Kiên quyết đấu tranh, không để phát sinh điểm nóng về buôn lậu
An Giang có đường biên giới giáp Campuchia dài gần 100km, với nhiều đường mòn, lối mở thông với đồng nước, kênh rạch, các đối tượng lợi dụng đặc điểm địa hình, đóng giả người dân thăm đồng, ruộng theo các đường mòn, lối mở trên tuyến biên giới để đai vác, vận chuyển hàng hoá nhập lậu qua biên giới với số lượng nhỏ. Cùng với đó, lợi dụng đồng nước, kênh rạch các đối tượng vận chuyển hàng hóa bằng ghe máy tốc độ cao và liên tục thay đổi tuyến, địa điểm vận chuyển, tập kết hàng lậu.
Quá trình vận chuyển các đối tượng tổ chức, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng cá nhân để canh coi, giám sát các lực lượng chức năng, sử dụng phương tiện liên lạc hiện đại để thông tin cho nhau. Tình hình hoạt động của các đối tượng buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hoá, kinh doanh hàng hoá nhập lậu trong tỉnh vẫn còn diễn ra tại các địa bàn trọng điểm, trong đó nổi lên là tại các địa bàn biên giới như: TP Châu Đốc, thị xã Tân Châu và các huyện Tịnh Biên, An Phú, Tri Tôn.
Trong nội địa, các đối tượng tìm nguồn hàng từ một số tỉnh, thành khác vận chuyển bằng xe ôtô, xe tải về địa bàn An Giang tiêu thụ, do đó các lực lượng chức năng khó phát hiện để kiểm tra, bắt giữ xử lý theo quy định. Một số hộ kinh doanh mua bán vì mục đích lợi nhuận đã lợi dụng một số mặt hàng khan hiếm và thị hiếu của người tiêu dùng trong nước để mua hàng hoá có nhãn mác nước ngoài không rõ nguồn gốc, không có hoá đơn chứng từ trộn lẫn với các loại hàng hoá hợp pháp để bán lại cho người tiêu dùng, với các mặt hàng nổi lên như: phân bón các loại, phụ gia, phụ tùng xe môtô, nhớt… Các đối tượng chủ mưu, cầm đầu không trực tiếp thực hiện, có trường hợp thành lập doanh nghiệp tạo "lớp vỏ bọc" doanh nhân để đối phó với sự truy bắt của các lực lượng chức năng.
Trước thực tế trên, các thành viên Ban Chỉ đạo 389 tỉnh An Giang đã sử dụng nhiều biện pháp nghiệp vụ để tăng cường công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm trên tuyến biên giới và nội địa để mang lại hiệu quả.
Trong năm 2022, các lực lượng chức năng tỉnh An Giang đã kiểm tra, phát hiện bắt giữ 1.572 vụ, giảm 141 so với cùng kỳ năm 2021 về hành vi mua bán, vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Tổng trị giá hàng hoá bắt giữ 163,1 tỷ đồng, tăng 274,9%; tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính và bán hàng hóa tịch thu 15 tỷ đồng, tăng 70,5% so với cùng kỳ 2021. Lực lượng chức năng đã khởi tố 29 vụ án với 31 bị can...
Đại tá Bùi Tấn Ân, Phó Giám đốc Công an tỉnh, Phụ trách Cơ quan Thường trực 389 tỉnh An Giang cho biết, Công an tỉnh chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương rà soát, lập danh sách tuyến, địa bàn, lĩnh vực, mặt hàng, đối tượng trọng điểm, phương thức thủ đoạn mới về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả để đấu tranh, xử lý.
"Công an tỉnh An Giang sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn. Công an tỉnh chủ động tham mưu đề xuất, triển khai các biện pháp phòng ngừa, xác lập chuyên án đánh trúng các đường dây buôn lậu lớn, khởi tố, điều tra xử lý các đối tượng chủ mưu, cầm đầu, tạo tác dụng răn đe đối với số đối tượng khác và sự đồng tình ủng hộ của quần chúng nhân dân, góp phần tạo thị trường ổn định, bảo vệ quyền lợi chính đáng người tiêu dùng, đảm bảo an ninh trật tự xã hội", Đại tá Bùi Tấn Ân thông tin.