Kênh truyền thống giữ thị phần lớn trong thị trường bán lẻ

Thứ Hai, 08/11/2021, 06:07

Với ngành hàng tiêu dùng nhanh, kênh bán lẻ truyền thống chiếm đến 70 - 80%, tùy địa phương. Còn kênh bán lẻ hiện đại, có cả thương mại điện tử (TMĐT), tỷ trọng chỉ chiếm 3-5% tùy ngành hàng. Điều đó cho thấy, mặc dù kênh phân phối hiện đại - đặc biệt là TMĐT có tốc độ phát triển cao, nhưng kênh phân phối truyền thống vẫn đang là lựa chọn của NTD…

Tại TP Hồ Chí Minh có 234 chợ truyền thống và 3 chợ đầu mối, tiêu thụ chủ yếu các mặt hàng nông lâm thủy sản của các tỉnh thành Đông, Tây Nam Bộ. Trong đợt dịch vừa qua, hàng loạt chợ truyền thống và chợ đầu mối đã đóng cửa, khiến việc cung ứng hàng hóa bị đứt gãy, áp lực cung ứng hàng hóa cho thị trường “đổ” vào hệ thống phân phối hiện đại, đặc biệt là sự tăng trưởng mạnh mẽ của TMĐT.

Đến nay, sau khi dịch đã được kiểm soát, kênh phân phối truyền thống cũng đã dần được hồi phục. Theo Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh, hiện đã có 150/234 chợ truyền thống được hoạt động trở lại.

Chợ đầu mối Bình Điền sau khi xây dựng phương án phòng, chống dịch, ngày 1/11 đã mở cửa hoạt động trở lại khoảng 30% công suất. Dự kiến 1-2 tuần sau đó, nếu tình hình được kiểm soát tốt, chợ Bình Điền sẽ mở cửa hoạt động 100%.

Tương tự, chợ đầu mối Hóc Môn, ngày 20/10 đến ngày 10/11 đưa vào hoạt động 50% (153 sạp) các điểm kinh doanh rau, củ, quả và trái cây; 50% (50 sạp) các điểm kinh doanh nhà lồng chợ thịt, khu pha lóc.

Từ ngày 11/11 trở đi căn cứ tình hình dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn huyện và kết quả hoạt động trước đó, để duy trì số lượng điểm kinh doanh như giai đoạn 1 và có thể tăng 10 - 20% điểm kinh doanh nếu thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch. Ông Nguyễn Nguyên Phương - Phó Giám đốc Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh cho biết: “Lượng hàng hóa cung ứng hàng ngày ở TP Hồ Chí Minh tiếp tục tăng với giá cả ổn định. Theo thống kê, lượng hàng hóa về các điểm tập kết đạt 6.500 tấn/ngày, thấp hơn bình thường khoảng 1.500 tấn, tuy nhiên đã khá cao so với thời gian dịch bệnh”.

Theo nhận định của các chuyên gia, phát triển TMĐT đang là xu hướng tất yếu và đợt dịch COVID - 19 vừa qua là “cú huýt” đẩy nhanh thêm tốc độ phát triển của TMĐT, thay thế dần phương thức kinh doanh trực tiếp. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, khi TP Hồ Chí Minh nới lỏng giãn cách, các chợ truyền thống đã mở cửa hoạt động thì người dân cũng bắt đầu quay trở lại mua sắm với kênh bán lẻ truyền thống.

Chị Trần Thị Liên (quận 7) cho rằng, chị thường chọn mua các loại rau củ quả, thịt gia súc, gia cầm, hải sản các loại, ở chợ vì hàng lúc nào tươi sống, trong khi thủy hải sản ở siêu thị thường là hàng đông lạnh. Nhưng với các loại sữa, nước trái cây đóng chai, đóng hộp, các loại thực phẩm ăn liền, hóa mỹ phẩm,... thì chị mua ở siêu thị vì có nhiều nhãn hiệu hơn để lựa chọn.

Ông Phạm Hồng Sơn - Tổng Giám đốc Công ty TMĐT Gro 24/7 Vietnam, Giám đốc phát triển khách hàng Unilever Global cho rằng: “Hiện nay NTD khi muốn mua sản phẩm gì họ thường tìm kiếm thông tin trên online, nhưng khi quyết định mua hàng thì có thể họ đặt mua online nhưng cũng có thể ra cửa hàng hoặc chợ để mua”.

Điều đó cho thấy, việc phát triển kênh bán lẻ hiện đại, đặc biệt là TMĐT nhưng cũng không thể xem nhẹ kênh bán lẻ truyền thống. Theo phân tích của ông Phạm Hồng Sơn, ở ngành hàng tiêu dùng nhanh thì hiện nay kênh bán lẻ truyền thống chiếm đến 70 - 80%, còn lại là kênh hiện đại.

Tại các TP lớn, tỷ lệ này chênh lệch ít hơn, như TP Hồ Chí Minh, kênh truyền thống và kênh hiện đại tỷ lệ tương đương nhau. Còn ở kênh bán lẻ hiện đại, tuy TMĐT có tốc độ phát triển rất cao, nhưng tỷ trọng thấp chỉ chiếm 3-5% tùy ngành hàng. Những con số trên cho thấy, kênh bán lẻ truyền thống vẫn giữ vai trò quan trọng trên thị trường nội địa.

Ở góc độ nghiên cứu thị trường, bà Nguyễn Phương Nga - Giám đốc Phát triển kinh doanh cấp cao Công ty Nghiên cứu thị trường Kantar Việt Nam cho rằng, tại kênh phân phối truyền thống thì nhóm mặt hàng thực phẩm, thực phẩm tươi sống chiếm 70-75%; nhóm hàng chất tẩy rửa chiếm 40-45%, nhóm hàng trang điểm tỷ lệ % thấp hơn…

Còn tại hệ thống hiện đại một số nhóm hàng có tỷ trọng cao như nhóm hàng chăm sóc sắc đẹp, mẹ và bé… Riêng với nhóm hàng gia vị, dầu ăn, thì tập trung nhiều ở kênh truyền thống hoặc ở vùng nông thôn. Vì vậy tùy thuộc vào từng ngành hàng, tùy đối tượng khách hàng, mà DN có chiến lược kinh doanh phù hợp.

 Với nhiều năm kinh nghiệm trong ngành tiêu dùng và bán lẻ, ông Phạm Hồng Sơn cho rằng, các DN đã có tiếng tăm nằm trong nhóm dẫn dắt thị trường, muốn có định vị lâu dài thì chắc chắn sẽ không bỏ qua kênh truyền thống.

Còn với các DN mới tham gia thị trường, để không phải mất thời gian loay hoay xây dựng kênh phân phối (ít nhất 3 năm), trong khi chưa biết sản phẩm của mình được thị trường đón nhận như thế nào thì nên chọn cách đi vào kênh phân phối hiện đại. Bởi, khi đó phía siêu thị sẽ làm hết mọi việc cho DN, DN cũng sẽ có thời gian để tìm hiểu xem NTD tiếp nhận sản phẩm của mình như thế nào và có kết quả trả lời nhanh nhất. Tuy nhiên, chi phí vào kênh phân phối hiện đại cũng cao gấp 2 lần so với kênh truyền thống.

Thúy Hà
.
.
.