Doanh nghiệp dệt may gặp khó những tháng cuối năm

Thứ Hai, 01/08/2022, 08:28

“Đến nay, hầu hết các doanh nghiệp (DN) dệt may đã ký được hợp đồng có kế hoạch sản xuất đến hết quý 3/2022. Sang quý 4, các DN hết sức lo lắng do tác động của chiến sự Nga – Ukraine đã ảnh hưởng đến sức mua toàn cầu, người tiêu dùng (NTD) khó khăn nên giảm sức tiêu thụ, đơn đặt hàng giảm… Nhiều DN trong ngành dệt may sẽ rất khó khăn trong những tháng cuối năm”, ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TP Hồ Chí Minh (AGTEK) nhận định.

Trong 6 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu (XK) dệt may ước đạt khoảng 22,3 tỷ USD (tăng gần 18% so với cùng kỳ năm 2021). Ngành dệt may cũng đặt mục tiêu tổng trị giá XK cả năm đạt 42 - 43 tỷ USD.

Tuy nhiên nhiều DN cho biết, có nhiều biến động xảy ra trong những tháng cuối năm nên tình hình XK có dấu hiệu khựng lại, DN hết sức lo lắng và đang theo dõi tình hình thị trường để có những ứng phó phù hợp.

Doanh nghiệp dệt may gặp khó những tháng cuối năm -0
Ngành dệt may gặp nhiều khó khăn. Ảnh minh họa

Ngay từ đầu năm, các DN dệt may nhận rất nhiều đơn hàng, nhưng bước sang quý II tình hình đã bắt đầu có những khó khăn. Đến quý III, tình hình có vẻ ngày càng khó khăn hơn khi lạm phát tăng cao tại các thị trường tiêu thụ hàng dệt may lớn của Việt Nam như Mỹ, EU khiến thị trường bị thu hẹp; đồng euro liên tục “nhảy múa”; nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ là đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam như Trung Quốc, Nhật Bản, Đài Loan… vẫn đang áp dụng các biện pháp nghiêm ngặt chống dịch, gây ảnh hưởng không nhỏ đến chuỗi cung ứng và tiêu thụ sản phẩm dệt may Việt Nam.

Ông Phạm Văn Việt, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Việt Thắng Jean cho biết, đơn hàng XK dệt may vào thị trường EU, Mỹ của DN đang giảm 30% - 40%. Thậm chí tới đây, thị trường Nhật Bản có thể cũng sẽ giảm mua và dự báo XK dệt may sẽ giảm mạnh vào quý 1-2023.

Nói về nguyên liệu của ngành dệt may, bà Nguyễn Khánh Nhật - Phó trưởng Ban Phát triển Bền vững - Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) cho biết: “Nguyên liệu của các công ty dệt may chiếm khoảng 85% tổng doanh thu, trong khi 100% nguyên liệu đều phải NK”. Điều đó cho thấy, mặc dù có kim ngạch XK lớn, nhưng ngành dệt may trong nước hoàn toàn phụ thuộc vào nguyên liệu NK. Chính vì vậy, khi dịch bệnh COVID-19 xảy ra, DN dệt may gặp khó khăn về nguồn cung nguyên liệu, nhưng sau khi nguồn nguyên liệu ổn định thì giá nguyên liệu đầu vào tăng cao đã đẩy giá thành sản xuất khiến sản phẩm dệt may rất khó cạnh tranh với các đối thủ tại thị trường XK.

Ngoài vấn đề nguyên liệu, thiếu công nhân lao động cũng đang là vấn đề nan giải của DN ngành dệt may. Phần lớn lao động trong ngành dệt may là dạng phổ thông, thực hiện các công đoạn gia công sản phẩm, còn các khâu yêu cầu có trình độ kỹ thuật như nhuộm, hoàn thiện vải, thiết kế sản phẩm vẫn còn đang thiếu và yếu. Theo thống kê của Bộ Công Thương, khoảng 75% lao động trong lĩnh vực này chưa qua đào tạo hoặc chỉ được đào tạo dưới 3 tháng. Đây là thách thức cho ngành trong quá trình chuyển giao, ứng dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất, nâng cao tỷ lệ nội địa hoá.

Bên cạnh đó, đồng euro “nhảy múa” trong thời gian qua khiến các DN có hoạt động XK hàng hóa sang thị trường khu vực EU cũng hết sức lo lắng. Điều này ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của sản phẩm Việt Nam so với các quốc gia khác ở thị trường trọng điểm này. Ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch của AGTEK cho rằng, việc đồng euro mất giá chứng tỏ thị trường châu Âu đang bất ổn, NTD theo đó sẽ giảm chi tiêu những mặt hàng không thiết yếu. Do đó dự báo thời gian tới, XK của ngành dệt may sang thị trường EU sẽ bị sụt giảm.

Thúy Hà
.
.
.