Giải phóng mặt bằng "làm khó" đầu tư công

Thứ Hai, 01/07/2024, 08:10

Tại 2 đầu tàu kinh tế lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng tiếp tục là vướng mắc lớn làm chậm giải ngân vốn đầu tư công.

Theo báo cáo từ Bộ Tài chính, ước thanh toán giải ngân vốn đầu tư công của cả nước đến hết tháng 6/2024 mới được trên 196.669 tỷ đồng, đạt 27,51% kế hoạch và đạt 29,39% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Nếu không tính 11.916 tỷ đồng kế hoạch mới được Thủ tướng Chính phủ giao, ước tỷ lệ giải ngân đến hết tháng 6/2024 là 28% kế hoạch và đạt 30% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Bộ Tài chính cho biết so với cùng kỳ năm trước, tỷ lệ giải ngân không những không tăng mà còn đang có phần chững lại (cùng kỳ năm 2023 đạt 28,63% kế hoạch và đạt 30,49% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao).

Giải phóng mặt bằng
Nhiều dự án trọng điểm ngành Giao thông Vận tải chậm giải ngân.

Có 12/44 bộ, cơ quan Trung ương và 37/63 địa phương có tỷ lệ ước giải ngân đạt trên mức bình quân chung của cả nước. Ngoài ra, "một số bộ, cơ quan Trung ương giải ngân rất thấp hoặc có tỷ lệ giải ngân 0%", báo cáo của Bộ Tài chính cho biết. Cũng theo Bộ Tài chính, năm nay, kế hoạch vốn đầu tư công đã được Thủ tướng Chính phủ giao chỉ bằng 95% so với kế hoạch năm 2023. Ngoài một số bộ, ngành, địa phương có tỷ lệ giải ngân tốt thì đa phần các bộ, ngành, địa phương vẫn đang giải ngân rất chậm, nhất là tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh - 2 đầu tàu kinh tế của cả nước.

Cụ thể, tại Hà Nội, nơi tập trung nhiều dự án giao thông trọng điểm, tính đến giữa tháng 6 vừa qua mới giải ngân được 17.175 tỷ đồng, đạt 21,2% kế hoạch vốn được giao (81.000 tỷ đồng). Các khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng mà trọng tâm là việc xác định nguồn gốc đất, xác định giá đất nên người dân chưa đồng thuận với phương án bồi thường tái định cư, cùng với đó là việc các công trình trọng điểm sử dụng khối nguyên vật liệu lớn, nhưng hiện nguồn cung không đủ… đã khiến cho tỷ lệ giải ngân của Hà Nội chưa như mong đợi.

Tương tự, tại TP Hồ Chí Minh, theo tổng hợp từ Bộ Tài chính, với nguồn vốn đầu tư công được giao trong năm 2024 trên 79.263 tỷ đồng, nhưng ước đến hết tháng 6, TP Hồ Chí Minh mới giải ngân được trên 11.005 tỷ đồng, đạt 13,88% kế hoạch. Nguyên nhân việc giải ngân chậm cũng xuất phát từ việc giải phóng mặt bằng, đền bù tái định cư và thiếu nguồn nguyên liệu cát.

Việc chậm giải ngân vốn đầu tư công của cả nước, theo Bộ Tài chính, còn bị ảnh hưởng bởi một lượng tương đối lớn vốn ngân sách Trung ương 11.916 tỷ đồng mới được Thủ tướng Chính phủ giao bổ sung, nên khó có thể giải ngân kịp thời nguồn vốn này trong 6 tháng đầu năm. Ngoài ra, tỷ lệ giải ngân các dự án quan trọng quốc gia, dự án trọng điểm ngành Giao thông Vận tải, dự án giao thông liên vùng do địa phương quản lý còn thấp đã kéo tỷ lệ giải ngân của cả nước đạt thấp.

Theo đó, giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024 của 38 công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành Giao thông Vận tải: tổng số vốn kế hoạch được giao năm 2024 là 107.887,8 tỷ đồng, tính đến ngày 12/6/2024 giải ngân là 29.515,2 tỷ đồng, đạt 27,4% kế hoạch được giao. Với 86 dự án giao thông liên vùng do 61 địa phương quản lý, tổng số vốn kế hoạch được giao là 28.041,9 tỷ đồng; tính đến ngày 12/6/2024 giải ngân là 4.833,9 tỷ đồng, đạt 17,2% kế hoạch được giao…

Trong báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính cho biết các vướng mắc, khó khăn ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 đã được Bộ Tài chính tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ tại các báo cáo tình hình giải ngân hằng tháng đến nay chưa được giải quyết dứt điểm. Tỷ lệ giải ngân 6 tháng đầu năm đạt thấp sẽ dồn gánh nặng vào 6 tháng cuối năm. Do đó, để đưa một lượng vốn lớn vào xã hội từ nay đến cuối năm, rất cần sự quyết liệt hơn nữa từ các bộ, ngành, địa phương.

Ông Dương Bá Đức - Vụ trưởng Vụ Đầu tư, Bộ Tài chính cho biết, với vai trò và trách nhiệm được giao, Bộ Tài chính đang tiếp tục đề nghị các bộ, ngành, địa phương được giao bổ sung vốn ngân sách Trung ương từ nguồn tăng thu năm 2022 cần khẩn trương phân bổ chi tiết danh mục và mức vốn bố trí của từng dự án cho các cơ quan, đơn vị trực thuộc làm căn cứ giải ngân vốn trong thời gian tới.

Bộ Tài chính đề nghị Bộ Giao thông Vận tải và UBND cấp tỉnh triển khai nghiêm túc, quyết liệt các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công theo đúng các nghị quyết, công điện của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Chỉ đạo chủ đầu tư, sở, ngành, nhà thầu và các cơ quan liên quan thực hiện rà soát, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án; đẩy nhanh thủ tục giải ngân vốn đầu tư công các dự án chưa giải ngân và có tỷ lệ giải ngân thấp hơn tỷ lệ bình quân chung của cả nước; chủ động điều chuyển vốn theo thẩm quyền giữa các dự án không có khả năng giải ngân hoặc chậm giải ngân sang các dự án có khả năng giải ngân tốt hơn, có nhu cầu bổ sung vốn. Trường hợp vượt thẩm quyền, đề nghị gửi các bộ có liên quan để tổng hợp theo quy định. 

Hà An
.
.
.