Doanh nghiệp xuất khẩu thanh long bế tắc khi vào thị trường Nhật Bản
Từ khoảng giữa tháng 1 đến nay, nhiều doanh nghiệp (DN) xuất khẩu (XK) trái thanh long sang thị trường Nhật Bản “kêu cứu” do bị vướng bản quyền, không thể tiếp tục XK được sang thị trường này.
Theo các DN, từ khi Nhật Bản chính thức cho phép nhập khẩu (NK) thanh long ruột đỏ từ năm 2017 thì loại trái cây này XK qua Nhật không cần mã số vùng trồng. Tuy nhiên, hiện nhiều DN đã “tắc đường” XK thanh long ruột đỏ do... chưa có mã số vùng trồng. Có nhiều giống thanh long ruột đỏ, nhưng phía Nhật Bản hiện chỉ chấp nhận NK giống thanh long ruột đỏ Long Định 1 (LĐ1).
Muốn có mã số vùng trồng thì phải có bản quyền giống, nhưng bản quyền giống LĐ1 đã được Viện cây ăn quả miền Nam chuyển nhượng bản quyền cho Công ty TNHH Hoàng Phát Fruit (gọi tắt công ty Hoàng Phát). Do vậy, DN nào muốn được cấp mã số vùng trồng để XK thì phải làm việc với Công ty Hoàng Phát Fruit nên đã gây ra nhiều tranh cãi...
Giống thanh long ruột đỏ LĐ1 được sản xuất thử nghiệm tại các tỉnh phía Nam từ tháng 11/2005, đến tháng 11/2016 được Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) cấp bằng bảo hộ giống. Năm 2017, Công ty Hoàng Phát mua bằng bảo hộ giống cây trồng thanh long ruột đỏ LĐ1 của Viện Cây ăn quả miền Nam, với thời hạn 20 năm. Khẳng định việc DN không XK được là do nhiều lý do chứ không phải do vấn đề bản quyền, bà Thoa Nguyễn - Giám đốc Công ty Hoàng Phát chia sẻ: Từ cuối năm đến hiện tại, giá cả thanh long rất ổn định và đa dạng thị trường như Trung Quốc, Mỹ, Đức, Canada…
Mỗi thị trường này sẽ tùy vào chất lượng và giá trị sản phẩm đưa ra để đáp ứng XK. Giá cả thanh long ruột đỏ hiện nay phụ thuộc phần lớn thị trường Trung Quốc quyết định. Những năm gần đây chưa có quy định mã vùng trồng, bản quyền, rào cản kỹ thuật, thì cũng có lúc thời gian thanh long vẫn bị ùn ứ, tắc nghẽn, nông dân bị ép giá bởi câu chuyện “được mùa mất giá”, hay một số điều kiện khách quan như đại dịch COVID -19, Trung Quốc không cho thông quan hàng hóa Việt Nam, chứ không phải do vướng bản quyền cuả Công ty Hoàng Phát mà thanh long XK không bán được. Ngoài ra, một số công ty XK sản lượng còn hạn chế vì sản phẩm không đạt chất lượng, không đáp ứng tiêu chuẩn thị trường Nhật, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV)... chứ không phải là do vấn đề bản quyền.
Tuy nhiên, trước việc nhiều DN không XK được thanh long ruột đỏ sang thị trường Nhật Bản, đại diện Công ty Hoàng Phát cho biết sẵn sàng chia sẻ vấn đề bản quyền giống LĐ1. Ngoài Nhật Bản, Hàn Quốc, còn lại thị trường nội địa và các nước khác DN và nông dân cần chứng minh truy xuất nguồn gốc, Hoàng Phát sẵn sàng chia sẻ bản quyền không thu phí 5 năm tính từ thời điểm hiện tại.
Đối với thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, nông dân nào đang trồng giống thanh long LĐ1 từ Viện cây ăn quả miền Nam cung cấp để trồng khảo nghiệm, thì công ty sẵn sàng ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với giá cả hợp lý cho bà con nông dân sản xuất theo tiêu chuẩn Nhật, giá cao hơn thị trường 20% trở lên. Còn hợp tác xã (HTX) nào có sử dụng giống LĐ1 muốn mở rộng sản xuất có nhu cầu XK sang Nhật thì công ty cũng sẽ hướng dẫn sản xuất và bao tiêu sản phẩm. Hoàng Phát sẽ thu phí bản quyền đối với các DN XK vào thị trường Nhật Bản với mức: 5.000 - 15.000 tấn, mức phí 30 đồng/kg; từ 20.000 - 25.000 tấn, phí là 20 đồng/kg; trên 25.000 tấn, mức phí là 10 đồng/kg.
Nhiều DN, HTX cho rằng, việc thu phí của Công ty Hoàng Phát đối với DN XK chính là chi phí gián tiếp mà nông dân gánh chịu. Bên cạnh đó, sản lượng thanh long ruột đỏ giống LĐ1 hay đã bị lai không thể xác định được. Bởi, năm 2017 Công ty Hoàng Phát có bản quyền, thì trước đó nông dân ở một địa phương đã mua giống thanh long ruột đỏ LĐ1 từ Viện cây ăn quả miền Nam để trồng và XK rất tốt. Theo số liệu Viện cây ăn quả miền Nam: Năm 2009, tỉnh Long An có 10 hộ mua 19.187 cành, trồng được khoảng 5ha (4.000 cành/ha), Tiền Giang có 4 hộ mua 7.560 cành, trồng gần 2 ha và tỉnh Bình Thuận có 7 hộ mua với 96.110 cành, tương đương 24ha.
Ông Mai Xuân Thìn – Giám đốc công ty Rồng Đỏ cho rằng: “Về mặt bản quyền, nông dân ở 3 tỉnh Long An, Tiền Giang, Bình Thuận mua tổng cộng tầm 30ha giống ĐL1 và từ 30ha giống đó nông dân đã tự nhân giống để sản xuất, đến nay có mấy chục ngàn ha trên thị trường. Tuy nhiên, không ai xác nhận đó là giống ĐL1 hay giống đã lai?”.