Mua bán, sáp nhập doanh nghiệp, xu hướng cạnh tranh trên thị trường bán lẻ

Chủ Nhật, 11/08/2019, 08:41
Trước đây, thị trường bán lẻ Việt Nam thường được mặc định thuộc về các tập đoàn lớn của nước ngoài. Điều đó thể hiện qua hàng loạt thương hiệu bán lẻ đã được các doanh nghiệp (DN) nước ngoài thâu tóm, áp đảo thị trường.

Tuy nhiên, bước sang năm 2019, tình thế đã thay đổi khi các DN trong nước không chấp nhận thua trên sân nhà, đã có bước bứt phá, mở rộng thị phần qua các thương vụ mua bán, sáp nhập DN (M&A) khiến “cuộc đua” trên thị trường trở nên khốc liệt hơn bao giờ hết...

Việt Nam luôn nằm trong top các thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất khu vực Đông Nam Á từ nhiều năm qua và hiện đang tiếp tục là thị trường hấp dẫn đối với DN trong và ngoài nước. 

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, trong 6 tháng đầu năm 2019, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt gần 2,4 triệu tỷ đồng, tăng 11,5% so với cùng kỳ năm trước. Mức tăng khá cao này thể hiện nhu cầu tiêu dùng tăng, khẳng định thị trường bán lẻ trong nước đang có sức hấp dẫn rất lớn. 

Đáng lưu ý, bán lẻ thuộc 1 trong 6 ngành nghề thu hút vốn đầu tư nước ngoài lớn nhất. Làn sóng các giao dịch M&A trong ngành bán lẻ đã dấy lên từ đầu năm 2016 và tăng trưởng nhanh như một kênh đầu tư hấp dẫn. Nếu năm 2005 chỉ có 18 thương vụ M&A với tổng giá trị là 61 triệu USD thì đến năm 2017 đã lên đến 10,2 tỷ USD. 

Với lợi thế tiềm lực tài chính lớn, có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực bán lẻ, các DN ngoại khi đặt chân vào thị trường Việt Nam thường chọn phương án mua lại các hệ thống bán lẻ bằng hình thức M&A, hoặc đầu tư mở rộng thị phần để nhanh chóng khẳng định vị thế tại thị trường Việt Nam. 

Như tập đoàn Central Group (Thái Lan) mua lại hệ thống siêu thị BigC (Pháp), siêu thị điện máy Nguyễn Kim; Lotte (Hàn Quốc), Aeon (Nhật Bản) cũng đang từng bước mở rộng quy mô bằng cách đẩy nhanh tốc độ mở rộng chuỗi siêu thị...

Thị trường bán lẻ đang diễn ra những cuộc cạnh tranh quyết liệt.

Theo Bộ Công thương, hiện có hơn 170 cơ sở bán lẻ có vốn đầu tư nước ngoài, trong đó có khoảng 110 cơ sở bán lẻ có diện tích 500m² trở lên thuộc loại hình siêu thị, trung tâm thương mại của rất nhiều thương hiệu nổi tiếng như Lotte, Central Group, Aeon, Circle K, K Mart… 

Sự “đổ bộ” của những DN ngoại vào thị trường Việt Nam khiến cho nhiều DN trong nước đứng trước sức ép rất lớn. Thực tế, đã có không ít DN nhỏ không trụ nổi đã phải chấp nhận rời “cuộc chơi”, chấp nhận nhượng lại thị phần, sáp nhập hoặc bán cổ phần cho những DN lớn. 

Tuy nhiên, năm 2019, tình thế có sự thay đổi, một số DN bán lẻ trong nước không chấp nhận thua trên sân nhà, đã có những bước đột phá để mở rộng thị phần thông qua các thương vụ M&A. 

Mới đây nhất, ngày 27-6-2019, Auchan Retail Việt Nam (Pháp) đã ký kết chuyển giao toàn bộ hệ thống siêu thị Auchan tại Việt Nam cho Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP HCM (Saigon Co.op). 

Đây là lần đầu tiên, một DN bán lẻ thuần Việt sở hữu một thương hiệu có tiếng nước ngoài. Trước khi thuộc quyền sở hữu của Saigon Co.op, vào đầu tháng 6-2019, Auchan đã đóng cửa 15 trong số 18 siêu thị. Lý do mà Auchan đưa ra là tình hình kinh doanh không khả quan từ áp lực của các hình thức bán lẻ hiện đại.

 Cụ thể, hệ thống này thua lỗ kể từ khi bước chân vào Việt Nam (năm 2015) và năm 2018 doanh thu Auchan chỉ đạt 45 triệu USD. Trong khi đó, Auchan đã từng có kế hoạch đầu tư 500 triệu USD với tham vọng mở 300 siêu thị, cửa hàng tại thị trường Việt Nam. Nhưng chỉ sau hơn 3 năm hoạt động, Auchan đã phải rời Việt Nam. 

Sau khi Auchan “về tay” Saigon Co.op, nhà bán lẻ Việt cũng đã lên kế hoạch cải tổ lại chuỗi bán lẻ này của Pháp. Cụ thể, các cửa hàng Auchan tại TP HCM, Hà Nội và Tây Ninh đã đóng cửa, sẽ được chọn lọc để khai trương lại với những thương hiệu bán lẻ của Saigon Co.op như Co.opmart, Co.opXtra hoặc Finelife. 

Riêng 3 siêu thị Auchan còn đang hoạt động (tại quận 7 và quận 1, TP HCM), Saigon Co.op tiếp tục duy trì cho đến hết tháng 2-2020. Thương hiệu Auchan có được tiếp tục giữ lại hay không sẽ được quyết định sau tháng 2-2020. Đại diện Saigon Co.op cho biết, dơn vị này sẽ phấn đấu trở thành tập đoàn bán lẻ hàng đầu Việt Nam vào năm 2025.

DN Việt Nam đã mua lại các thương hiệu để cạnh tranh với các tập đoàn đa quốc gia.

Tương tự, với Vingroup từ việc mua lại hệ thống siêu thị Fivimart và phát triển hàng loạt chuỗi siêu thị VinMart+, Vingroup đã dần khẳng định vị thế mạnh mẽ của thương hiệu Việt trên thị trường bán lẻ. 

Tháng 4-2019, Vingroup tiếp tục mua lại chuỗi 87 cửa hàng tiện lợi Shop&Go của Công ty cổ phần Cửa hiệu và Sức sống. Tính đến tháng 5-2019, thương hiệu bán lẻ nội địa này đã xây dựng được chuỗi 111 siêu thị VinMart và khoảng 1.900 cửa hàng tiện lợi VinMart+trên toàn quốc.

Thực tế cho thấy, các DN đã sử dụng M&A như một công cụ để thâm nhập sâu và mở rộng thị phần. Có những thương hiệu đã được nâng tầm sau khi M&A, nhưng cũng có không ít thương hiệu đã bị rơi vào quên lãng, bị triệt tiêu bởi bên thâu tóm. 

Tại diễn đàn M&A Việt Nam 2019 vừa diễn ra tại TP HCM, ông Samir Dixit, Giám đốc điều hành Brand Finance châu Á - Thái Bình Dương (chuyên gia về thương hiệu) nhận định: Giá trị thương hiệu là yếu tố chiến lược nhất, nhưng lại thường không được để ý trong các thương vụ M&A. Đây chính là tài sản cùng với các tài sản khác của DN. Theo khảo sát, 52% các công ty thường nghĩ đến giá trị hữu hình mà quên đi giá trị vô hình.

Bán lẻ là một trong những lĩnh vực đột phá qua kênh M&A. Với thị trường đông dân, cơ hội cho các nhà đầu tư trong lĩnh vực bán lẻ, hàng tiêu dùng... còn rất lớn, tuy nhiên cạnh tranh trong các ngành này cũng rất mạnh mẽ.

Thúy Hà
.
.
.