Khuyến cáo những tranh chấp liên quan dự án năng lượng tái tạo
Mục tiêu đưa tổng khí phát thải ròng bằng không (Net Zero) vào năm 2050 - đó là cam kết cuả Việt Nam tại COP26 (Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc năm 2021). Thực hiện cam kết này, các yêu cầu về môi trường, phát triển năng lượng theo hướng năng lượng tái tạo (NLTT) cũng được đặt ra. Đây là cơ hội để các nhà đầu tư (NĐT) trong và ngoài nước đầu tư vào lĩnh vực NLTT. Tuy nhiên, kèm theo đó là những tranh chấp liên quan đến các dự án NLTT cũng ngày càng gia tăng…
Theo đánh giá của ông Phạm Bình An - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP Hồ Chí Minh: "Việt Nam có đường biển dài, thời tiết của khu vực cận xích đạo với tổng số giờ nắng cao lên đến trên 2.500 giờ/năm, tổng lượng bức xạ trung bình năm vào khoảng 230-250 kcal/cm2/ngày, trên 120.000 trạm thủy điện có tổng công suất ước tính đạt khoảng 300MW... Đây là tiềm năng rất lớn để Việt Nam xây dựng và phát triển ngành công nghiệp NLTT, cũng như đảm bảo an ninh năng lượng trong tương lai".
TP Hồ Chí Minh cũng đang kiến nghị Bộ Công Thương bổ sung vào Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia một số dự án đốt rác phát điện như: Dự án Nhà máy đốt rác phát điện của Công ty cổ phần VietStar có công suất 40 MW; dự án Nhà máy đốt rác phát điện của Công ty cổ phần Đầu tư phát triển Tâm Sinh Nghĩa có công suất 40 MW. Ngoài ra, một số dự án đốt rác phát điện đang trong quá trình triển khai các bước chuẩn bị đầu tư với tổng công suất đến năm 2030 là 340 MW. Ngoài ram có 2 nhà đầu tư đề xuất TP Hồ Chí Minh cho phép khảo sát dự án điện gió tại vùng biển ngoài khơi huyện Cần Giờ với công suất 1.000MW và 6.000MW.
Tháng 5/2023, Chính phủ cũng đã phê duyệt Quy hoạch điện VIII, trong đó ưu tiên phát triển các nguồn NLTT. Điều này đã mở ra cơ hội đầu tư. Tuy nhiên, Quy hoạch Điện VIII đã phê duyệt nhưng khó khăn lớn nhất đối với các DN, NĐT đó là thiếu chi tiết để triển khai văn bản một cách rõ ràng. Các NĐT vẫn e dè, lo lắng vì sợ rằng, các dự án của họ không được đưa vào quy hoạch, không được đưa lên lưới điện trong khi họ đã dốc sức đầu tư tài chính, nhân lực vào dự án NLTT.
Các tranh chấp trong dự án NLTT thường thấy là tranh chấp trong giai đoạn xây dựng và vận hành dự án, tranh chấp này xảy ra giữa NĐT và các đơn vị nhà thầu; Tranh chấp liên quan đến việc các bên không thực hiện, hoặc thực hiện không đúng hợp đồng; Tranh chấp giữa NĐT và Chính phủ; Tranh chấp giữa các liên doanh, các hợp đồng giữa các bên liên quan đến cơ cấu giao dịch... Nội dung tranh chấp thường liên quan đến vấn đề thanh toán, chậm trễ tiến độ, chất lượng công trình, đơn phương chấm dứt hợp đồng.
Ông Châu Việt Bắc - Phó Tổng Thư ký VIAC cho biết, trong 4 loại NLTT (thủy điện, điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối), thì tranh chấp liên quan đến những dự án thủy điện có tổng giá trị lên đến vài ngàn tỷ đồng. Về điện gió thì hậu COVID-19 phát sinh tranh chấp rất nhiều, chủ yếu là vướng về mặt pháp lý. Điện mặt trời tranh chấp chủ yếu liên quan đến việc lắp đặt, sử dụng vận hành hệ thống điện mặt trời tại các Khu công nghiệp tại TP Hồ Chí Minh, và đặc thù của các tranh chấp NLTT là phức tạp, kéo dài.
Luật sư Nguyễn Trung Nam - Giám đốc Công ty Luật EP Legal; Trọng tài viên Trung tâm trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) khuyến cáo: "Trong quá trình xử lý các vụ tranh chấp, VIAC cũng thường gặp tranh chấp giữa các NĐT nước ngoài và đối tác Việt Nam liên quan các dự án NLTT. Thường các tranh chấp ít nhiều đều có liên quan đến quy định pháp lý các chính sách Việt Nam về NLTT. Vì vậy, các NĐT, các bên tham gia dự án NLTT cần có sự chuẩn bị ban đầu thật tốt, để phòng tránh các tranh chấp xảy ra.
LS Nam cũng thông tin, khi đã xảy ra các tranh chấp liên quan đến NLTT, thì xu hướng chung hiện nay, đặc biệt là châu Á vẫn chọn vấn đề hòa giải. Tức là sử dụng bên thứ 3 là hòa giải viên chuyên nghiệp để hỗ trợ giải quyết tranh chấp, đặc biệt là tranh chấp giữa NĐT và Chính phủ. Thực tiễn tại Việt Nam, quy định trong các luật, trong đó có Luật Đầu tư cũng như các luật khác cũng đều ghi nhận phương thức trọng tài. Hầu hết các NĐT đặc biệt là các NĐT nước ngoài đều mong muốn giải quyết tranh chấp bằng trọng tài.