“Liên kết vùng” – Tư duy chiến lược phát triển du lịch

Thứ Năm, 19/05/2022, 09:06

TP Hồ Chí Minh là trung tâm du lịch lớn của cả nước về doanh thu, số lượng khách, số lượng doanh nghiệp cũng như cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch. Trong giai đoạn 2016-2020, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân của thành phố là 6,48%, khu vực dịch vụ có tốc độ tăng trưởng bình quân 6,79%; riêng ngành du lịch có tốc độ tăng trưởng bình quân gần 13% và đóng góp trung bình từ 10-12% GRDP của thành phố.

Hoạt động của du lịch thành phố không chỉ tác động đến các ngành kinh tế của riêng TP Hồ Chí Minh mà còn thúc đẩy phát triển kinh tế của nhiều địa phương, khu vực, đặc biệt là kích thích sự phát triển của chuỗi cung ứng hàng hóa - dịch vụ liên vùng.

1.jpg -0
Liên kết du lịch giữa các tỉnh, thành để khai thác tối đa thế mạnh của mỗi địa phương.

Với vai trò đó của ngành du lịch, từ cuối năm 2021, UBND thành phố đã chỉ đạo Sở Du lịch chủ trì, phối hợp cùng các sở ngành, Hiệp hội Du lịch và các doanh nghiệp xây dựng các kế hoạch, chương trình hành động cụ thể, thiết thực để phục hồi hoạt động du lịch thành phố thích ứng an toàn và linh hoạt với dịch bệnh COVID-19, góp phần phục hồi kinh tế. Thành phố cũng đã tổ chức các đoàn công tác phối hợp với nhiều tỉnh, thành trong cả nước theo các thỏa thuận hợp tác đã ký kết để kết nối, tổ chức lại hoạt động du lịch nội địa.

Để phục hồi du lịch, TP Hồ Chí Minh cũng xác định liên kết vùng là tư duy chiến lược nên đã tích cực đẩy mạnh thực hiện các thỏa thuận hợp tác phát triển du lịch với các vùng liên kết nhằm tạo ra các sản phẩm liên vùng, liên tuyến mới. Những nỗ lực liên tục đó đã mang lại những hiệu quả tích cực về số khách và doanh thu du lịch - dịch vụ, góp phần kích cầu du lịch, thực hiện kế hoạch mở cửa lại hoàn toàn du lịch Việt Nam trong trạng thái “bình thường mới” do Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch triển khai.

Sau khi mở cửa lại hoạt động du lịch và kiểm nghiệm qua các đợt đón khách du lịch nội địa, quốc tế trong dịp Lễ giỗ Tổ Hùng Vương, 30/4 và 1/5 vừa qua, số lượng khách du lịch đến các điểm tham quan trong nước tăng cao. Điều đó cho thấy, trong giai đoạn này, việc liên kết các địa phương để cùng nhau phát triển du lịch là cần thiết, phù hợp với tình hình thực tế.

Ông Lê Trương Hiền Hòa, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh cho biết, khi làm việc với các đối tác tại châu Âu, họ nhấn mạnh du lịch trong nước vẫn là xu hướng du lịch toàn cầu. Họ đánh giá cao về liên kết vùng để mang đến nhiều sản phẩm du lịch phục vụ du khách.

Xác định phát triển du lịch trong nước là trọng tâm, sau khi khống chế được dịch bệnh COVID-19, TP Hồ Chí Minh đã tổ chức nhiều hội thảo, hội nghị liên kết du lịch với các tỉnh, thành trong cả nước. Trong đó việc liên kết với các tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) được đặc biệt quan tâm. Ngay trong khuôn khổ Ngày hội Du lịch TP Hồ Chí Minh lần thứ 18 năm 2022 (từ ngày 14-17/5), Sở Du lịch thành phố chủ trì phối hợp với Sở Du lịch, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch các tỉnh, thành ĐBSCL, các doanh nghiệp lữ hành của TP Hồ Chí Minh tổ chức hội thảo và chương trình giới thiệu sản phẩm du lịch liên kết TP Hồ Chí Minh đến 13 tỉnh, thành ĐBSCL.

Hoạt động này nhằm đẩy mạnh kích cầu khách du lịch nội địa từ TP Hồ Chí Minh đến 13 tỉnh, thành ĐBSCL và ngược lại trong giai đoạn phục hồi ngành du lịch với 3 tuyến du lịch liên kết trọng điểm, đó là Những nẻo đường phù sa; sắc màu vùng biên; non nước hữu tình. Bên cạnh đó, giới thiệu điểm đến, sản phẩm du lịch mới của TP Hồ Chí Minh; các chương trình du lịch mới, đặc trưng liên kết giữa TP Hồ Chí Minh đến các tỉnh, thành ĐBSCL với các doanh nghiệp kinh doanh du lịch và khách du lịch. Lãnh đạo Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch cho rằng, hoạt động liên kết phát triển du lịch đã góp phần thúc đẩy đầu tư nâng cấp hệ thống hạ tầng giao thông giữa TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành ĐBSCL.

Theo lãnh đạo Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh, thành phố và 13 tỉnh, thành ĐBSCL đã xác định được trọng tâm lĩnh vực liên kết hợp tác và ký kết quy chế, thỏa thuận hợp tác liên vùng. Đây chính là cơ sở quan trọng để các địa phương đẩy mạnh triển khai các hoạt động tái khởi động du lịch thực chất, hiệu quả trong thời gian tới.

Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh cho biết, với lợi thế thỏa thuận liên kết, TP Hồ Cnhí Minh và ĐBSCL cần thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa dòng khách 2 chiều, góp phần tháo gỡ khó khăn trước mắt của doanh nghiệp và xóa bỏ dần tâm lý e ngại du lịch của người dân. TP Hồ Chí Minh xác định là cửa ngõ du lịch, cần có những sản phẩm để thu hút dòng khách từ các tỉnh, thành khác đến trải nghiệm những chương trình du lịch liên kết.

Tại Ngày hội Du lịch cũng diễn ra nhiều hội thảo phát triển du lịch với các tỉnh, thành trong cả nước, nhất là liên kết giữa TP Hồ Chí Minh với các tỉnh như tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, Ninh Thuận, Bình Thuận…

Một số doanh nghiệp cho rằng, để xây dựng điểm đến an toàn, thân thiện, các địa phương cần xem xét và đánh giá lại dịch vụ của các sản phẩm, điểm du lịch của mình; đặc biệt là kiểm soát mức giá bán, an ninh, trật tự và an toàn cho khách khi đến địa phương tham quan nghỉ dưỡng, tăng cường kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm. Cần tạo điều kiện cho các doanh nghiệp hàng không, lữ hành, dịch vụ lưu trú trong các hoạt động chào đón du khách bằng các chính sách ưu đãi về thuế, phí dịch vụ, các khoản phí liên quan đến hoạt động dịch vụ du lịch, hàng không…

Ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho rằng, cần đánh giá lại thực trạng của ngành du lịch sau dịch COVID-19. Từ đó, xây dựng các kế hoạch, chương trình hành động và giải pháp thiết thực, hiệu quả góp phần phục hồi ngành du lịch. Trong đó, chú trọng các giải pháp liên kết, hợp tác xây dựng sản phẩm, dịch vụ du lịch mới; đầu tư cơ sở hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực, truyền thông quảng bá và quan trọng nhất là xây dựng môi trường du lịch đảm bảo an ninh, an toàn cho du khách.

Với sự nỗ lực của các tỉnh, thành trong việc quan tâm liên kết phát triển ngành công nghiệp “không khói”, người dân có cơ hội khám phá các điểm du lịch cả đất nước với chi phí hợp lý và an toàn.

Nguyễn Cảnh
.
.
.