Bộ Tài chính yêu cầu làm rõ nguyên nhân sàn HoSE tiếp tục “đơ”
Vận hành hệ thống mới, sàn HoSE vẫn tái diễn cảnh “đơ” khiến nhà đầu tư bức xúc. Bộ trưởng Bộ Tài chính đã có chỉ thị.
Trước sự cố lỗi trên sàn chứng khoán HoSE chiều 10/1 gây bức xúc và thiệt hại cho nhà đầu tư, Bộ Tài chính đã chính thức lên tiếng. Theo đó, đại diện Bộ Tài chính cho biết: "Qua theo dõi, trong phiên giao dịch chiều 10/1/2022 đã xuất hiện sự cố mất ổn định tạm thời của hệ thống Gateway (hệ thống trả thông tin thị trường về cho các công ty chứng khoán) tại Sở Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HoSE)".
Bộ trưởng Bộ Tài chính yêu cầu giao Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam (VNX) chỉ đạo các công ty thành viên khẩn trương báo cáo lãnh đạo bộ tình hình, làm rõ nguyên nhân xảy ra sự cố nêu trên ngay trong ngày 10/1/2022.
Giao HOSE khẩn trương làm việc với các công ty công nghệ thông tin để áp dụng các biện pháp kỹ thuật, phương án dự phòng nhằm khắc phục triệt để tình trạng nêu trên, đảm bảo hệ thống vận hành ổn định trong phiên giao dịch kế tiếp. Đồng thời khẩn trương nâng cấp, tăng cường năng lực tổng thể của hệ thống giao dịch trong thời gian sớm nhất, đảm bảo đáp ứng được mọi diễn biến của thị trường trong dài hạn (kể cả trường hợp khối lượng giao dịch tiếp tục tăng đột biến).
Bộ trưởng giao VNX, HoSE khẩn trương giải thích với báo chí, thông tin tới nhà đầu tư về sự cố (nếu có yêu cầu), giải pháp đã áp dụng để đưa hệ thống vận hành ổn định trở lại ngay trong phiên giao dịch chiều 10/1/2022 Sàn HoSE lại lỗi, nhà đầu tư bức xúc.
Trước đó, như Báo CAND đã đưa tin, lúc 14h10 phút chiều ngày 10/1, bảng điện tử của HoSE bị “đơ”, các cổ phiếu sàn thị giá đứng im không nhảy số, trong khi các cổ phiếu sàn HNX, UpCoM vẫn giao dịch bình thường.
Sự cố này khiến cho nhà đầu tư hoang mang bởi hơn 6 tháng tình trạng nghẽn lệnh được giải quyết thì nay hiện tượng này mới chính thức lặp lại. Điều đáng nói là khi bảng điện “đơ”, HoSE khớp lệnh khoảng 1,2 tỷ cổ phiếu, giá trị thanh khoản khoảng 35.000 tỷ đồng. Giá trị khớp lệnh này không phải kỷ lục của HoSE, bởi trước đó, kỷ lục thanh khoản của HoSE ở mức 44.000 tỷ đồng và hoàn toàn không đơ nghẽn.
Nhiều ý kiến lý giải là có thể phiên 10/1, một số cổ phiếu thị giá nhỏ và vừa có khối lượng khớp lệnh đột biến, khiến cho số lượng lệnh tăng đột biến dẫn đến hiện tượng đơ lệnh sớm. Trong khi năng lực của HOSE hiện tại chỉ đáp ứng được 2,5 triệu lệnh/phiên.
Đáng chú ý hơn, khi bảng hiển thị giá của từng cổ phiếu bị đơ nhưng chỉ số VN30 và VN-Index vẫn biến động. Điều này đẩy nhà đầu tư vào hiện tượng mua bán tù mù, không biết thị giá cổ phiếu hiện tại là bao nhiêu.
Sự cố này cũng đã có tác động tới tâm lý của nhà đầu tư, khiến cho nhiều người bán tháo cổ phiếu, việc mua bán diễn ra theo kiểu bất chấp bảng điện đơ nghẽn, giá một đằng khớp một nẻo, đẩy VN-Index giảm sâu cuối phiên. Kết phiên, VN-Index giảm 24,77 điểm (1,62%) xuống 1.03,71 điểm, HNX-Index giảm 10,95 điểm (2,22%) xuống 482,89 điểm và UPCoM-Index giảm 1,3 điểm (1,12%) xuống 114,3 điểm. Thanh khoản toàn thị trường tăng cao đột biến vượt mức 50.000 tỷ đồng.