Gần 7.500 tỷ đồng nợ xấu và tài sản bảo đảm lên sàn giao dịch nợ
Đây là số liệu được chia sẻ tại hội thảo “Xử lý nợ xấu trong đại dịch COVID-19 và hoàn thiện chính sách pháp luật về xử lý nợ xấu theo hướng Luật hóa Nghị quyết 42/2017/QH14” do Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam tổ chức ngày 24/11.
Ông Nguyễn Quang Hòa, Phó Giám đốc Sàn giao dịch nợ VAMC cho biết, sàn giao dịch nợ VAMC đi vào hoạt động từ ngày 15/10/2021, sau hơn một tháng hoạt động, đến ngày 19/11/2021, sàn giao dịch nợ VAMC đã ký hợp đồng đề nghị môi giới bán khoản nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu với tổng dư nợ 7.458 tỷ đồng. Ngoài ra, sàn đã có 35 đơn vị được cấp tài khoản thành viên.
Tuy nhiên, dù đã có sàn giao dịch nợ, song theo ông Trần Phương, Phó Tổng giám đốc BIDV thì dịch COVID-19 đang làm gia tăng nợ xấu tại các ngân hàng. Thống kê tại 27 ngân hàng đang niêm yết trên sàn, đến hết quý III/2021, tổng nợ xấu là 113 nghìn tỷ đồng, cao hơn 26% so với đầu năm. Cùng với đó, công tác thu hồi, xử lý nợ xấu cũng gặp nhiều khó khăn. Riêng 8 tháng đầu năm 2021, công tác thu hồi nợ là 90,1 nghìn tỷ đồng, chỉ đạt 63% so với cuối 2020. Đáng quan ngại hơn, các ngân hàng dự báo từ nay đến cuối năm hoặc sang năm 2022, con số này sẽ còn lên cao nữa, bởi dư nợ bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh lên tới hơn 3 triệu tỷ đồng, và bản chất nợ được cơ cấu là nợ xấu.
Hơn nữa, lo ngại lớn nhất là việc xử lý nợ xấu sẽ gặp khó khăn do Nghị quyết 42 về thí điểm xử lý nợ xấu sắp hết hiệu lực. Trong khi thị trường mua bán nợ mới được thành lập từ tháng 10, hoạt động còn sơ khai, chưa hình thành thị trường thứ cấp. Khuôn khổ pháp lý cho các chủ thể tham gia thị trường mua bán nợ còn chưa đồng bộ, các chủ thể tham gia còn hạn chế, chủ yếu chỉ là hoạt động giữa tổ chức tín dụng và VMAC.
Ông Vũ Minh Phương, Phó Trưởng phòng Công nợ, Vietcombank cho biết, hoạt động mua bán nợ còn nhiều vướng mắc, gây ảnh hưởng tới hoạt động của sàn giao dịch nợ. Đại diện Vietcombank dẫn ví dụ: Trong quá trình mua bán nợ, các ngân hàng không được phép công khai thông tin khoản nợ vì liên quan đến vấn đề bảo mật. Tuy nhiên quá trình giao dịch mua bán, bên mua muốn được ngân hàng cung cấp thông tin khách hàng.
“Đây là vấn đề khiến ngân hàng bối rối, không biết xử lý ra sao”, ông Vũ Minh Phương nói. Bên cạnh đó, Nghị quyết 42 có quy định việc bán nợ theo giá thị trường có thể cao hơn hoặc thấp hơn dư nợ gốc. Song, thời gian qua, việc bán nợ dưới giá trị sổ sách gặp phải những đánh giá không mấy tích cực từ phía các cơ quan thanh tra, kiểm toán. Điều này làm cho các tổ chức tín dụng chưa thực sự quyết liệt trong việc áp dụng biện pháp bán nợ để thực hiện xử lý nợ, đặc biệt là đối với các cái khoản bán nợ mà dưới giá trị nợ gốc…
Từ những khó khăn trên, các tổ chức tín dụng đều chia sẻ những đề xuất để xử lý nợ xấu được giải quyết hiệu quả hơn nữa. Trong đó, để sàn giao dịch nợ hoạt động hiệu quả hơn nữa, Chính phủ cần hoàn thiện khuôn khổ pháp lý đồng bộ nhằm thúc đẩy các chủ thể tham gia thị trường mua bán nợ. Đồng thời, xây dựng chính sách thu hút nhà đầu tư nước ngoài tham gia.
Đối với vấn đề Nghị quyết 42, mong muốn của các tổ chức tín dụng là NHNN đầu mối trình Chính phủ và Quốc hội để sớm Luật hóa Nghị quyết 42. “Việc luật hóa Nghị quyết số 42 là rất cần thiết để hoàn thiện hành lang pháp lý, giúp các tổ chức tín dụng, với sự hỗ trợ của các cơ quan, ban, ngành có liên quan, xử lý nợ xấu hiệu quả, thực chất, bền vững; các nhà đầu tư (trong và ngoài nước) an tâm mua, bán các khoản nợ xấu/tài sản bảo đảm; nâng cao ý thức trả nợ của các khách hàng; cải thiện “cách nhìn” của xã hội, người dân đối với hoạt động xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng”, đại diện Vietcombank kiến nghị.