Cần đồng bộ các giải pháp để gỡ “tàu 67”

Thứ Hai, 09/09/2024, 05:33

Từng được xem là động lực mới cho ngư dân vươn khơi bám biển, song do hoạt động không hiệu quả nên chương trình tín dụng cho vay đóng tàu theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP hiện đang khiến cho cả ngân hàng và ngư dân “mắc kẹt”.

Nhiều ngư dân hầu toà, ngân hàng nợ xấu

Ngày 7/7/2014, Chính phủ ban hành Nghị định 67/2014/NĐ-CP về chính sách phát triển thủy sản (Nghị định 67) với chủ trương hỗ trợ ở mức cao nhất để ngư dân khai thác hải sản đạt hiệu quả, yên tâm khi vươn khơi đánh bắt xa bờ và góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Thực hiện chính sách tín dụng đóng mới, nâng cấp tàu, 4 ngân hàng thương mại Nhà nước cho vay theo cơ chế thương mại thông thường bằng nguồn vốn tự huy động của các ngân hàng.

tàu 67 2.jpg -0
Nhiều “tàu 67” hoạt động không hiệu quả dẫn đến nợ nần.

Từ năm 2014 đến ngày 31/12/2017 (thời điểm dừng thực hiện ký kết mới hợp đồng cho vay đóng mới, nâng cấp tàu), các ngân hàng đã ký hợp đồng tín dụng đối với ngư dân để cho vay đóng mới, nâng cấp 1.177 tàu, với tổng số tiền cam kết cho vay đạt trên 11.700 tỷ đồng. Đến cuối quý I/2024, tổng dư nợ cho vay theo Chương trình đạt trên 8.660 tỷ đồng của 1.079 tàu.

Dù những chuyến “tàu 67” đã mang lại diện mạo mới và những hiệu quả tích cực cho nghề khai thác thuỷ sản của ngư dân, nhưng cũng từ đó, phát sinh một số hệ lụy do nhiều tàu đã khai thác không hiệu quả, dẫn đến nợ nần chồng chất, ngư dân phá sản, ngân hàng nợ xấu. Có những trường hợp nợ đến hàng chục tỷ đồng, phải thế chấp cả nhà đất như trường hợp ông N.X.C đã vay số tiền hơn 16,5 tỷ đồng (thời hạn 192 tháng) của BIDV Bắc Quảng Bình để đóng mới tàu cá vỏ thép khai thác hải sản xa bờ, thế chấp bằng tài sản hình thành trong tương lai và thửa đất số 62, tờ bản đồ số 8 (diện tích gần 120m2), có địa chỉ tại xã Cảnh Dương gắn liền với quyền sở hữu nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất. Đến giờ, do để phát sinh nợ quá hạn lên đến hơn 20 tỷ đồng, trong đó nợ gốc hơn 16,4 tỷ đồng, nợ lãi gần 3,3 tỷ đồng, phí trả chậm hơn 365 triệu đồng, ông N.X.C đã bị Toà tuyên phải trả cho BIDV Bắc Quảng Bình tổng số nợ hơn 21 tỷ đồng. Trường hợp ông N.X.C. không trả được nợ thì phía ngân hàng được quyền yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự xử lý tài sản thế chấp là thửa đất số 62 và 1 tàu cá vỏ thép.

Ông N.X.C chỉ là một trong rất nhiều trường hợp bị vỡ nợ “tàu 67”. Số liệu từ Thanh tra Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh Quảng Bình thì tổng số tiền của các ngân hàng thương mại huy động vốn để cho vay đóng “tàu 67” hơn 989 tỷ đồng, trong đó nợ xấu hơn 792 tỷ đồng. Nhiều ngân hàng đã khởi kiện ra tòa để thu hồi nợ, nhưng “tàu 67” thu về khó bán đấu giá vì giá quá cao và ít người mua. Hiện tại, hầu hết các ngân hàng đã phải tự xử lý bằng cách sử dụng quỹ dự phòng rủi ro để bù đắp cho các khoản nợ. Tương tự, theo báo cáo của Agribank Bình Thuận, số tiền cho vay đóng mới, nâng cấp tàu cá theo Nghị định 67 lũy kế từ đầu chương trình là 1.075,6 tỷ đồng, số tiền thu nợ gốc đến ngày 31/12/2023 là 182,4 tỷ đồng; dư nợ đến cuối năm 2023 là 893,2 tỷ đồng, trong đó nợ xấu là 832,1 tỷ đồng, gồm các trường hợp khách hàng đến hạn trả nợ mà không trả nợ và khoản vay đã được ngân hàng cơ cấu nợ nhiều lần trong nhiều năm. Đặc biệt, có đến “39 chiếc tàu” đang bị khởi kiện, thi hành án với dư nợ 425,4 tỷ đồng, chiếm 47,6 % tổng dư nợ. Còn tại tỉnh Quảng Ngãi, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết toàn tỉnh đã cho vay đóng mới, nâng cấp 58 tàu với dư nợ 242 tỷ đồng, song có đến 80% hoạt động không hiệu quả. Nguyên nhân được cho là do nguồn lợi thủy sản ngày càng cạn kiệt. Thêm vào đó, giá nhiên liệu leo thang, trong khi, giá thủy sản lao dốc khiến các chủ tàu thua lỗ phải neo bờ.

Cử tri đề nghị tháo gỡ, Ngân hàng Nhà nước nói gì?

Trước thực tế này, nhiều ý kiến đã đề nghị phải có hướng tháo gỡ khó khăn cho “tàu 67”. Mới đây, NHNN cho biết đã nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Quảng Ngãi đề nghị các cấp, các ngành quan tâm hỗ trợ đối với trường hợp ngư dân khó khăn, không còn nhà ở sau khi bị kê biên, thu hồi nhà, đất để trả nợ ngân hàng vì không có khả năng trả nợ sau khi vay vốn đóng “tàu 67”; đề nghị có giải pháp khoanh nợ, giãn nợ để giảm bớt khốn khó cho người dân, để ổn định tình hình trật tự của địa phương.

Trả lời kiến nghị này, NHNN cho biết một số ngư dân vay vốn theo Nghị định 67 gặp khó khăn trong trả nợ vay ngân hàng do nhiều nguyên nhân cả chủ quan và khách quan. Các tổ chức tín dụng cũng đã thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ như: Cơ cấu lại thời hạn trả nợ; ưu tiên thu nợ gốc trước, nợ lãi sau; tạo điều kiện hỗ trợ ngư dân có nhu cầu chuyển đổi chủ tàu do không đủ năng lực tiếp tục đánh bắt… Tuy nhiên, một số ngư dân vẫn không trả được nợ theo thoả thuận tại hợp đồng tín dụng đã ký, nên phải thực hiện xử lý nợ theo quy định pháp luật hiện hành. Về phía các ngân hàng tham gia cho vay theo chính sách này, hiện cũng gặp khó khăn khi khách hàng không trả nợ vay, ngân hàng phải tăng trích lập dự phòng rủi ro, ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh. Vì vậy, việc hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho cả ngư dân và ngân hàng cần phải có sự vào cuộc của các bộ, ngành, địa phương trong việc triển khai đồng bộ các giải pháp hỗ trợ.

Đối với đề nghị có giải pháp khoanh nợ, giãn nợ để giảm bớt khó khăn cho người dân, ổn định tình hình trật tự của địa phương, NHNN cho biết, Nghị định 67 và các văn bản sửa đổi Nghị định 67 không có quy định về chính sách khoanh nợ. Hiện nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (đơn vị đầu mối tham mưu trình Chính phủ ban hành, theo dõi việc triển khai Nghị định 67) đang phối hợp với các đơn vị liên quan trình Chính phủ ban hành Nghị định thay thế Nghị định 67 để tháo gỡ khó khăn trong triển khai chính sách. “NHNN sẽ tích cực phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong quá trình sửa đổi, bổ sung chính sách theo Nghị định 67. Tuy nhiên, trong trường hợp đặt ra cơ chế khoanh nợ, cần tính đến nguồn ngân sách cấp bù lãi suất cho các ngân hàng trong thời gian khoanh nợ, đồng thời, cũng cần đánh giá khả năng trả nợ của ngư dân sau khi hết thời gian khoanh nợ”, NHNN thông tin. Riêng với việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, Nghị định 67 đã có quy định chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ, theo đó, các khoản cho vay đóng mới, nâng cấp tàu bị rủi ro xảy ra do nguyên nhân khách quan, bất khả kháng được các ngân hàng thương mại xem xét cơ cấu lại thời hạn trả nợ và tiếp tục được hưởng hỗ trợ lãi suất theo quy định của Bộ Tài chính tại Thông tư 123/2018/TT-BTC. Ngoài ra, để hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh, NHNN đã ban hành các thông tư chỉ đạo các tổ chức tín dụng thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ đến hết ngày 31/12/2024. Do đó, NHNN đề nghị cử tri thông tin đến ngư dân chủ động làm việc với ngân hàng để được xem xét, giải quyết theo quy định.

Hà An
.
.
.