Hậu COVID-19, chỉ 15% người lao động có tích lũy

Thứ Sáu, 19/11/2021, 08:55

Gần 2 năm dịch COVID-19 hoành hành, con số lao động phải rút bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần vốn dĩ đã tăng nhanh lại càng tăng nhanh hơn. Theo khảo sát của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (LĐLĐVN), hầu hết người lao động có thu nhập vừa đủ hoặc phải hết sức tằn tiện, phải làm thêm giờ mới có thể đủ trang trải cuộc sống.

Chỉ có khoảng trên 15% người lao động làm việc có tích lũy. Ráo mồ hôi là hết tiền nên việc có không ít công nhân, người lao động phải tiêu “của để dành” cũng là bất đắc dĩ.

Cái khó bó cái khôn     

Đang hoàn thiện hồ sơ để hưởng BHXH một lần, chị Nguyễn Thanh Nhàn (Gia Lâm, Hà Nội) cho biết, chị làm công nhân may cho một công ty may mặc ở Khu công nghiệp Sài Đồng và đã tham gia BHXH được hơn 10 năm nay. Tuy nhiên, cuối năm 2020 do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên công ty cũng ít việc, chị cũng quyết định nghỉ việc để ở nhà chạy chợ.

“Gần một năm qua nghỉ việc ở nhà vợ chồng tôi mở một cửa tiệm hàng tạp hóa nhỏ. Hai vợ chồng công nhân nên cũng chẳng có tích lũy gì, nên để có vốn mở tiệm tạp hóa cũng phải vay mượn thêm. Hoàn thiện hồ sơ, hưởng BHXH một lần, số tiền đó cũng vừa đủ để trả nợ. Cũng biết rằng nếu tiếp tục đóng BHXH tự nguyện thì sau này về già đỡ phải lo lắng hơn nhưng tính ra còn phải đóng đến gần 15 năm nữa. Thời gian dài quá mà vợ chồng chẳng dư dả, lại còn phải lo con cái nên không kham nổi. Cũng tiếc nhưng mà cái khó nó bó cái khôn”, chị Nhàn chia sẻ.

Hậu COVID-19, chỉ 15% người lao động có tích lũy -0
Chính sách BHXH cần sớm có những điều chỉnh để thu hút người lao động.

Cũng nghỉ việc và làm hồ sơ xin hưởng BHXH một lần, nhưng trường hợp của chị Bùi Thị Đông (Trực Ninh, Nam Định) lại khác. Chị Đông cho hay, năm nay 43 tuổi nhưng chị phải nghỉ việc do sức khỏe không đảm bảo. Trước đây ở nhà làm ruộng nên chị đi làm công nhân may ở một công ty may mặc gần nhà muộn. 43 tuổi nhưng thời gian đóng BHXH của chị chỉ được 8 năm 7 tháng.

“Làm công nhân dù vất vả nhưng tính ra vẫn hơn làm ruộng rất nhiều. Những tháng tăng ca nhiều có khi được 9 triệu/tháng. Trong khi làm ruộng chỉ đủ ăn. Cũng muốn tiếp tục đi làm nhưng tôi bị thoái hóa cột sống nên bắt buộc phải nghỉ việc. Nhiều người cũng khuyên nên đóng BHXH tự nguyện để sau này về già có lương hưu. Tôi cũng biết điều đó, nhưng để được hưởng lương hưu về già đó thì tôi phải đóng BHXH tự nguyện khoảng 18 năm nữa. Thời gian không phải là ngắn mà mỗi tháng hơn 1 triệu đồng tiền đóng bảo hiểm với người chỉ ở nhà làm nông thì cũng khó. Tính đi tính lại, quyết định cuối cùng vẫn phải nhận BHXH một lần”, chị Đông bộc bạch.

Theo con số của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, giai đoạn 2016-2020, số người đề nghị hưởng BHXH một lần trên phạm vi cả nước là hơn 3,7 triệu người (trung bình mỗi năm gần 750.000 người), tương ứng với 2 người tham gia mới, thì có một người rời hệ thống. Nhưng vấn đề cần quan tâm là số người hưởng BHXH một lần năm sau luôn cao hơn năm trước và chưa có dấu hiệu dừng lại. Trong khi đó, theo con số của BHXH Việt Nam, chỉ trong 6 tháng đầu năm 2021, toàn ngành giải quyết cho 561.570 người hưởng BHXH một lần, tăng hơn 110.000 người so với cùng kỳ năm 2020.

Chính sách BHXH nên sớm điều chỉnh

Theo ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng Ban Chính sách pháp luật (Tổng LĐLĐVN), có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc người lao động chọn hưởng bảo hiểm xã hội một lần. Trước tiên, phải kể đến điều kiện thu nhập, đời sống của người lao động hiện nay còn quá khó khăn. Hàng năm, Tổng LĐLĐVN đều có khảo sát về tiền lương và thu nhập của người lao động. Chỉ có 15% người lao động là có chút ít tích lũy. Cuộc sống quá khó khăn, nên khi phải nghỉ việc, hầu hết người lao động buộc phải lựa chọn hưởng BHXH một lần để có một khoản tiền lo cho sinh hoạt trước mắt.

“Đây là sự lựa chọn mà không phải người lao động nào cũng mong muốn. Trong lúc đó, tình trạng nhiều doanh nghiệp tìm cách “thải loại” công nhân nhiều tuổi (trên 35 tuổi) để giảm thiểu chi phí, khiến nhiều người lao động trong hoàn cảnh này khó tìm việc ở khu vực có quan hệ lao động. Bên cạnh đó, phải thẳng thắn thừa nhận rằng, hệ thống chính sách bảo hiểm xã hội hiện nay của nước ta chưa thực sự hấp dẫn, chưa linh hoạt nên chưa thu hút được đông đảo người lao động gắn bó lâu dài với hệ thống bảo hiểm xã hội”, ông Quảng cho biết.

Theo ông Quảng, quy định của pháp luật hiện nay là người lao động muốn hưởng chế độ hưu trí phải có ít nhất 20 năm đóng BHXH và đảm bảo tuổi đời theo quy định. Trong khi tuổi đời của số đông người lao động khi nghỉ việc còn trẻ. Họ không thể chờ đợi đóng đủ 20 năm để được hưởng chế độ hưu trí. Ông Quảng cho rằng, để đảm bảo an sinh xã hội lâu dài, cần phải khắc phục những tồn tại của chính sách về hưởng BHXH một lần, đồng thời tạo tính hấp dẫn để người lao động chủ động tham gia và gắn bó lâu dài với hệ thống BHXH. Trước hết, cần phải hoàn thiện chính sách pháp luật về BHXH.

“Hệ thống BHXH phải được hoàn thiện theo hướng “linh hoạt, đa dạng, đa tầng, hiện đại, hội nhập quốc tế”. Tăng quyền lợi cho người lao động nếu bảo lưu thời gian tham gia BHXH để hưởng chế độ hưu trí. Phải tính toán giảm điều kiện thời gian tham gia BHXH tối thiểu để hưởng chế độ hưu trí cho người lao động. Cùng với đó, chúng ta cần điều chỉnh cách tính lương hưu theo nguyên tắc đóng - hưởng, công bằng, bình đẳng, chia sẻ và bền vững. Để thu hút được người lao động tham gia BHXH cần sửa đổi các quy định về mức đóng, căn cứ đóng BHXH để đạt mục tiêu mở rộng diện bao phủ BHXH. Đồng thời cũng cần hoàn thiện các chế tài xử lý vi phạm pháp luật về BHXH, nhất là đối với các hành vi trốn đóng, nợ đóng, trục lợi BHXH”, ông Quảng khuyến nghị.

Phan Hoạt
.
.
.