sản xuất quốc tế tại Việt Nam và từng bước tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu. TP Hồ Chí Minh hiện đang hết sức nỗ lực để đưa ngành công nghiệp hỗ trợ phát triển. Trong thời gian vừa qua, Trung tâm ITPC đã phối hợp với các đơn vị trong và ngoài nước tổ chức nhiều hoạt động về ngành công nghiệp hỗ trợ tại TP Hồ Chí Minh và tại các nước..., nhằm để hỗ trợ DN ngành công nghiệp hỗ trợ.

Thúy Hà
.
.
.