Không có quy định cấm “tàu 67” ra khơi khi chưa mua bảo hiểm!

Thứ Bảy, 07/12/2019, 08:18
Đây là thông tin được đại diện các bên đưa ra tại buổi làm việc của Đoàn công tác của Bộ Tài chính và Hiệp hội Bảo hiểm với đại diện Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn (NN&PTNT), Chi cục Thủy sản tỉnh Bình Định và đại diện Tổng Công ty Bảo hiểm Petrolimex (PJICO), PJICO Bình Định về tình hình triển khai bảo hiểm cho ngư dân theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP (Nghị định 67) và Nghị định 17/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 67 về chính sách phát triển thủy sản (Nghị định 17).


Tại buổi làm vệc, ông Trần Văn Phúc - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo thực hiện Nghị định 67 tỉnh Bình Định cho biết, Luật Thủy sản và các văn bản hướng dẫn không quy định việc các chủ tàu phải thực hiện mua bảo hiểm trước khi ra khơi; đồng thời, bảo hiểm tàu cá cũng không phải là loại hình bảo hiểm bắt buộc, ngư dân có thể lựa chọn mua bảo hiểm theo Nghị định 67 hoặc chính sách bảo hiểm khác; mặt khác cũng không có quy định nào của pháp luật yêu cầu chủ tàu phải mua bảo hiểm cho tàu trước khi ra khơi.

Nhiều “tàu 67” bị cấm ra khơi vì chưa có bảo hiểm.

“Từ tháng 8 đến nay, ở Bình Định đang có 28 chiếc tàu không có bảo hiểm nên ngân hàng không cho ra khơi. Việc nằm chờ đã khiến ngư dân không khai thác được hải sản, không có tiền trả ngân hàng và việc thực hiện vươn khơi bám biển theo Nghị định 67 không có hiệu quả trong khi trên thực tế, có nhiều ngư dân thực hiện rất tốt theo đúng tinh thần của Nghị định 67. 

Cách đây hai tháng, Ban Chỉ đạo thực hiện Nghị định 67 cũng đã làm việc với các ngân hàng và một số DN bảo hiểm khác (Bảo Việt, Bảo Minh) để tìm cách tháo gỡ nhưng chỉ có tàu gỗ được các DN đồng ý bảo hiểm, còn các tàu sắt chưa được tháo gỡ vì đây là bảo hiểm tự nguyện, không có quy định bắt buộc các DN phải bán cho ngư dân. 

Sở dĩ các DN bảo hiểm e ngại là do gần đây có nhiều vụ chìm tàu không rõ nguyên nhân, chứng cứ cụ thể. Vấn đề này đã được tỉnh chỉ đạo, yêu cầu Công an vào cuộc điều tra, làm rõ nguyên nhân. Chiều 6-12, Ban Chỉ đạo thực hiện Nghị định 67 cũng sẽ họp để đề xuất với tỉnh các phương án xử lý vấn đề này” - ông Phúc chia sẻ.

Tại cuộc họp, ông Bùi Hữu Phú - Trưởng phòng Quản lý, giám sát bảo hiểm phi nhân thọ, Trưởng đoàn công tác đồng tình với ý kiến của Phó Trưởng ban thường trực Chỉ đạo Nghị định 67 tỉnh Bình Định về việc không có quy định nào cấm tàu ra khơi nếu chưa có bảo hiểm.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Trà Dương, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh tỉnh Bình Định cũng cho rằng quy định đối với tàu vỏ thép đóng mới theo Nghị định 67 là các chủ tàu phải cam kết mua đầy đủ bảo hiểm mới được hoạt động. Tàu vỏ thép là tài sản hình thành từ vốn vay, ngân hàng không cho tàu ra khơi khi không có bảo hiểm, bởi nếu gặp rủi ro trên biển sẽ không thu hồi được vốn vay.

Phía Bộ Tài chính cho biết ngay sau khi có thông tin phản ánh về việc PJICO dừng bán bảo hiểm tại Bình Định, Bộ Tài chính đã tổ chức làm việc trực tiếp với PJICO và đã có văn bản yêu cầu PJICO tiếp tục phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương và các cơ quan liên quan để triển khai chính sách bảo hiểm theo đúng quy định; Đồng thời, kịp thời tuyên truyền, giải thích để cho ngư dân hiểu đúng, tránh thông tin sai lệch. 

Về các vụ tổn thất gia tăng đột biến, PJICO cần phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương và các cơ quan liên quan để xác định chính xác nguyên nhân thiệt hại theo đúng quy định của pháp luật. Đồng thời, văn bản trên cũng được gửi cho UBND tỉnh Bình Định để cùng phối hợp triển khai tháo gỡ các vướng mắc cho doanh nghiệp.

Giải thích thêm về việc kéo dài thời gian cấp đơn bảo hiểm, ông Phạm Thanh Hải - Phó Tổng Giám đốc PJICO cho biết, hiện nay PJICO không có chủ trương dừng bán bảo hiểm theo Nghị định 67. 

Tuy nhiên, trong 4 năm thực hiện bảo hiểm tàu theo Nghị định 67, tổng có 33 sự cố tổn thất thì riêng năm 2019 có tới 9 sự cố, trong đó cá biệt từ tháng 7 tới tháng 10 có tới 7 sự cố chìm tàu không rõ nguyên nhân. 

Do vậy, PJICO chỉ đạo các công ty thành viên tăng cường công tác kiểm tra, đánh giá rủi ro trước khi cấp đơn bảo hiểm, đảm bảo tuân thủ quy định pháp luật, vì thế quy trình cấp đơn bảo hiểm cần nhiều thời gian hơn trước đây. 

Tổng Công ty PJICO đã yêu cầu PJICO Bình Định trước khi cấp đơn phải gửi hồ sơ về Tổng Công ty xem xét. 

Hiện nay, PJICO đã nhận được đơn xin cấp lại bảo hiểm của 12/28 tàu cá vay vốn ngân hàng theo Nghị định 67, còn 16 tàu hiện chưa gửi hồ sơ xin cấp lại. PJICO đang xem xét các hồ sơ và trong ngày 7-12-2019 PJICO sẽ tiến hành khảo sát thực tế các tàu, hồ sơ nào đủ điều kiện sẽ được cấp đơn ngay để ngư dân kịp thời vươn khơi, bám biển.

PV
.
.
.