Đồng bằng sông Cửu Long cải thiện PCI để thu hút đầu tư

Thứ Năm, 11/08/2022, 08:30

Các địa phương tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã xây dựng kế hoạch cải thiện các chỉ số thành phần trong chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) để thu hút hiệu quả nguồn vốn đầu tư.

Báo cáo của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), chi nhánh Cần Thơ cho thấy chỉ số PCI năm 2021, các địa phương vùng ĐBSCL có tăng hạng và tụt hạng đan xen. Các địa phương tăng hạng gồm: An Giang (2 bậc), Tiền Giang (12 bậc), Bạc Liêu (8 bậc), Cà Mau (11 bậc), Hậu Giang (1 bậc), Kiên Giang (2 bậc). Các địa phương tụt hạng gồm: Vĩnh Long (17 bậc), Long An (13 bậc), Bến Tre (10 bậc), Trà Vinh (3 bậc), Sóc Trăng (3 bậc), Đồng Tháp (1 bậc). Cần Thơ không thay đổi thứ hạng (xếp thứ 12). Báo cáo kinh tế thường niên vừa được VCCI công bố cho thấy thứ hạng PCI của vùng đang suy giảm. ĐBSCL có điểm PCI trung bình dẫn đầu cả nước ở các năm 2017, 2018 và chỉ xếp sau Đồng bằng sông Hồng ở năm 2019, 2020 với cách biệt không đáng kể. Đến năm 2021, điểm PCI trung bình của ĐBSCL đã không bắt kịp nhịp tăng của các vùng khác và đã xếp sau Đồng bằng sông Hồng, Đông Nam Bộ, Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung.

Cai_thien_PCI-1660181478714.jpg
Học viên học nghề tại trường đào tạo nghề ở Cần Thơ.

Bà Võ Thị Thu Hương, Phó Giám đốc VCCI, chi nhánh Cần Thơ cho hay: Dù thời gian qua, ĐBSCL dẫn đầu cả nước ở các chỉ số thành phần như: Tiếp cận đất đai, chi phí thời gian, chi phí không chính thức, cạnh tranh bình đẳng, tính năng động từ năm 2017 trở lại đây. Tuy nhiên 5 chỉ số này chỉ chiếm trọng số 30% trong PCI. Ở các chỉ số còn lại, ĐBSCL khá yếu như: Gia nhập thị trường, tính minh bạch, đào tạo lao động, là 3 chỉ số chiếm đến 45% trong PCI. VCCI nhận xét chất lượng lao động đang là điểm yếu cốt lõi của ĐBSCL. Hình ảnh ĐBSCL có lợi thế về nguồn lao động dồi dào và giá rẻ nay không còn, do lao động trẻ di cư đến vùng Đông Nam Bộ, còn lao động giá rẻ đi đôi với chất lượng thấp. Hai điều này cùng nhau khiến lợi thế vốn có về nguồn lao động của ĐBSCL bị suy giảm.

Theo ông Trương Hòa Châu, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đồng Tháp, năm 2020, Đồng Tháp có 6 chỉ số thành phần đứng đầu cả nước nhưng chỉ xếp thứ 2 cả nước về PCI sau Quảng Ninh, do chỉ số đào tạo lao động và chính sách hỗ trợ doanh nghiệp của Đồng Tháp thua Quảng Ninh. Các trường ĐH, CĐ, trung cấp nghề ở địa phương có mua máy móc thiết bị phục vụ cho một số ngành nghề như: Da giày, may mặc, chế biến thức ăn, thuỷ sản… những ngành nghề còn lại phải đào tạo tại doanh nghiệp.

Ngoài ra, mặc dù mặt bằng PCI của ĐBSCL gần như tốt nhất nước nhưng số lượng và quy mô DN trong vùng còn hạn chế. ĐBSCL chiếm gần 20% dân số cả nước nhưng tỷ trọng DN giảm từ 7,6% xuống còn 6,7% trong giai đoạn 2017-2021, chỉ cao hơn Trung du và miền núi phía Bắc, Tây Nguyên, 2 vùng có điều kiện tự nhiên bất lợi hơn hẳn so với ĐBSCL. Một điểm sáng là thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của vùng có khởi sắc nhưng chưa thực sự hấp dẫn. Lũy kế đến năm 2021, ĐBSCL chỉ chiếm 5% số dự án và 8% vốn đăng ký FDI so với cả nước. Sự khởi sắc trong thu hút FDI không phải nhờ khắc phục những nút thắt của vùng (cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực…) mà chủ yếu nhờ vào việc khai thác một số lĩnh vực tiềm năng mới là năng lượng.

Ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ cho hay, trong 5 năm trở lại đây, PCI của địa phương có lúc tăng, lúc giảm và biên độ tăng giảm không nhiều, xếp hạng luôn xoay quanh vị trí thứ 10-12 cả nước. “Mặc dù môi trường đầu tư của thành phố có sự cải thiện tích cực nhưng còn nhiều tồn tại, hạn chế. Vẫn còn thủ tục hành chính giải quyết chưa đúng hạn, ảnh hưởng sự hài lòng của người dân, ảnh hưởng lớn đến sản xuất kinh doanh, chiến lược phát triển kinh tế của DN. Vẫn còn hiện tượng nhũng nhiễu, gây khó khăn của một bộ phận cán bộ công chức trong việc hỗ trợ pháp lý cho DN. Điều này gây khó chịu cho họ”, ông Trường nhận xét.

Chủ tịch UBND TP Cần Thơ cho rằng, để cải thiện PCI của TP cần tập trung nhiệm vụ cải cách hành chính, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức chuyên môn, tăng cường vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong việc giải quyết các thủ tục hành chính liên quan đến lĩnh vực đầu tư. Chủ tịch UBND TP Cần Thơ giao trách nhiệm cho Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp với sở ngành xây dựng kế hoạch, giải pháp cụ thể để tiếp cận, hỗ trợ DN hiệu quả gắn với việc khảo sát, đánh giá mức độ hài lòng của DN để có hướng điều chỉnh phù hợp.

Văn Vĩnh
.
.
.