Nhà vườn đồng bằng sông Cửu Long lo mùa hoa kiểng Tết

Thứ Năm, 02/12/2021, 09:20

Vụ mùa hoa kiểng phục vụ thị trường Tết Nguyên đán năm nay gặp muôn vàn khó khăn. Dịch COVID-19 đã tác động tiêu cực đến đời sống nên người dân sẽ thắt chặt chi tiêu, ảnh hưởng trực tiếp đầu ra, giá thành hoa, kiểng.

Thêm vào đó, thời tiết thất thường, chi phí sản xuất tăng cao cũng là một trong những nguyên nhân khiến bà con nông dân trồng, kinh doanh hoa, kiểng tại vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) lo lắng, e dè. Giải pháp tình thế là giảm số lượng, diện tích gieo trồng, sản xuất theo đơn đặt hàng. Sản lượng hoa, kiểng vụ Tết năm nay dự kiến giảm khoảng 50% so với các năm trước.

Được xem là “thủ phủ hoa” vùng Tây Nam Bộ - TP Sa Đéc (Đồng Tháp) có khoảng 2.300 hộ dân sống bằng nghề sản xuất, kinh doanh hoa, kiểng, với tổng diện tích trên 70 ha. Tuy nhiên, khác với mọi năm, do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 nên vụ hoa Tết năm nay, nhiều nông dân đã chọn giải pháp an toàn giảm 50% diện tích gieo trồng.

cl.jpg -0
Nhà vườn vùng ĐBSCL bắt đầu xuống giống, chăm sóc hoa kiểng, chờ bán Tết.

Nhà vườn Nguyễn Hoàng Võ Mộng Kha (phường Tân Quy Đông, TP Sa Đéc, Đồng Tháp) đã chuẩn bị 7.000 giỏ, chậu hoa cho vụ Tết. Ngoài những giống hoa như: Cúc pico, cúc mai, cúc đồng tiền, ông Kha còn trồng thêm các loại cây ăn trái kiểng, như: Nho thân gỗ, chanh cẩm thạch...

Theo ông Kha cũng như các nhà vườn tại đây, năm nay tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, thời tiết thất thường nên việc gieo giống, chăm sóc và canh hoa nở đúng thời điểm Tết cũng gặp không ít khó khăn.

Nhà vườn chọn thời điểm xuống giống, tập trung chăm sóc từng giai đoạn sinh trưởng của cây, đảm bảo hoa đạt chất lượng và nở đúng dịp Tết. Các nhà vườn cũng chủ động giảm số lượng hoa, kiểng và xen vào trồng nhiều giống mới, đồng thời giới thiệu, quảng bá hoa, kiểng cho các thương lái gần xa tiếp cận qua mạng xã hội Zalo, Facebook.

Hội quán “Tôi yêu màu tím” (TP Sa Đéc) có 20 thành viên, bình quân mỗi năm, hội quán sản xuất bán cho thị trường Tết khoảng 100.000 chậu hoa cúc mâm xôi, cúc Đài Loan, vạn thọ, cát tường, thược dược… Còn năm nay, lượng sản xuất chỉ 40.000 chậu.

Ông Trần Văn Tiếp, Chủ nhiệm Hội quán “Tôi yêu màu tím” cho biết, dù ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 nhưng thành viên hội quán vẫn thích ứng, tập trung xuống giống sản xuất với đủ các chủng loại hoa.

Đối với các hội viên thuê đất ở cách xa nhà để sản xuất tập trung quy mô lớn, trong thời gian địa phương áp dụng Chỉ thị 16 để phòng, chống dịch, đã phải rất khó khăn trong việc thuê mướn nhân công để sản xuất. So với những năm trước, sản lượng hoa cung ứng cho thị trường Tết năm nay giảm khoảng 50%, nhiều hội viên còn dè chừng, không dám trồng nhiều.

Theo Phòng Kinh tế TP Sa Đéc, nhà vườn tại làng hoa đã xuống giống khoảng 52 ha hoa, kiểng phục vụ Tết Nguyên đán. Thời điểm hiện tại, dịch bệnh COVID-19 cơ bản đã được kiểm soát nên việc đi lại, vận chuyển hoa, kiểng được thuận lợi. Thương lái đã trở lại làng hoa đặt hàng, thu mua hoa, kiểng của nhà vườn để bán Tết.

“Các đầu mối thu mua đã chủ động liên hệ, đặt mua các loại hoa, kiểng. Nếu tình hình dịch COVID-19 dần ổn định thì dự báo Tết này, thị trường hoa sẽ khan hiếm hàng và được giá, bởi sức cung ít hơn cầu”, ông Đặng Thanh Hải, nhà vườn ở phường Tân Quy Đông kỳ vọng vụ mùa Tết.

Huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre là “cái nôi” của nghề sản xuất cây giống và hoa kiểng. Nơi đây có trên 7.500 hộ dân tham gia sản xuất giống cây trồng với diện tích hơn 1.650ha và trở thành trung tâm sản xuất cây giống lớn nhất cả nước.

Chợ Lách hiện có trên 4.700 hộ sản xuất, kinh doanh hoa, kiểng các loại với khoảng 560 ha. Sản lượng hoa, kiểng các loại hàng năm của địa phương cung ứng cho thị trường từ 15 - 20 triệu sản phẩm. Riêng vụ mùa Tết, Chợ Lách cung ứng khoảng 10 triệu sản phẩm, gồm: tắc tạo hình linh vật, hoa mẫu đơn bon sai, hoa giấy và các loại hoa cúc, vạn thọ…

Tiến sĩ Bùi Thanh Liêm, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chợ Lách cho biết, thời gian qua, huyện xây dựng Đề án phát triển sản xuất cây giống và hoa kiểng quy mô cấp quốc gia.

Để thích ứng với biến đổi khí hậu và tác động của dịch COVID-19 tới thị trường tiêu thụ, ngành nông nghiệp huyện đã khuyến cáo nhà vườn nên sản xuất theo đơn đặt hàng có sẵn. Mặt khác, các chuyên viên của phòng nông nghiệp cũng đã có hướng dẫn bà con nông dân sản xuất những giống đạt chuẩn, chuyển giao công nghệ để tạo ra sản phẩm tốt nhất, phục vụ yêu cầu của thị trường.

Theo Tiến sĩ Liêm, năm nay dự đoán các hội chợ, chợ hoa sẽ khó diễn ra như mong muốn, đây là nơi tiêu thụ phần lớn sản phẩm hoa, kiểng của địa phương. Năm nay, nông dân trên địa bàn Chợ Lách sản xuất khoảng 4-5 triệu sản phẩm kiểng và khoảng 3 triệu sản phẩm hoa Tết…

Làng mai vàng Phước Định (huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long) có 106 hội viên với diện tích trồng cây thành phẩm là 2,5 ha. Làng mai hiện có khoảng 550 gốc mai cổ, 4.000 gốc mai trung và 25.000 gốc mai tiểu, bonsai và khoảng 2.500 gốc kiểng khác. Dịch COVID-19 bùng phát lần thứ 4 và đang còn diễn biến phức tạp nên các hộ trồng mai rất lo lắng.

Anh Trương Văn Phúc Em, hội viên làng mai Phước Định cho biết kể từ khi được công nhận làng nghề từ năm 2009 đến nay, nguồn thu nhập chính của người dân là từ cây mai vàng. Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, các nhà vườn không bán được sản phẩm nên gặp rất nhiều khó khăn. Tết Nguyên đán năm nay, anh đã chuẩn bị 50 chậu mai vàng. Tuy nhiên những ngày qua, anh và nhiều hội viên khác rất lo lắng vì dịch diễn biến phức tạp.

Ông Lê Văn Tý, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã Làng nghề Mai vàng Phước Định cho biết, sau khi thực hiện Nghị quyết 128, các chốt liên tỉnh đã được dỡ bỏ. Thương lái các tỉnh đã bắt đầu đến đặt mai, người dân đang phục hồi lại các hoạt động để phục vụ Tết Nguyên đán.

“Hội viên trong hợp tác xã đang cho mai vô chậu, chuẩn bị bán Tết. Tuy nhiên ai cũng lo lắng vì chưa biết có bán được ở các chợ hoa xuân hay không nên chỉ chuẩn bị số lượng hạn chế”, ông Tý nói.

Tại TP Cần Thơ, hoa, kiểng được trồng tập trung nhiều là tại Làng nghề hoa kiểng Phó Thọ - Bà Bộ (quận Bình Thủy) và Làng hoa Tân Long A (xã Tân Thới, huyện Phong Ðiền)… Dù lượng hoa kiểng nông dân chuẩn bị cho mùa Tết năm nay có giảm mạnh về số lượng so với những năm trước nhưng khá đa dạng chủng loại hoa, kiểng lá và các loại kiểng bonsai.

Theo số liệu thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ, đến nay, nông dân trên địa bàn thành phố đã xuống giống gieo trồng được gần 355.700 chậu hoa kiểng, thấp hơn 886.930 chậu so với cùng kỳ.

Ông Ðoàn Hữu Bốn, Giám đốc Hợp tác xã hoa kiểng Bình An (phường Long Hòa, quận Bình Thủy, TP Cần Thơ) kiêm Phó Chủ nhiệm Làng nghề hoa kiểng Phó Thọ - Bà Bộ chia sẻ, dù nhiều hộ dân vẫn rất nỗ lực để duy trì nghề làm hoa kiểng nhưng nhìn chung số lượng hoa kiểng được các hộ dân chuẩn bị để phục vụ Tết Nguyên đán 2022 giảm rất nhiều so với các năm trước. Nguyên nhân do chi phí sản xuất tăng và giá cả đầu ra sản phẩm khó dự đoán trong tình hình dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp.

Trần Lĩnh – Văn Vĩnh
.
.
.