Để châu thổ Cửu Long phát triển bền vững

Thứ Bảy, 25/12/2021, 10:06

Dù đạt nhiều kết quả tích cực nhưng tốc độ phát triển của vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) chưa tương xứng, chưa khai thác hết tiềm năng, lợi thế của vùng. Nghị quyết 120/NQ-CP ngày 17/11/2017 về phát triển bền vững vùng ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH) và Quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được xem là cuộc cách mạng để phát triển bền vững, mang lại sự thịnh vượng cho vùng đất nhiều tiềm năng này.

Trong đó, Quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 - đồ án quy hoạch đầu tiên trong số 6 quy hoạch vùng của cả nước là công cụ quan trọng cho vùng cất cánh..

Châu thổ Cửu Long chiếm khoảng 20% dân số, 12% diện tích cả nước, đóng góp 15,4% GDP của cả nước. Nơi đây hình thành nhiều khu vực sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản, công nghiệp và du lịch tập trung, với quy mô ngày càng lớn; trở thành trung tâm sản xuất nông nghiệp lớn nhất của nước ta. ĐBSCL đã thành công trong việc xóa đói, giảm nghèo. Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo của Chính phủ giảm từ mức rất cao 36,9% vào năm 1998 xuống còn 5,2% vào năm 2016 và tiếp tục giảm trong giai đoạn 2016-2020.

2.jpg -0
Vùng châu thổ Cửu Long đóng góp 90% lượng gạo xuất khẩu, 70% sản lượng trái cây và trên 74% sản lượng thủy sản nuôi trồng của cả nước.

Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của tất cả các tỉnh, thành trong vùng tăng trưởng rõ rệt 5 năm trở lại đây. Nhiều dự án hạ tầng lớn, có tính lan tỏa, kết nối nội vùng và liên vùng, ứng phó biến đổi khí hậu đã ra đời, như: Dự án thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé; cống âu thuyền Ninh Quới; cao tốc Lộ Tẻ - Rạch Sỏi, các công trình ngọt hóa Bến Tre, đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ…

 Ông Đồng Văn Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang cho biết, với lợi thế về vị trí địa lý là trung tâm của tiểu vùng Tây sông Hậu, giáp ranh TP Cần Thơ, giao thông đa dạng cả đường thủy và đường bộ; quỹ đất phát triển khu, cụm công nghiệp còn khá nhiều. Diện tích đất đai trong tỉnh còn nhiều, mặt bằng giá đang thấp hơn so với khu vực lân cận nên dư địa cho phát triển của tỉnh còn rất nhiều. Đặc biệt, có hơn 60% dân số đang trong độ tuổi lao động, là nguồn lực vô cùng quý giá.

Theo ông Đỗ Thanh Bình, Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang, việc huy động các nguồn lực cho đầu tư các công trình hạ tầng thích ứng với biến đổi khí hậu còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu cấp bách trong giai đoạn hiện nay và thời gian tới. Ngoài ra, chúng ta chưa có cơ chế, chính sách thật sự mang tính đột phá để thu hút nguồn lực ngoài ngân sách. Chúng ta bước đầu đã giải quyết có hiệu quả bài toán “thích ứng” nhưng bài toán “chủ động” vẫn còn nhiều khó khăn phía trước; nhất là tình hình sạt lở bờ sông, bờ biển là vấn đề cấp bách nhưng mới chỉ xử lý cục bộ, chưa có giải pháp tổng thể gắn với sắp xếp lại dân cư ven sông, ven biển.

Ngoài ra, vấn đề hạ tầng giao thông vẫn là “điểm nghẽn” trong phát triển của vùng; đồng thời dịch vụ logistics để phục vụ xuất khẩu nông, thủy sản cho vùng còn hạn chế. Mặt khác, ĐBSCL vẫn cần nhiều cơ chế, chính sách đặc thù để thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn; đặc biệt là về đất đai, vốn, khoa học công nghệ… Vì sản xuất nông nghiệp của vùng có tính đặc trưng riêng so với các vùng kinh tế khác trong nước.

Bộ GTVT ưu tiên đặc biệt cho một số nhóm dự án như: Cao tốc TP Hồ Chí Minh đến Cà Mau; cao tốc An Hữu – TP Cao Lãnh - cầu Vàm Cống - Rạch Giá; cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - cảng Trần Đề... Nếu làm tốt, đến năm 2025, chúng ta sẽ có 300km đường cao tốc trong vùng. Như thế để thấy, Trung ương, Chính phủ rất quan tâm, tập trung cho cao tốc. Bên cạnh đó là triển khai 7 tuyến quốc lộ. Theo Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể, với mục tiêu số 1 ưu tiên cho hạ tầng giao thông, đối với 7 tỉnh ven biển là Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau và Kiên Giang sẽ hoàn thành khép kín dự kiến khoảng 378km đường ven biển, cải tạo nâng cấp khoảng 48,5km đường, 184 cầu trung và nhiều cầu nhỏ, ngoài ra có 5 cây cầu lớn vượt sông Tiền. Với 6 tỉnh không có biển, sẽ hoàn thành 138,3km đường, 167 cầu trung và nhiều cầu nhỏ; tăng diện tích tưới tiêu lên tới 78.800ha, phòng chống sạt lở trên 10km, cải tạo nâng cấp 43km đường giao thông; cải tạo, nâng cấp 265km đường quốc lộ…

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành, Chủ tịch Hội đồng điều phối vùng ĐBSCL giai đoạn 2021-2025 cho biết, hiện nay 4 quy hoạch quốc gia của ngành giao thông vận tải (gồm quy hoạch đường bộ, đường sắt, cảng biển, đường thủy) đã được ban hành, còn quy hoạch hàng không đang trong quá trình phê duyệt. Do đó, đề nghị tiếp tục cập nhật các quy hoạch ngành quốc gia này vào quy hoạch vùng ĐBSCL.

“Muốn phát triển vùng ĐBSCL thì việc đầu tiên mà các địa phương cần tập trung thực hiện là phát triển kết cấu hạ tầng giao thông. Điều này cũng giúp tăng cường liên kết vùng, phát huy vai trò, thế mạnh của vùng. Các địa phương vùng ĐBSCL cần tập trung huy động nguồn vốn xã hội hóa cho phát triển kết cấu hạ tầng giao thông. Muốn huy động doanh nghiệp vào thì phải trên cơ sở đã có quy hoạch. Chúng ta mời họ vào khảo sát, thiết kế, lập dự án đầu tư các hình thức như PPP”, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nhấn mạnh.

Theo Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà, dù thời gian triển khai thực hiện chưa dài, nhưng đến nay Nghị quyết 120 đã đạt được một số kết quả ban đầu rất quan trọng để phát triển mạnh mẽ vùng ĐBSCL theo hướng “thuận thiên” như mục tiêu mà Nghị quyết đề ra. Cụ thể, định hình không gian phát triển thông qua kết nối hạ tầng giao thông, liên kết vùng đã và đang có nhiều tiến triển, thay đổi bộ mặt của ĐBSCL. Một số cơ chế chính sách đã được rà soát, bổ sung; quy hoạch tổng thể phát triển bền vững vùng ĐBSCL đang được khẩn trương hoàn thành.

Bên cạnh đó, hiệu quả của việc phân vùng, chuyển đổi sản xuất theo phương châm “thuận thiên” đã được chứng minh qua đợt hạn, mặn vừa qua khi nông dân vùng ĐBSCL chuyển hóa được thách thức thành cơ hội cho phát triển, giảm thiểu thiệt hại cho sản xuất, kinh doanh. Thiệt hại riêng về diện tích lúa đợt hạn, mặn 2019-2020 vừa qua tại ĐBSCL chỉ bằng 10% so với đợt hạn, mặn năm 2015-2016. Đặc biệt, tăng trưởng GDP vùng ĐBSCL luôn ở mức cao.

Đ.Văn – H.Thu
.
.
.