Tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp FDI

Thứ Năm, 23/12/2021, 07:59

Mặc dù bị ảnh hưởng nặng từ dịch COVID-19, song cộng đồng doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) cũng đã sớm thích ứng kinh doanh trong điều kiện bình thường mới. Điều đáng mừng, doanh nghiệp FDI luôn kỳ vọng kinh tế Việt Nam sớm khởi sắc cùng với sự thông thoáng về môi trường đầu tư. Từ đó, trở thành điểm đến hấp dẫn thu hút đầu tư nước ngoài.

Theo Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP Hồ Chí Minh (ITPC), tính đến cuối tháng 11/2021, tổng số dự án của nhà đầu tư Nhật Bản tại TP Hồ Chí Minh là 3.218 dự án. Tổng vốn đầu tư đạt 7,419 tỉ USD (chiếm 10,44% tổng vốn đầu tư của các nhà đầu tư FDI), đứng vị trí thứ 4/116 quốc gia/vùng lãnh thổ về tổng vốn đầu tư trực tiếp trên địa bàn TP Hồ Chí Minh.

fdi.jpeg -0
Thiếu lao động có tay nghề là lo lắng của doanh nghiệp FDI đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao.

Các lĩnh vực được doanh nghiệp Nhật Bản tập trung đầu tư gồm: Công nghiệp chế biến, chế tạo; Bán buôn và bán lẻ; Hoạt động chuyên môn, khoa học công nghệ; Kinh doanh bất động sản; Vận tải kho bãi; Thông tin và truyền thông; Xây dựng; Dịch vụ lưu trú và ăn uống; Y tế và hoạt động trợ giúp xã hội; Giáo dục và đào tạo…; Tương tự, đến hết năm 2020, New Zealand có 42 dự án đầu tư còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 209,5 triệu USD, đứng thứ 38/138 quốc gia và vùng lãnh thổ đã có đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.

Các nhà đầu tư của New Zealand đầu tư vào 12 ngành lĩnh vực, trong đó lớn nhất là bất động sản, tiếp đến là giáo dục đào tạo, công nghiệp chế biến chế tạo… Riêng tại TP Hồ Chí Minh, năm 2021, New Zealand có 26 dự án đầu tư với tổng số vốn đăng ký là 82,8 triệu USD, đứng thứ 47/105 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại TP Hồ Chí Minh…

Lý do khiến các doanh nghiệp FDI chọn Việt Nam nói chung, TP Hồ Chí Minh nói riêng làm điểm đến để đầu tư là Việt Nam có nền chính trị ổn định; có nguồn lao động trẻ và dồi dào, mức lương nhìn chung thấp hơn so với các nước trong khu vực; thị trường tiêu thụ hấp dẫn nhà đầu tư do có dân số đông…

Khu công nghệ (KCN) cao TP Hồ Chí Minh chỉ có 8 DN Nhật Bản (chiếm khoảng 10% tổng vốn đầu tư tại đây) nhưng sử dụng lực lượng lao động sản xuất chiếm đến 40%, đa số lao động phổ thông. Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi đó, thì cũng có một số rào cản khiến các doanh nghiệp FDI chưa phát huy hết khả năng, thế mạnh của mình.

Bà Lê Bích Loan – Phó Trưởng Ban Quản lý KCN cao TP Hồ Chí Minh cho biết, các doanh nghiệp Nhật Bản hoạt động tại KCN cao, đầu tư chủ yếu vào các ngành cơ khí chính xác, tự động hóa... nhưng thiếu nguồn lao động có tay nghề cao. Vì vậy, doanh nghiệp Nhật Bản đã hợp tác với KCN cao để mở trung tâm đào tạo lao động có tay nghề, thông qua đó đáp ứng được nhu cầu lao động của DN Nhật Bản.

Bà Cao Thị Phi Vân - Phó Giám đốc ITPC cho biết, những khó khăn, vướng mắc của cộng đồng doanh nghiệp FDI trong thời gian qua chủ yếu thuộc các lĩnh vực: môi trường đời sống, pháp luật - lao động, thuế, hải quan. Thành phố đã đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, xem đây là một trong những giải pháp đột phá góp phần phát triển kinh tế - xã hội.

Thành phố cũng tập trung rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa các điều kiện kinh doanh và các quy định thủ tục hành chính rườm rà, phức tạp, không cần thiết, trọng tâm là các thủ tục hành chính đang gây trở ngại, kìm hãm hoạt động sản xuất, kinh doanh và các thủ tục hành chính khác liên quan trực tiếp đến doanh nghiệp. Đồng thời, thành phố cũng đã tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và công nghệ số để chuẩn hóa, đơn giản hóa quy trình nghiệp vụ, chấn chỉnh những hạn chế, tồn tại của các công chức, viên chức... nhằm nâng cao chất lượng phục vụ, tạo sự hài lòng cho cộng đồng doanh nghiệp FDI.

Ông Vũ Tiến Lộc – nguyên Chủ tịch Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) cho biết, trong thời gian qua, doanh nghiệp FDI mặc dù gặp nhiều khó khăn bởi đại dịch COVID-19, nhưng nhờ sự kiểm soát và vào cuộc của các cơ quan chức năng, nhiều vướng mắc về chính sách đã được tháo gỡ, hướng dẫn doanh nghiệp thích ứng được với tình hình mới. Đây là tín hiệu tốt, tạo cơ sở cho sự phục hồi dần của các doanh nghiệp. Dự kiến vốn đầu tư nước ngoài sẽ tiếp tục được cải thiện ở cuối năm và trong năm 2022.

Ông Nguyễn Anh Dương – Trưởng ban Nghiên cứu Tổng hợp Viện Nghiên cứu Quản lý Trung ương (CIEM) nhận định, năm 2021 có nhiều biến động do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Triển vọng phục hồi kinh tế sau dịch COVID -19 có liên quan mật thiết tới đà phục hồi của cả mạng lưới sản xuất khu vực châu Á. Các doanh nghiệp FDI cần tận dụng tối đa các cơ hội khai thác được từ Hiệp định thế hệ mới - Hiệp định Đối tác kinh tế khu vực (RCEP).

T.Hà – T.Giang
.
.
.