Kỳ vọng giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp
3 tháng, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) 3 lần giảm lãi suất điều hành. Doanh nghiệp kỳ vọng lãi suất cho vay sẽ giảm theo.
Từ ngày 25/5, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã điều chỉnh giảm thêm một loạt mức lãi suất điều hành. Cụ thể, lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với tổ chức tín dụng giảm từ mức 6,0%/năm xuống 5,5%/năm. Lãi suất tái cấp vốn giảm từ mức 5,5%/năm xuống 5,0%/năm. Lãi suất tái chiết khấu giữ nguyên ở mức 3,5%/năm.
Trong khi đó, trần lãi suất đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng giảm từ mức 5,5%/năm xuống 5,0%/năm. Trần lãi suất đối với tiền gửi bằng VND tại Quỹ tín dụng nhân dân, Tổ chức tài chính vi mô giảm từ mức 6,0%/năm xuống 5,5%/năm. Trần lãi suất đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng giữ nguyên ở mức 0,5%/năm.
Như vậy, đây là lần thứ ba trong 3 tháng qua NHNN giảm lãi suất điều hành. Trước đó, trong tháng 3 và tháng 4/2023, cơ quan này đã hai lần điều chỉnh một số chỉ tiêu lãi suất điều hành với mức giảm 0,5 - 1%/năm nhằm hỗ trợ nền kinh tế. Việc NHNN giảm lãi suất điều hành lần thứ 3 trong vòng 3 tháng qua được kỳ vọng có thể tạo ra cú hích thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, giảm lãi suất cho vay.
Sau quyết định của NHNN, dù các mức lãi suất điều hành mới chưa có hiệu lực song một số ngân hàng đã tiếp tục giảm lãi suất huy động từ 24/5. Có thể điểm danh một số ngân hàng như tại VietBank, lãi suất huy động tại các kỳ hạn trên 6 tháng đồng loạt giảm 0,2 - 0,3 điểm % so với trước đó.
Đây cũng là lần thứ hai VietBank giảm lãi suất huy động trong chưa đầy 1 tuần qua. Tương tự, VIB cũng giảm 0,2 - 0,3 điểm tại các kỳ hạn trên 6 tháng. Trước đó, nhiều ngân hàng cũng đã thông báo giảm lãi suất huy động như DongABank, ACB, VietABank, OCB, TPBank, Saigonbank…
Lãi suất huy động giảm, các chuyên gia và doanh nghiệp đều bày tỏ kỳ vọng lãi suất cho vay cũng sẽ giảm theo. TS Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, đánh giá động thái giảm lãi suất của NHNN sẽ tạo điều kiện để giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ một phần chi phí vay vốn của người dân và doanh nghiệp trong thời điểm khó khăn hiện nay.
Đồng thời kích thích nhu cầu tín dụng, hỗ trợ phục hồi và tăng trưởng kinh tế. Tương tự, trong một báo cáo mới đây, Công ty Chứng khoán BIDV (BSC) cho rằng việc hạ lãi suất điều hành tạo điều kiện cho mặt bằng lãi suất hạ xuống, giúp chi phí sử dụng dòng vốn thấp.
Từ đó, các doanh nghiệp có thể cải thiện kết quả hoạt động kinh doanh. Đồng thời, người dân có thể quyết định tiêu dùng nhiều hơn khi chi phí vay vốn thấp. Hiện tượng này sẽ kích thích tăng trưởng kinh tế và làm gia tăng khối lượng đơn hàng cho doanh nghiệp.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, cũng có ý kiến cho rằng lãi suất cho vay khó giảm, và nếu giảm, thì cũng không giúp được nhiều cho doanh nghiệp. Công ty Chứng khoán ACB (ACBS) cho rằng, việc NHNN giảm lãi suất chỉ là điều kiện cần chứ không phải điều kiện đủ để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Theo các chuyên gia ACBS, sản xuất và tiêu dùng là hai lĩnh vực quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam, và hiện tại cả hai lĩnh vực đều đối mặt với sự suy giảm hoạt động. Do đó, người dân sẽ không có nhu cầu vay nợ để chi tiêu thêm và doanh nghiệp cũng không có ý định vay nợ để mở rộng hoạt động sản xuất. Vì vậy, giảm lãi suất có thể không có nhiều tác động nếu không có sự tăng trưởng nhu cầu cho sản xuất và tiêu dùng.
Song, nhóm phân tích cho rằng, gần đây Chính phủ đã can thiệp để hỗ trợ kích thích tiêu dùng nội địa thông qua các chính sách khác như Nghị định 12/2023/N-CP gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và phí thuê đất trong năm 2023 và đề xuất giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) từ 10% xuống còn 8% cho tất cả các hàng hóa và dịch vụ.
"Chúng tôi kỳ vọng những chính sách này sẽ giúp bù đắp cho sự suy giảm tiêu dùng nội địa. Hơn nữa, Chính phủ đã đưa ra các chính sách hỗ trợ cho lĩnh vực bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp, dự kiến sẽ thúc đẩy tăng trưởng và giải phóng dòng vốn", ACBS cho hay.
Từ phía NHNN, trong báo cáo gửi Quốc hội mới đây, cơ quan này giải thích về việc lãi suất huy động giảm nhưng lãi suất cho vay chưa giảm là vì hệ thống ngân hàng vẫn đang là kênh cung ứng vốn chủ yếu cho nền kinh tế, với tỷ lệ tín dụng/GDP cuối năm 2022 ở mức 125,34%, trong khi nhu cầu vốn để phát triển kinh tế luôn ở mức cao, tạo áp lực lên lãi suất cho vay.
Hệ thống ngân hàng chủ yếu huy động vốn ngắn hạn, khoảng 88% tiền gửi là kỳ hạn 12 tháng trở xuống, nhưng vẫn phải đáp ứng các nhu cầu cho vay trung dài hạn (trên 52% dư nợ tín dụng VND) nên đã tạo sức ép lên lãi suất huy động. Đồng thời, áp lực gia tăng lãi suất luôn tồn tại do Việt Nam có độ mở kinh tế lớn, biến động của thị trường tài chính, tiền tệ thế giới tác động nhanh và mạnh lên lãi suất, tỷ giá trong nước.
Cùng với đó, áp lực lạm phát trong nước cũng ảnh hưởng tới lãi suất. Ngoài ra, NHNN đã cho phép cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ khách hàng gặp khó khăn, nên gây áp lực trở lại lên khả năng cân đối vốn và dư địa giảm lãi suất. Đồng thời, hệ thống ngân hàng vẫn đang trong quá trình tái cơ cấu và xử lý nợ xấu, nâng cấp chuẩn mực quản trị điều hành theo thông lệ quốc tế…, một số ngân hàng thương mại quy mô nhỏ duy trì lãi suất tiền gửi ở mức cao để giữ khách hàng cũng làm cho việc giảm mặt bằng lãi suất cho vay trở nên khó khăn hơn.
Tuy nhiên, dù khó khăn, NHNN khẳng định trên cơ sở diễn biến kinh tế vĩ mô, thị trường tiền tệ trong và ngoài nước, NHNN sẽ nghiên cứu điều hành lãi suất phù hợp với cân đối vĩ mô, lạm phát và mục tiêu chính sách tiền tệ; đồng thời tiếp tục khuyến khích các tổ chức tín dụng triển khai các giải pháp tiết giảm chi phí để giảm mặt bằng lãi suất cho vay, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh.
Được biết, trong ngày hôm nay, 25/5, NHNN triệu tập cuộc họp với các ngân hàng thương mại để bàn việc giảm lãi suất cho vay đối với khách hàng.