Ngân hàng tiếp tục tìm cách gỡ gói lãi suất 2%

Chủ Nhật, 21/05/2023, 06:24

Dù nhận định là sẽ “ế” hơn 37 nghìn tỷ đồng trong tổng số 40 nghìn tỷ đồng hỗ trợ thuộc gói hỗ trợ lãi suất 2%, song theo dự kiến của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), riêng năm 2023, sẽ hỗ trợ được 2.435 tỷ đồng, tức mỗi tháng trung bình hơn 200 nghìn tỷ. Tuy nhiên, với tốc độ hiện nay, mỗi tháng chỉ hỗ trợ được 69 nghìn tỷ đồng, thì khả năng cả năm nay sẽ không đạt dự kiến.

Ngày 19/5, NHNN tiếp tục tổ chức Hội nghị trực tuyến về “Tiếp tục đẩy mạnh triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ". Bà Hà Thu Giang, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, NHNN cho biết kể từ khi Nghị định 31 được ban hành (ngày 20/5/2022), ngành Ngân hàng đã vào cuộc quyết liệt, triển khai nhiều giải pháp đồng bộ và khẩn trương để đưa chính sách vào cuộc sống.

vietin3.jpg -0
Nhiều khách hàng ngại vay gói hỗ trợ lãi suất 2%

Cụ thể, NHNN đã tổ chức 4 hội nghị toàn quốc, trong đó có 1 hội nghị trực tuyến toàn quốc với các bộ, ngành, địa phương và các ngân hàng thương mại do Phó Thủ tướng Lê Minh Khái chủ trì để quán triệt, phổ biến, thống nhất triển khai chính sách...

Cùng với đó, NHNN cũng đã có nhiều văn bản hướng dẫn, đôn đốc, chỉ đạo các tổ chức tín dụng thực hiện chính sách. Các bộ, ngành cũng đã phối hợp tích cực với NHNN để tạo điều kiện thuận lợi cho các ngân hàng thương mại trong quá trình thực hiện chính sách cho vay hỗ trợ lãi suất.

Dù ngành Ngân hàng đã vào cuộc tích cực, cùng với sự hỗ trợ của các bộ, ngành nhưng bà Hà Thu Giang cho biết, kết quả đạt được vẫn chưa như kỳ vọng. Theo số liệu tạm tính, đến cuối tháng 4/2023, doanh số hỗ trợ lãi suất đạt hơn 105.000 tỷ đồng, dư nợ hỗ trợ lãi suất đạt gần 52.000 tỷ đồng, số tiền đã hỗ trợ cho khách hàng lũy kế từ đầu chương trình đến nay đạt khoảng 409 tỷ đồng, tương đương khoảng 1,02% nguồn lực bố trí để thực hiện chính sách (40.000 tỷ đồng).

Lý giải kết quả hỗ trợ lãi suất còn thấp, lãnh đạo các ngân hàng cho biết, có một số nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này, đó là bối cảnh kinh tế - xã hội có nhiều thay đổi so với khi xây dựng chương trình; khách hàng không đáp ứng điều kiện hỗ trợ lãi suất; khách hàng đáp ứng được điều kiện hỗ trợ lãi suất nhưng lại có tâm lý e ngại công tác thanh, kiểm tra, hậu kiểm; khó đánh giá về khả năng “phục hồi” trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước còn nhiều yếu tố rủi ro, bất định… Do đó, để triển khai chương trình đạt hiệu quả cao, đại diện các ngân hàng đề nghị, Chính phủ, NHNN tiếp tục có các giải pháp tháo gỡ khó khăn, sớm có các tiêu chí hướng dẫn để tháo gỡ khó khăn cho các ngân hàng. Đồng thời, tiếp tục hỗ trợ công tác truyền thông để khách hàng hiểu hơn về ý nghĩa của chương trình.

Từ thực tế các ngân hàng đang triển khai, bà Hà Thu Giang cho biết, với các khó khăn vướng mắc và đánh giá khả năng giải ngân hỗ trợ lãi suất, các ngân hàng thương mại dự kiến số tiền hỗ trợ lãi suất trong năm 2023 khoảng 2.435 tỷ đồng. Tuy nhiên, với kết quả thực tế triển khai trong 4 tháng đầu năm 2023 (bình quân 1 tháng đạt khoảng 69 tỷ đồng) thì khả năng đạt được số dự kiến như đánh giá trên là rất khó.

Nhận định việc triển khai hỗ trợ lãi suất theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP (Nghị định 31) luôn là vấn đề nóng được xã hội quan tâm, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú khẳng định “Chưa có chính sách nào lại được triển khai nhiều hội nghị như Nghị định 31”. Cũng theo ông Tú, đây là giai đoạn hết sức khó khăn đối với nền kinh tế, rất nhiều doanh nghiệp đình đốn, có nhiều doanh nghiệp phải sa thải công nhân…

Do đó, rất cần sự vào cuộc mạnh mẽ của các cấp, các ngành. Ông Tú nhấn mạnh, Nghị định 31 là chính sách rất quan trọng và cần tiếp tục thực hiện một cách quyết liệt; xác định triển khai đúng tinh thần, tiếp tục coi đây là nhiệm vụ trọng tâm từ nay đến cuối năm. Các ngân hàng phải có trách nhiệm, chủ động tiếp cận hướng dẫn khách hàng hoàn thiện hồ sơ hỗ trợ lãi suất theo quy định, không bị động ngồi chờ khách hàng đến.

Trong bối cảnh hiện nay áp lực lên điều hành chính sách tiền tệ là rất lớn. Điều hành chính sách tiền tệ đang gặp áp lực từ cả bên trong lẫn bên ngoài, nguy cơ lạm phát vẫn hiện hữu nhưng nếu lãi suất vẫn cứ tăng thì không có tăng trưởng, ngân hàng không có doanh nghiệp cũng không thể “sống” được.

Tuy nhiên, nếu nới lỏng, thì tương lai nợ xấu ngành ngân hàng sẽ phải gánh chịu rất nặng nề. Trên cơ sở đó, Phó Thống đốc đề nghị, toàn hệ thống tập trung vào một số nhiệm vụ như: Các ngân hàng phải coi trọng công tác tín dụng, tập trung tối đa vào công tác tín dụng, đánh giá nhận định, phân tích thị trường, để hỗ trợ khách hàng.

Đề nghị các ngân hàng tiếp tục thực hiện chính sách giãn hoãn nợ. Phó Thống đốc cho biết, sắp tới sẽ có Chỉ thị của Thống đốc để ngân hàng triển khai cơ cấu nợ một cách có trách nhiệm. Về cho vay bất động sản, cho vay nhà ở xã hội, cũng cần triển khai tốt, mạnh dạn nhưng không hạ thấp tiêu chuẩn tín dụng. 4 NHTM nhà nước tiếp tục đẩy mạnh triển khai gói 120.000 tỷ đồng…

Hà An
.
.
.