Đẩy mạnh phát triển du lịch nông nghiệp ở vùng châu thổ Cửu Long

Thứ Ba, 31/05/2022, 06:50

Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là vùng sản xuất nông nghiệp thủy sản lớn nhất cả nước, có khí hậu tốt quanh năm nên có thể làm du lịch cả 4 mùa.

Du lịch nông nghiệp An Giang với các làng nghề truyền thống như: làng lụa Tân Châu, làng nghề lưỡi câu Phú Hòa, làng dệt thổ cẩm Châu Phong; du lịch nông nghiệp Bến Tre là hình ảnh bạt ngàn dừa xanh…

Hay, nhằm quảng bá, giới thiệu tiềm năng thế mạnh, tỉnh Cà Mau đã thông qua các sự kiện, hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch và thương mại đến với du khách trong và ngoài nước, trong đó có sự kiện “Hương rừng U Minh”… Hiện, đất rừng U Minh Hạ vẫn đứng hàng đầu trong hệ sinh thái ngọt khu vực châu thổ Cửu Long. Đặc biệt, nơi đây còn có nghề truyền thống gác kèo ong, gắn liền với thương hiệu mật ong U Minh Hạ được người dân cả nước biết đến.

Anh Phạm Duy Khanh (ngụ huyện Trần Văn Thời), cho biết: “Khi đến khu vực rừng tràm, điều làm du khách thích thú nhất là đi ăn ong lấy mật”. Nghề gác kèo ong là nghề truyền thống gia đình. Trước khi phát triển thành sản phẩm du lịch thì đây là nghề mang lại thu nhập chính cho gia đình anh Khanh. “Được giới thiệu đến bạn bè khắp nơi nghề truyền thống đặc biệt của quê hương là một niềm hạnh phúc lớn với chúng tôi”, anh Khanh cho biết.

Thông qua các hoạt động trong sự kiện “Hương rừng U Minh”, Cà Mau mong muốn giúp du khách trải nghiệm, khám phá những sản vật phong phú của vùng đất U Minh Hạ. Qua đó, quảng bá, giới thiệu tiềm năng, thế mạnh của huyện U Minh thông qua các hoạt động văn hoá, du lịch, ẩm thực, thương mại. Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp gặp gỡ, kết nối, mở rộng liên kết, hợp tác phát triển du lịch, thu hút đầu tư phát triển thương hiệu sản phẩm, nâng cao sức cạnh tranh với các địa phương trong tỉnh…

Theo ông Hà Văn Siêu, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, ĐBSCL có nhiều tiềm năng cũng như nguồn lực để phát triển sản phẩm du lịch nông nghiệp. Trong đó, thế mạnh nổi trội của vùng là lúa, trái cây và thủy sản, ứng với chuỗi canh tác nuôi trồng, chế biến và tiêu thụ. Theo đó, chuỗi giá trị sản phẩm du lịch nông nghiệp là quá trình tạo ra trải nghiệm dành cho du khách, từ đó nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp gắn với du lịch.

daymanh 3.jpg -0
Nghề gác kèo ong ở rừng U Minh Hạ, tỉnh Cà Mau.

Bà Cao Xuân Thu Vân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, chia sẻ: “Điểm nghẽn về du lịch nông nghiệp hiện nay chính là chính sách quản lý của các địa phương còn lúng túng, chồng chéo nhiều mặt, chưa có hoạch định rõ cho ngành du lịch nông nghiệp. Việc xây dựng sản phẩm du lịch vẫn còn giẫm chân nhau.

Bà Lê Thị Bé Bảy (cố vấn du lịch Cồn Sơn, quận Bình Thủy TP Cần Thơ), bày tỏ: “Muốn phát triển du lịch nông nghiệp thì phải xác định chủ thể là người nông dân. Bởi chỉ có người nông dân mới viết nên câu chuyện du lịch nông nghiệp bản địa. Do đó, khi làm du lịch người nông dân phải thay đổi tư duy và cần có những giải pháp để trợ lực, giúp họ có những định hướng đúng về du lịch nông nghiệp gắn với thích ứng biến đổi khí hậu và phát triển bền vững”.

Ông Miquel Angel P. Martorell, đến từ MQL Sustainable Tourism Services (chuyên gia Ban cố vấn du lịch Việt Nam), cho rằng: “Du lịch nông nghiệp ở ĐBSCL đang cạnh tranh hơn là hỗ trợ lẫn nhau. Do đó, các địa phương cần phải có hành động cụ thể hơn để thay đổi thực trạng khách chỉ đến một lần và không quay lại. Tôi cho rằng, các địa phương nên nghĩ đến những kế hoạch trung và dài hạn hơn về phát triển du lịch nông nghiệp, trong đó quan tâm đến vấn đề về xây dựng sản phẩm có giá trị cao, bền vững. Phát huy vai trò của kinh tế tư nhân, đầu tư cho chất lượng dịch vụ, nhân lực du lịch, linh hoạt cách quảng bá sản phẩm đến đa dạng thị trường”.  

             

Đức Văn
.
.
.