Doanh nghiệp xuất khẩu gặp khó những tháng cuối năm

Chủ Nhật, 06/11/2022, 09:22

Thiếu đơn hàng trong những tháng cuối năm, thiếu công nhân kỹ thuật lành nghề, lao động có tay nghề cao… đang là những khó khăn của nhiều doanh nghiệp (DN) xuất khẩu (XK)...

Mới đây Công ty TNHH Tỷ Hùng (100% vốn Đài Loan, TP Hồ Chí Minh) buộc cho nghỉ việc 1.200 công nhân. Lý do là đối tác nhập khẩu (NK) của công ty này (chuyên sản xuất giày thể thao XK, thị trường chủ yếu là EU) đang gặp khó khăn, chịu nhiều thiệt hại bởi tình hình kinh tế không mấy khả quan, nên không ký kết các đơn hàng mới.

Doanh nghiệp xuất khẩu gặp khó những tháng cuối năm -0
Ngành may mặc thiếu đơn hàng trong những tháng cuối năm.

Vì thế DN buộc phải thu hẹp sản xuất và cắt giảm lao động. Việc một DN da giày nước ngoài hoạt động 25 năm ở TP Hồ Chí Minh (với tổng cộng 1.800 công nhân) như Công ty Tỷ Hùng phải cho gần 1.200 công nhân nghỉ việc, đã cho thấy phần nào khó khăn của ngành da giày khi phải thu nhỏ quy mô vì thị trường suy thoái trong mùa tiêu dùng cuối năm.

Ông Nguyễn Văn Khánh - Phó Chủ tịch Hiệp hội da giày TP. Hồ Chí Minh cho biết, nhiều DN trong lĩnh vực da giày đang chịu áp lực lớn vì đơn hàng giảm mạnh, sản lượng XK giảm ít nhất 30% so với lúc ổn định. XK da giày chủ yếu vào thị trường lớn như EU và Mỹ, trong khi đó đơn hàng XK vào thị trường EU thời gian qua sụt giảm mạnh do tác động của cuộc xung đột Nga - Ukraine cũng như lạm phát tăng cao.

Tương tự, với ngành dệt may, mặc dù trong 9 tháng đầu năm 2022 kim ngạch XK đạt trên 35 tỷ USD (tăng 21% so với cùng kỳ năm ngoái), nhưng thực tế việc tăng trưởng chủ yếu rơi vào các tháng đầu năm, còn từ tháng 7 trở đi các DN hết sức khó khăn, đặc biệt tốc độ XK giảm mạnh kể từ nửa đầu tháng 9/2022. Tại TP Hồ Chí Minh, nhiều DN dệt may sụt giảm đơn hàng mạnh tập trung ở các thị trường lớn. Việc thiếu đơn hàng tại các DN dệt may đã buộc DN trong ngành phải cắt giảm công suất, giảm số ngày làm việc, nhiều công nhân mất việc làm đã phải tìm công việc khác. Theo Hội Dệt may thêu đan TP Hồ Chí Minh, từ cuối tháng 7/2022 nhu cầu thế giới đã có dấu hiệu giảm và giảm liên tục đến nay, nhưng đơn hàng XK đến tháng 9/2022 vẫn ổn là nhờ các hợp đồng đã được DN ký kết trước đó. Mọi năm, thời điểm này nhiều đối tác đã tất bật đặt hàng cho năm tới, nhưng nay việc đặt hàng rất hạn chế. Trong quý 4/2022 và khả năng đến quý 1/2023, ngành dệt may sẽ gặp khó khăn, nhiều DN có thể bị giảm 50% đơn hàng.

Từ đầu năm đến nay, XK có 32 mặt hàng đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD, trong đó, dệt may và da giày là 2 mặt hàng XK chủ lực tăng trưởng mạnh nhất. Tuy nhiên, thị trường lớn nhất của 2 ngành hàng này là Mỹ và EU trong khi Mỹ, EU do sức ép lạm phát từ các quốc gia này lớn, buộc người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu, mà dệt may, da giày, không phải là những mặt hàng thiết yếu. Nhiều đối tác trong thời điểm này cũng đã ngưng hẳn NK vì lượng hàng tồn kho tăng cao tại nhiều thị trường, chỉ khi nào bán hết hàng tồn thì họ mới nhập thêm. Ngoài ra, diễn biến phức tạp của xung đột Nga - Ukraine khiến giá nguyên phụ liệu tăng cao liên tục từ đầu năm đến nay, làm cho chi phí của DN tăng khoảng 20 - 25%... Những khó khăn trên đã khiến nhiều DN chỉ sản xuất cầm chừng...

Thông tin về tình hình lao động, việc làm trong quý 4/2022, ông Nguyễn Văn Lâm - Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết, theo kết quả khảo sát nhanh 234 DN có quy mô từ 200 lao động trở lên trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, ghi nhận 109 DN có nhu cầu tuyển dụng hơn 3.700 lao động, 125 DN không có nhu cầu tuyển dụng, 8 DN phải cắt giảm lao động, 83 DN rơi vào tình trạng thiếu đơn hàng...

Để giải quyết tình trạng thiếu hụt, cắt giảm lao động của các DN, ông Nguyễn Văn Lâm cho biết, Sở đã chỉ đạo Trung tâm dịch vụ việc làm lên kế hoạch tổ chức tiếp xúc với người lao động và tổ chức công đoàn cơ sở. Từ đó, có phương án giải quyết, kết nối các DN có nhu cầu tuyển dụng lao động với lực lượng đang bị cắt giảm.

Thúy Hà
.
.
.