Chống trộm cắp thủy sản trên đầm phá Tam Giang - Cầu Hai
Tỉnh Thừa Thiên Huế có đầm phá nước lợ Tam Giang - Cầu Hai lớn nhất Đông Nam Á với chiều dài hơn 70km, rộng trên 22.000ha. Nhiều năm qua, người dân tỉnh Thừa Thiên Huế sống ven vùng đầm phá Tam Giang – Cầu Hai đã tận dụng diện tích mặt nước rộng lớn này để nuôi trồng thủy sản, phát triển kinh tế. Để đảm bảo ANTT vùng đầm phá, Công an các xã ven đầm phá đã tăng cường tuần tra, thực hiện nhiều biện pháp giúp ngư dân chống nạn khai thác, đánh bắt tận diệt và trộm cắp thủy sản.
Phường Thuận An, TP Huế là địa bàn vừa giáp biển và có diện tích mặt nước đầm phá Tam Giang rộng lớn. Ngoài phát triển kinh tế biển, những năm trở lại đây, hàng trăm hộ dân ở phường Thuận An đã kiên trì mưu sinh với nghề nuôi tôm, cá trên đầm phá Tam Giang. Những diện tích mặt nước được người dân đóng cọc tre, gỗ, sau đó dùng lưới khoanh lại để thả giống thủy sản. Nhờ cần mẫn, chịu khó nên không ít hộ dân ở địa phương này đã thoát nghèo vươn lên làm giàu, nuôi con ăn học nhờ vào nghề nuôi trồng thủy sản. Tuy nhiên, khi hoạt động nuôi trồng thủy sản trên đầm phá được mở rộng, có nhiều người dân tham gia thì cũng là lúc xuất hiện tình trạng đánh bắt trái phép, trộm cắp tôm, cá gần đến thời kỳ thu hoạch.
Đại úy Trần Quốc Đạt, Phó trưởng Công an phường Thuận An cho biết, từ năm 2020, địa bàn xã có hơn 200 hộ dân tham gia nuôi trồng thủy sản trên đầm phá Tam Giang. Thông qua phát động phong trào Toàn dân bảo vệ An ninh Tổ quốc, đơn vị đã triển khai xây dựng mô hình “Phòng, chống trộm cắp thủy sản trên đầm phá Tam Giang”. Sau thời gian triển khai, đã có nhiều hộ dân tình nguyện tham gia vào mô hình này để cùng tham gia tuần tra, bảo vệ thủy sản.
Ông Trần Văn Đoàn (ở tổ dân phố Hải Tiến, phường Thuận An), Tổ trưởng Tổ Phòng, chống trộm cắp thủy sản trên đầm phá Tam Giang cho biết, hiện gia đình ông và nhiều hộ dân khác ở địa phương đang thả nuôi nhiều loại tôm, cá trên diện tích hàng chục héc ta mặt nước đầm phá. Do số vốn đầu tư về mua giống thủy sản, thức ăn, công chăm sóc rất lớn nên gần đến thời điểm thu hoạch thủy sản như hiện nay, ông Đoàn và các thành viên trong Tổ đã tích cực tuần tra trên đầm phá, nhất là vào ban đêm để bảo vệ thủy sản khỏi bị các đối tượng xấu trộm cắp. “Hàng tuần, 40 thành viên trong Tổ đều luân phiên thay nhau phối hợp với lực lượng Công an phường Thuận An đi tuần tra dọc khu vực đầm phá nuôi trồng thủy sản. Nếu phát hiện có đối tượng dùng xung điện, kích điện đánh bắt, trộm cắp tôm, cá thì chúng tôi sẽ tiến hành bắt giữ và tịch thu tang vật, phương tiện để giao cơ quan chức năng xử lý”, ông Đoàn chia sẻ.
Đại úy Trần Quốc Đạt còn cho hay, qua công tác tuyên truyền, vận động tích cực của lực lượng Công an xã nên sau 4 năm triển khai, mô hình “Phòng, chống trộm cắp thủy sản trên đầm phá Tam Giang” đã phát huy hiệu quả. Tham gia vào mô hình này, nhiều ngư dân ở địa bàn phường đã có ý thức hơn trong công tác bảo vệ thủy sản, chấp hành nghiêm các quy định pháp luật trong nuôi trồng, khai thác thủy sản và cùng chung sức phối hợp để giữ gìn ANTT địa bàn. Nhờ thế nên thời gian gần đây đã giảm thiểu được tình trạng trộm cắp thủy sản tại khu vực nuôi trồng của ngư dân.
Tại địa bàn xã Vinh Hưng, huyện Phú Lộc hiện có hàng trăm hộ dân ở các thôn tham gia nuôi trồng thủy sản trên đầm phá Cầu Hai. Trong đó, có 124 hộ dân ở các thôn Trung Hưng và Phụng Chánh 2 tham gia nuôi cá lồng trên đầm phá với các loại cá đặc sản như cá vẩu, cá mú, nâu, dìa… cho hiệu quả kinh tế cao. Thiếu tá Nguyễn Thành Chung, Phó trưởng Công an xã Vinh Hưng cho biết, lợi dụng vùng đầm phá rộng lớn, ban đêm các hộ dân không bố trí người trông coi nên nhiều đối tượng đã sử dụng đò máy lẻn vào các khu nuôi trồng thủy sản rồi dùng kích điện bắt trộm tôm, cá. Để ngăn chặn tình trạng trộm cắp thủy sản, Công an xã thường xuyên bố trí cán bộ phối hợp với Chi hội nghề cá xã và người dân ở các thôn tổ chức tuần tra trên đầm phá. Qua đó kịp thời phát hiện, đẩy đuổi nhiều đối tượng lẻn vào khu nuôi trồng thủy sản của người dân để trộm cắp.
Trong thời gian qua, lực lượng Công an các xã Điền Hòa, Điền Hải, Điền Hương (huyện Phong Điền); Quảng Lợi, Quảng Công, Quảng Ngạn (huyện Quảng Điền), Hải Dương (TP Huế); Lộc Trì (huyện Phú Lộc) đã tích cực phối hợp với lực lượng Chi hội nghề cá tại địa phương tổ chức tuần tra kiểm soát dọc tuyến đầm phá Tam Giang để bảo vệ diện tích nuôi trồng thủy sản của ngư dân và các khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản trên vùng đầm phá này. Mới đây nhất, qua công tác tuần tra, người dân ở thôn Ngư Mỹ Thạnh, xã Quảng Lợi phát hiện nhóm đối tượng đi trên 6 chiếc đò máy về địa bàn xã Quảng Lợi đánh bắt thủy sản theo kiểu tận diệt. Sau khi báo lực lượng Công an cơ sở, các ngư dân đã tổ chức rượt đuổi và tạm giữ được 2 chiếc đò máy, riêng các đối tượng nhảy xuống đầm phá bỏ trốn. Từ năm 2023 đến nay, lực lượng Công an các xã vùng ven phá Tam Giang – Cầu Hai đã tích cực phối hợp với các đơn vị tổ chức hàng trăm lượt tuần tra trên đầm phá Tam Giang – Cầu Hai, qua đó bắt được một số đối tượng cùng 12 phương tiện, dụng cụ chuyên dùng để khai thác trái phép, trộm cắp thủy sản. Qua đó cơ quan chức năng ra quyết định xử phạt hành chính tổng số tiền gần 300 triệu đồng.
Theo Chi cục Thủy sản tỉnh Thừa Thiên Huế, ngoài nỗ lực của lực lượng Công an xã vùng ven đầm phá Tam Giang – Cầu Hai trong công tác phối hợp phòng, chống trộm cắp thủy sản, hiện toàn tỉnh đã thành lập 25 khu bảo vệ thủy sản với tổng diện tích được bảo vệ nghiêm ngặt khoảng 650ha. Bên cạnh các hoạt động trồng rừng ngập mặn, bảo vệ, khai thác nuôi trồng thủy sản hợp lý, tỉnh Thừa Thiên Huế còn thả bổ sung hàng trăm nghìn con tôm, cua, cá giống các loại trên đầm phá Tam Giang - Cầu Hai để tái tạo nguồn lợi thủy sản. Đồng thời lực lượng Công an các xã, phường ven đầm phá đã và đang tích cực phối hợp với chính quyền địa phương và các đơn vị tổ chức tuyên truyền đến ngư dân cùng chung tay bảo vệ nguồn lợi thủy sản, nuôi trồng và khai thác hợp lý thủy sản trên đầm phá Tam Giang – Cầu Hai theo hướng bền vững, mang lại hiệu quả kinh tế cao.