Đề nghị ưu tiên “luồng xanh” trong lưu thông lúa gạo

Chủ Nhật, 08/08/2021, 07:59

Tại buổi họp trực tuyến về tình hình sản xuất, tiêu thụ lúa gạo tại Đồng bằng sông Cửu Long ngày 7/8, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Lê Minh Hoan nhấn mạnh, các doanh nghiệp cần chia sẻ với bà con nông dân. Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, trong bối cảnh dịch COVID-19, các doanh nghiệp đều gặp khó khăn. Nhưng khó khăn của hoạt động doanh nghiệp trong nông nghiệp còn ảnh hưởng tới hàng chục triệu nông dân.

Nhiều doanh nghiệp lớn chậm thu mua giúp nông dân

Theo Bộ NN&PTNT, lúa Hè Thu 2021 đã thu hoạch được 702 nghìn ha, thấp hơn cùng kỳ năm trước gần 123,3 nghìn ha. Năng suất vụ đạt 57,86 tạ/ha, thấp hơn cùng kỳ năm trước 0,97 tạ/ha. Sản lượng khoảng 4.059 nghìn tấn, thấp hơn cùng kỳ năm trước 793 nghìn tấn. Thông tin từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho thấy, trong tuần qua, giá lúa thường tại ruộng giảm bình quân 133 đồng/kg, hiện chỉ còn khoảng 5.000 đồng/kg; giá lúa thường tại kho tăng nhẹ 40 đồng/kg.

Về tình hình thu mua lúa gạo vụ Hè Thu 2021, ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết, sản lượng thu mua sụt giảm từ 20-30%. Sản lượng thu mua giảm do: doanh nghiệp đang thực hiện hợp đồng từ tồn kho, chưa mua cho hợp đồng mới; nhiều doanh nghiệp không đủ khả năng thực hiện “3 tại chỗ”; hệ thống sấy lúa, nhà máy xay, ghe…. không hoạt động được do phải có test nhanh COVID-19.

image001.jpg -0
Hiệp hội Lương thực Việt Nam kiến nghị ưu tiên phân “luồng xanh”, xét nghiệm nhanh tại chốt cho các phương tiện vận chuyển lúa từ cánh đồng về nhà máy sấy, gạo từ nhà máy ra các cảng xuất khẩu. 

Tại buổi họp, ông Trần Anh Thư, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho biết, vừa qua giá lúa giảm vì cho rằng đứt gãy chuỗi cung ứng. Bên cạnh đó, theo thông lệ hằng năm, vào chính vụ lúa Hè Thu giá lúa cũng giảm so với bình quân của lúa Đông Xuân. Cộng thêm hiệu ứng thị trường giá gạo thế giới giảm, các nhà máy phải thực hiện giãn cách, “3 tại chỗ” nên năng lực sản xuất cũng giảm, dẫn đến hiệu ứng giá lúa giảm. Ngoài ra, các doanh nghiệp đều có cam kết mua lúa cho nông dân nhưng cũng có tình trạng doanh nghiệp chờ đợi giá lúa xuống để họ "bắt đáy”.

Ông Thư bức xúc: “Trong khi rất nhiều doanh nghiệp lớn, nhỏ ở khu vực phía Nam đang nỗ lực vượt khó, áp dụng "3 tại chỗ" để thu mua, tiêu thụ lúa cho nông dân thì tại sao 2 doanh nghiệp lớn nhất ngành hàng lúa gạo hiện nay là Tổng Công ty Lương thực miền Bắc (Vinafood 1) và Tổng Công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2) lại án binh bất động?”. 

Trước phản ánh của Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, ông Phan Xuân Quế, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Lương thực miền Bắc (Vinafood 1) cho biết: "Do các tỉnh phía Nam thực hiện giãn cách hội nhiều, nhiều nhà máy chế biến của tổng công ty gặp khó khăn trong việc duy trì sản xuất, có những nhà máy khó khăn trong áp dụng sản xuất "3 tại chỗ" do chi phí tăng". Ông Phan Xuân Quế cũng cam kết, trong thời gian tới, Vinafood 1 sẽ tổ chức lại sản xuất của các nhà máy, đảm bảo tiêu thụ lúa gạo cho người dân.

Đề nghị ưu tiên “luồng xanh” trong lưu thông lúa gạo

Theo Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt Lê Thanh Tùng, việc bốc xếp, vận chuyển, lưu thông lúa hàng hóa bị đứt gãy chuỗi cung ứng từ ngoài đồng, đến nhà máy, giao ra cảng và lên tàu cho khách hàng. Kênh phân phối nội địa cũng khó khăn giao hàng cả đường bộ, đường thủy. Nhà máy sản xuất xong thiếu hoặc không có ghe, sà lan giao lên cảng. Trong khi khách quốc tế vẫn có nhu cầu nhập khẩu gạo Việt Nam, nhưng các doanh nghiệp không giao hàng được.

Ông Đỗ Hà Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam cũng thông tin, thiếu hụt trầm trọng lực lượng lao động thời vụ, từ người đi thu mua cho đến lao động gặt lúa, bốc vác xuống ghe. Các ghe vận chuyển lúa không thể di chuyển từ vùng này sang vùng khác. Những nhà máy tổ chức sản xuất được “3 tại chỗ” thì năng suất hoạt động giảm mạnh, chỉ duy trì từ 50% trở xuống do thiếu hụt lực lượng nhân công. Bên cạnh đó, có địa phương hiện vẫn lo ngại và hạn chế cho phép tổ chức sản xuất theo hình thức “3 tại chỗ” dù các thương nhân có đủ điều kiện thực hiện. Hiện nay, với năng lực của một số thương nhân xuất khẩu gạo, việc tổ chức sản xuất theo hình thức “3 tại chỗ” hoàn toàn có thể đáp ứng được trong khoảng thời gian kéo dài từ 15-30 ngày.

Trước tình hình trên, Hiệp hội Lương thực Việt Nam kiến nghị, các địa phương đặc biệt xem xét ưu tiên phân “luồng xanh”, xét nghiệm nhanh tại chốt cho các phương tiện vận chuyển lúa tươi từ cánh đồng về nhà máy sấy, gạo từ nhà máy ra các cảng xuất khẩu/khu vực tiêu thụ nội địa đang có nhu cầu nhiều.

Trước những khó khăn ở địa phương, ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho rằng, địa phương cần rà soát theo chuỗi sản xuất để gỡ khó khăn. Hiện, nhiều địa phương thực hiện quá chặt. Ông Đỗ Thắng Hải đề nghị các đơn vị chuyên môn cần báo cáo với cấp cao nhất của địa phương có chính sách nhất quán. Không vì dịch COVID-19 mà ngăn giao thông, vì dịch không thể trong thời gian ngắn có thể khống chế được. Do đó, địa phương cần có biện pháp trong thời gian dài hạn.

Chỉ đạo tại Hội nghị, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, trong bối cảnh dịch COVID-19, các doanh nghiệp đều gặp khó khăn. Nhưng khó khăn của hoạt động doanh nghiệp trong nông nghiệp còn ảnh hưởng tới hàng chục triệu nông dân. "Chính sự không ăn khớp trong ngành hàng lúa gạo nên khi đã rối gặp khó khăn lại càng rối thêm", Bộ trưởng Lê Minh Hoan đánh giá và cho rằng nếu các bên không cùng nhau bàn cách tháo gỡ chung thì sẽ rất khó giải quyết. Do vậy, mỗi bên cần chia sẻ, chịu thiệt một chút để cùng nhau vượt qua khó khăn này.

Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, ngành lúa gạo ở Đồng bằng sông Cửu Long không phân chia theo địa giới hành chính. Các thương lái, doanh nghiệp có thể đi lại giữa các tỉnh, thành thu mua nên chỉ cần một cú “vấp ngã” ở lưu thông thì sẽ dồn ứ. “Các tỉnh đều cam kết tạo điều kiện trong lưu thông nhưng ở các huyện, xã, trạm thì không được như vậy. Các địa phương cần nắm bắt kịp thời tình hình để tháo gỡ nhanh khó khăn cho doanh nghiệp và người dân. Các tỉnh cũng cần thường xuyên trao đổi để cùng tháo gỡ”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đề nghị.

Ngọc Yến
.
.
.