Thanh long Bình Thuận được bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản

Thứ Sáu, 08/10/2021, 08:12

Thông tin từ Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, sau hơn 3 năm nộp hồ sơ đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản, Bộ Nông - Lâm - Ngư nghiệp Nhật Bản (MAFF) đã chính thức cấp Bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý đối với thanh long Bình Thuận. Đây là sản phẩm nông sản thứ 2 của Việt Nam sau và vải thiều Lục Ngạn được cấp Bằng chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản.

Chỉ dẫn địa lý thanh long Bình Thuận là chỉ dẫn địa lý thứ hai của Việt Nam chính thức được bảo hộ tại Nhật Bản. Đăng ký chỉ dẫn địa lý có thể nói như "giấy thông hành" để vào thị trường Nhật Bản nói riêng, thế giới nói chung. Việc được cấp đăng ký chỉ dẫn địa lý có ý nghĩa khẳng định uy tín thanh long Bình Thuận vào thị trường Nhật Bản, mở ra nhiều cơ hội mới cho việc xuất khẩu, tiêu thụ thanh long Bình Thuận ở nhiều thị trường khác nhau, nhất là tại các thị trường khó tính (Châu Âu, Hàn Quốc, New Zealand,…). Từ đây cũng cho thấy vai trò của sở hữu trí tuệ, vốn được coi là công cụ hỗ trợ cho các sản phẩm Việt Nam có thêm lợi thế cạnh tranh và xuất khẩu.

Thanh long Bình Thuận được bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản -0
Thanh Long được trồng với quy trình chăm sóc nghiêm ngặt để xuất khẩu.

Ông Đinh Hữu Phí, Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho biết, câu chuyện đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý thanh long Bình Thuận tại Nhật Bản là một câu chuyện dài và thú vị, giúp Cục Sở hữu trí tuệ thu nhận được nhiều kinh nghiệm quý báu trong công tác hỗ trợ các đặc sản địa phương của Việt Nam vươn ra thế giới, đó là giúp cho các đặc sản vùng miền gắn tên với các địa danh của Việt Nam được bảo hộ bằng một cơ chế bảo hộ tương đối mạnh, bảo hộ chỉ dẫn địa lý. 

Thanh long Bình Thuận được bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản -0
Chứng nhận bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho quả Thanh Long của Việt Nam.

Vốn nổi tiếng là một thị trường “khó tính”, cùng những quy định pháp luật về bảo hộ chỉ dẫn địa lý rất khắt khe, việc đăng ký chỉ dẫn địa lý thanh long Bình Thuận tại Nhật Bản vô cùng phức tạp. Vì vậy, để có thể vượt qua được “ngọn thái sơn” này, Cục Sở hữu trí tuệ đã thực hiện việc hỗ trợ qua hai con đường: Hoàn thiện hồ sơ đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý đáp ứng đầy đủ các quy định của pháp luật Nhật Bản và tăng cường tác động chính trị để đẩy nhanh quá trình này.

Theo đại diện UBND tỉnh Bình Thuận, việc xây dựng và phát triển chỉ dẫn địa lý đã trở thành một chiến lược để bảo tồn đa dạng sinh học, văn hóa truyền thống và tăng cường khả năng cạnh tranh thương mại, giúp thúc đẩy tiềm năng các nguồn lực địa phương, đồng thời thúc đẩy cuộc chiến chống lạm dụng và gian lận thương mại; nâng cao nhận thức của người tiêu dùng; tăng sức cạnh tranh của sản phẩm; góp phần nâng cao giá trị sản phẩm, gia tăng giá trị lợi nhuận, thúc đẩy quá trình phát triển nông nghiệp nông thôn.

 

Phạm Huyền
.
.
.