Cần tháo gỡ khó khăn cho ngành cá tra vượt qua đại dịch

Thứ Sáu, 24/09/2021, 06:48

Nhiều vùng nuôi cá tra ở châu thổ Cửu Long nói chung, TP Cần Thơ nói riêng tới lứa thu hoạch nhưng doanh nghiệp (DN) chế biến xuất khẩu hạn chế thu mua. Tình trạng này khiến nhiều hộ nuôi đứng trước thua lỗ, cần sự hỗ trợ, tháo gỡ từ các ngành, địa phương.

Trong tháng 8/2021, TP Cần Thơ có diện tích thả nuôi thủy sản trên 2.000ha, trong đó diện tích cá tra là 13ha, nâng diện tích thả nuôi từ đầu năm đến nay lên 5.468ha; trong đó diện tích thả nuôi cá tra 576ha (đạt 78,26% so với kế hoạch năm). Ðến nay, diện tích thủy sản đã thu hoạch 1.942ha với sản lượng 112.938 tấn (đạt 56% kế hoạch). Riêng sản lượng cá tra thu hoạch trên 93.000 tấn, tăng 25% so với cùng kỳ năm 2020.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thông (NN&PTNT) TP Cần Thơ, do địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội phòng, chống COVID-19, việc thu hoạch, tiêu thụ thủy sản có sản lượng lớn như cá tra gặp khó khăn. “Trên địa bàn đang tồn cá tra quá lứa trên 3.000 tấn chưa thu hoạch. Nhiều nhà máy chế biến cá tra xuất khẩu tại TP Cần Thơ tạm ngừng sản xuất, không thu mua cá nguyên liệu do không đáp ứng được yêu cầu về phương án hoạt động đảm bảo an toàn phòng, chống COVID-19” - ông Nguyễn Tấn Nhơn, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT TP Cần Thơ cho biết.

4.jpg -0
Chế biến cá tra xuất khẩu tại Công ty SouthVina (Khu công nghiệp Trà Nóc 2, TP Cần Thơ).

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), tháng 8/2021 là thời điểm châu thổ Cửu Long tập trung phòng, chống COVID-19, thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16. Do đó, việc sản xuất, xuất khẩu thủy sản gặp tác động rất lớn. Trong tháng 8, kim ngạch xuất khẩu ngành hàng này đạt 588 triệu USD (giảm 28% so với cùng kỳ năm 2020). Trong đó, mặt hàng thủy sản chủ lực cá tra, tôm… sụt giảm từ 20-33% so với cùng kỳ năm ngoái. So với tháng 7/2021, xuất khẩu ngành hàng cá tra trong tháng 8/2021 giảm đến 31%...

Giám đốc một DN chế biến cá tra xuất khẩu ở Khu công nghiệp Trà Nóc (TP Cần Thơ) cho hay, chi phí để thực hiện “3 tại chỗ” khá cao, với số lượng hơn 1.000 công nhân làm việc thì khó mà đầu tư thêm để đáp ứng phương án vừa cách ly, vừa sản xuất. Vấn đề khó nữa là vận chuyển nguyên liệu phục vụ chế biến, xuất khẩu thời điểm giãn cách cũng rất nhiêu khê, thêm chi phí xét nghiệm cho tài xế chuyên chở và các chi phí khác, rủi ro cũng cao khi di chuyển. Cũng vì nguyên nhân này mà đa phần DN sử dụng nhiều lao động đều lựa chọn tạm ngưng hoạt động hoặc chỉ hoạt động duy trì với vài trăm công nhân.

Tính đến tháng 8/2021, tổng diện tích nuôi cá tra của tỉnh Đồng Tháp đạt trên 1.600ha (lớn nhất châu thổ Cửu Long). Diện tích thu hoạch gần 553ha, sản lượng trên 223.000 tấn. Tới giữa tháng 8/2021, giá cá tra nguyên liệu giảm xuống còn 20.500 đến 21.500 đồng/kg. Chi phí trung bình để sản xuất 1kg cá tra nguyên liệu khoảng 22.500 đồng/kg, với mức giá này người nuôi lỗ từ 900-1.400 đồng/kg.

Các chuyên gia nhận định, việc sản xuất, chế biến, xuất khẩu thủy sản, đặc biệt là cá tra sau thời gian giãn cách xã hội là hết sức khó khăn khi chỉ có 30-40% DN có đủ năng lực phục hồi. Số DN còn lại gặp rất nhiều khó khăn hoặc cần thời gian dài để khôi phục lại hoạt động sản xuất. Ðiều này, khiến xuất khẩu thủy sản ở ÐBSCL và cả nước những tháng cuối năm dự báo tiếp tục khó khăn.

Theo VASEP, với chủ trương hỗ trợ tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc cho DN trước tác động bởi dịch bệnh COVID-19 theo Nghị quyết số 105/NQ-CP, DN ngành thủy sản hy vọng sẽ có hỗ trợ để nối lại chuỗi cung ứng, hồi phục dần dần sản xuất, xuất khẩu trong 3 tháng cuối năm, đặc biệt từ tháng 10 hằng năm là thời điểm nhu cầu và đơn hàng xuất khẩu thường tăng cao...

Đức Văn
.
.
.