Đồng bộ các giải pháp để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp

Chủ Nhật, 10/10/2021, 09:34

Dịch bệnh khiến cho nền kinh tế đình trệ, người dân và doanh nghiệp gặp khó khăn muôn vàn. Nhằm đối phó với những tác động của đại dịch COVID-19, Việt Nam đã sớm đưa ra các gói hỗ trợ, bao gồm miễn, giảm, giãn thu thuế, lệ phí, tiền thuê đất; các gói hỗ trợ miễn giảm lãi suất, giãn, khoanh nợ khoản vay, các gói an sinh xã hội… Tuy nhiên, quá trình triển khai vẫn còn nhiều vấn đề, dẫn đến chưa phát huy hết hiệu quả.

PV chuyên mục “Trò chuyện Chủ Nhật” có cuộc trao đổi với TS. Cấn Văn Lực - chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - Tiền tệ Quốc gia để có cái nhìn tổng quát về các gói hỗ trợ trong đại dịch và đề xuất những giải pháp cấp thiết.

4-ts.jpg -0
TS. Cấn Văn Lực.

PV: Thưa TS, ngay trong năm 2020, khi dịch bệnh bùng phát, Chính phủ đã có gói hỗ trợ 1,1 triệu tỷ đồng. Vậy vì sao, gói hỗ trợ này chưa phát huy được tối đa hiệu quả như mong muốn?

TS Cấn Văn Lực: Mặc dù gói hỗ trợ công bố là 1,1 triệu tỷ đồng, tuy nhiên, tổng giá trị thực - tổng chi phí mà Chính phủ và các tổ chức tín dụng (TCTD) cam kết bỏ ra ước tính khoảng 184,7 nghìn tỷ đồng, tương đương 2,94% GDP năm 2020, bao gồm gói hỗ trợ tài khóa với giá trị ước tính 73,1 nghìn tỷ đồng – tương đương 1,16% GDP theo Nghị quyết 41/NQ-CP gồm các biện pháp miễn, giảm thuế, phí, lệ phí, với dự kiến 69,3 nghìn tỷ đồng, thực tế giảm 31,3 nghìn tỷ đồng, và gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất là 180 nghìn tỷ đồng trong 5 tháng.

Thực chất ở đây là giãn, hoãn nộp và người dân, doanh nghiệp vẫn phải trả khi đến hạn, giá trị hỗ trợ chính là phần tiền không tính lãi khi gia hạn, ước tính 3.825 tỷ đồng - tương đương lãi gửi ngân hàng với thời hạn 5 tháng. Đến hết ngày 31/12/2020, mới có 54,2% (97.500 tỷ đồng) trong tổng số tiền thuế và tiền thuê đất được giãn, hoãn.

PV: Vậy còn các gói tín dụng, gói an sinh xã hội thì sao?

TS Cấn Văn Lực: Câu chuyện cũng tương tự. Gói hỗ trợ tiền tệ - tín dụng giá trị ước tính 36,6 nghìn tỷ đồng- tương đương 0,6% GDP, bao gồm phần giảm lãi suất, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm phí thanh toán và một số phí dịch vụ khác… Hay gói an sinh xã hội, quy mô công bố là 62 nghìn tỷ đồng, song thực chất có giá trị khoảng 49,7 nghìn tỷ đồng (0,7% GDP) do chi phí của gói hỗ trợ cho vay trả lương 16 nghìn tỷ đồng về bản chất chỉ là phần lãi không tính do lãi suất là 0%; mới giải ngân được 42 tỷ đồng – tương đương hỗ trợ thực là gần 100 tỷ đồng đến hạn doanh nghiệp vẫn phải trả lại phần tiền gốc đã vay.

Tính đến hết năm 2020, gói an sinh xã hội đã giải ngân hơn 39.000 nghìn tỷ đồng cho gần 14,4 triệu người, trong đó tiền mặt là 13.000 tỷ đồng. Nhìn chung, công tác chi trả về cơ bản đã đảm bảo đúng đối tượng, song tiến độ còn chậm, mới thực hiện được khoảng 63% tổng giá trị dự kiến ban đầu. Các gói hỗ trợ khác với tổng giá trị 29 nghìn tỷ đồng (0,5% GDP) bao gồm giảm 10% giá điện của EVN và giảm giá dịch vụ viễn thông trị giá trị 15 nghìn tỷ đồng.

Như vậy, có thể thấy việc triển khai gói hỗ trợ tài khóa và an sinh xã hội còn chậm, mới đạt khoảng 46% giá trị gói tài khóa và 63% gói an sinh xã hội, đã phần nào ảnh hưởng tới hiệu quả hỗ trợ doanh nghiệp và người dân.

PV: Tìm nguồn tiền để hỗ trợ đã khó, nhưng xem ra, chi tiền cũng không dễ. Theo ông đâu là nguyên nhân?

TS. Cấn Văn Lực: Nguyên nhân của tình trạng này chủ yếu là do điều kiện đặt ra ban đầu chưa phù hợp, chưa rõ ràng, chưa sát thực tiễn. Quy trình, thủ tục còn phức tạp, xử lý lâu khiến nhiều doanh nghiệp e ngại. Nhiều doanh nghiệp rất khó khăn, làm ăn thua lỗ nên không phát sinh nghĩa vụ nộp thuế.

Ngoài ra, khâu truyền thông, công khai minh bạch thông tin và mẫu biểu trên mạng chưa tốt, dẫn đến nhiều doanh nghiệp chưa biết cụ thể các chính sách hỗ trợ và việc phối kết hợp triển khai tại một số đơn vị, địa phương còn chậm.

PV: Vậy năm 2021, chúng ta đã rút được kinh nghiệm như thế nào về việc triển khai các gói hỗ trợ, thưa ông?

T.S Cấn Văn Lực: Từ đầu năm 2021 đến nay có nhiều gói hỗ trợ như gói hỗ trợ tài khóa về việc giãn hoãn thuế và tiền thuê đất, cho vay tái cấp vốn 4.000 tỷ đồng, lãi suất 0% hỗ trợ Vietnam Airlines. Hay từ ngày 1/7 đến 31/12/2021 tiếp tục giảm 30 khoản phí, lệ phí, quy mô hỗ trợ của gói hỗ trợ này là 1.000 tỷ đồng. Rồi ngày 4/7/2021, Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ đạo các Bộ, ngành nghiên cứu xây dựng gói hỗ trợ kinh tế với quy mô 23.000 tỷ đồng trên theo nguyên tắc hỗ trợ người dân thông qua việc làm ngắn hạn, tạm thời với những công việc không đòi hỏi kỹ năng tay nghề cao.

Ngày 16/9/2021, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã thống nhất thông qua việc ban hành một số giải pháp về miễn, giảm thuế nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch COVID-19, giá trị khoảng 21.300 tỷ đồng. Ngày 22/9/2021, UBTVQH nhất trí thông qua việc chuyển 14,62 nghìn tỷ đồng từ cắt giảm, tiết kiệm chi vào dự phòng ngân sách trung ương, tập trung chi cho phòng, chống dịch COVID-19.

Về tín dụng, dự kiến tổng số tiền ngành ngân hàng hỗ trợ nền kinh tế năm 2021 là khoảng 54 nghìn tỷ đồng, tương đương gần 25% lợi nhuận ngành ngân hàng năm 2021. Dù các gói hỗ trợ này phát huy hiệu quả cao hơn năm 2020, song so với kỳ vọng thì vẫn chưa đạt. Còn đối với gói an sinh xã hội, ngày 1/7/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 68/NQCP về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, quy mô 26 nghìn tỷ đồng, tương đương 0,41% GDP. Tuy nhiên, qua đánh giá kết quả thực hiện cho thấy còn khá chậm. Tính đến hết tháng 8/2021, theo thông tin từ Bộ LĐ-TB-XH, tổng số lao động đã được hỗ trợ là trên 15 triệu lượt người với tổng số tiền là 8.400 tỷ đồng (32% tổng gói hỗ trợ); 1,2 triệu lao động tự do đã nhận 2.180 tỷ đồng…

PV: Chậm dường như là bệnh cố hữu. Vậy có giải pháp gì để thúc tiến độ, thưa ông?

T.S Cấn Văn Lực: Trên cơ sở phân tích, đánh giá các gói hỗ trợ tại các nước trên thế giới, thực trạng triển khai các gói hỗ trợ tại Việt Nam trong thời gian qua, tôi có một số khuyến nghị như sau:

Một là, cần khẩn trương, quyết liệt thực hiện các gói hỗ trợ người dân, doanh nghiệp đã ban hành. Theo đó, Chính phủ chỉ đạo khẩn trương rà soát, đánh giá sơ bộ kết quả thực hiện các gói hỗ trợ đến thời điểm hiện tại và tiến hành tháo gỡ ngay những vướng mắc trong quá trình thực hiện. Ví dụ, cần tính toán để gia hạn Nghị định 52/2021, đẩy nhanh việc thực hiện Nghị quyết 68 và sửa đổi, tháo gỡ các vướng mắc, cần thiết phải có thời hạn thực hiện cụ thể (thí dụ, tối đa 3 tháng) để đẩy nhanh hỗ trợ quý giá này. Các chính sách này cùng với các gói giảm phí, lệ phí khác nên được tính toán để gia hạn, ít nhất là đến khi Việt Nam đạt tỷ lệ tiêm chủng người lớn 70% (hết quý 1/2022). Đồng thời, nên xem xét điều chỉnh ngân sách hỗ trợ từ cấu phần này sang cấu phần khác thiết thực hơn.

Hai là, Chính phủ xem xét ban hành các gói hỗ trợ tiếp theo, với tổng giá trị bổ sung khoảng gần 40 nghìn tỷ đồng (0,62% GDP năm 2020), chưa kể giá trị các gói hỗ trợ hiện tại có thể còn gia tăng khi được điều chỉnh, gia hạn. Cụ thể, mở rộng đối tượng hỗ trợ người lao động tới tất cả lao động phi chính thức (lao động tự do) với mức trợ cấp 1 triệu đồng/người với quy mô 29.300 tỷ đồng (khoảng 29,3 triệu người, chiếm 53,7% lực lượng lao động là lao động tự do), ngoài phần hỗ trợ riêng của các địa phương theo Nghị quyết 68. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để xác định đối tượng nhanh, trúng và đầy đủ hơn. Về lâu dài, cần xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu chuẩn, cập nhật thường xuyên phục vụ công tác an sinh xã hội, cứu trợ; có sự liên thông, chia sẻ được với cơ sở dữ liệu định danh quốc gia.

Ba là, ngoài gói hỗ trợ 21,3 nghìn tỷ đồng UBTVQH đã thông qua, cần tăng khả năng tiếp cận vốn hỗ trợ thanh khoản cho các doanh nghiệp.

Bốn là, tăng cường cho vay tái cấp vốn, tiếp tục linh hoạt hạn mức tăng trưởng tín dụng đối với các tổ chức tín dụng để họ có thêm nguồn lực giảm lãi suất, cung ứng tín dụng hỗ trợ nền kinh tế phục hồi.

Năm là, sớm xây dựng chiến lược, kịch bản phòng chống dịch trong điều kiện mới và phục hồi, phát triển kinh tế xã hội trong bối cảnh “bình thường mới”.

Sáu là, Quốc hội, Chính phủ chỉ đạo sớm xây dựng thể chế, hành lang pháp lý cho quản lý, phát triển kinh tế số, xã hội và chính quyền số. Và bảy là, Chính phủ chỉ đạo đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế nhằm có thể huy động và phân bổ nguồn lực hiệu quả hơn.

PV: Còn về gói hỗ trợ lãi suất vừa được đề xuất: Ngân sách bỏ ra số tiền 3.000 tỷ đồng với lãi suất hỗ trợ 3%/năm thì sẽ tương đương với mức dư nợ tín dụng khoảng 100.000 tỷ đồng. Theo ông, cần những điều kiện gì để triển khai gói hỗ trợ thành công?

TS. Cấn Văn Lực: Đứng trên góc độ chuyên gia độc lập, tôi cho rằng nếu muốn làm, gói hỗ trợ lần này phải có 5 điều kiện cụ thể.

Một là, có cơ chế cho phép cho vay đối với cả doanh nghiệp không thể chứng minh khả năng tài chính của mình (có thể do bị thua lỗ) nhưng có triển vọng phục hồi và có thể thiếu tài sản đảm bảo. Hai là, tiền hỗ trợ từ ngân sách phải xác định rõ lấy từ đâu, nguồn nào. Ba là, thời hạn hỗ trợ tối đa 1 năm vì ngân sách cũng có hạn và nó cũng phù hợp với dự báo dịch COVID-19 có thể cơ bản được kiểm soát trong năm nay và Việt Nam có thể đạt tiêm chủng 70% hết quý 1 năm 2022. Bốn là, cũng rút kinh nghiệm từ gói hỗ trợ lãi suất năm 2009, lần này hỗ trợ phải có trọng tâm, trọng điểm, nhắm tới 1 số đối tượng, địa bàn chịu tác động tiêu cực bởi dịch bệnh. Năm là, riêng việc kiểm toán sau khi kết thúc gói hỗ trợ, chúng ta cần xác định mức độ dung hòa như thế nào, giao trách nhiệm rõ từ đầu, có chấp nhận mức độ sai sót nhất định và chỉ nên kiểm toán đại diện mẫu thay vì yêu cầu kiểm toán tất cả các khoản vay, đảm bảo đúng quy trình 100% như năm 2009. Vì nếu như thế thì sẽ rất khó triển khai, các ngân hàng rất e ngại vì sai sót nhỏ có thể xảy ra do tình thế cấp bách lúc này và rủi ro dẫn tới yếu tố hình sự hoặc chậm quyết toán như vừa qua. Việc thanh quyết toán cũng cần được giải quyết nhanh gọn, dứt điểm, tránh dây dưa nêu gói năm 2009.

Còn về lâu dài, cần cân nhắc sửa đổi Luật Quản lý nợ công, theo hướng cho phép Chính phủ bảo lãnh tín dụng trong 1 số trường hợp đặc biệt như vay ưu đãi để phát triển cơ sở hạ tầng, đầu tư y tế - giáo dục, phát triển năng lượng tái tạo, chống biến đổi khí hậu, tình thế cấp bách…, chứ ta không nên quá cứng nhắc, máy móc về trần nợ công, khiến một số ưu tiên quan trọng của quốc gia nhưng không làm được, không huy động được nguồn vốn ưu đãi, trung dài hạn từ các tổ chức tài chính quốc tế như WB, ADB hoặc nguồn song phương khác...

Cuối cùng, cũng cần nhấn mạnh thêm rằng, một mình giải pháp tiền tệ - tín dụng không giải quyết được nhiều khó khăn, thách thức lớn hiện nay, mà đòi hỏi sự vào cuộc đồng bộ các giải pháp khác như các gói hỗ trợ tài khóa, an sinh xã hội và chiến lược, chính sách phục hồi sản xuất, kinh doanh an toàn, liên tục trong bối cảnh còn dịch bệnh cũng như sau này.

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!

Hà An (thực hiện)
.
.
.