Ăn rau sạch tiêu chuẩn quốc tế: Kỳ công của người Việt
- Rau sạch của Vingroup chính thức ra thị trường
- Loạn thị trường rau sạch
- Kinh doanh rau sạch cũng cần cái tâm
Trong khi đó, sản phẩm rau hữu cơ đang được coi là loại rau sạch với các tiêu chuẩn cao thì dường như vẫn còn khá xa lạ với người dân. Mới đây, sản phẩm rau sạch này của Việt Nam đã được chứng nhận của châu Âu. Tuy nhiên, để người tiêu dùng được sử dụng rộng rãi loại rau sạch này vẫn còn là một chặng đường dài.
Kết quả giám sát an toàn thực phẩm (ATTP) trên rau quả và thịt trong tháng 8 và tháng 9-2015 của Cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản (Nafiqad) cho thấy, qua phân tích đa dư lượng đã phát hiện 60/136 mẫu rau tại 2 thị trường TP Hồ Chí Minh và Hà Nội có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) với khoảng 30 hoạt chất thuốc. Trong số 60 mẫu có dư lượng, 14 mẫu có dư lượng thuốc BVTV vượt quá giới hạn tồn dư cho phép, cả 14 mẫu này đều ở thị trường Hà Nội và tập trung trên các loại rau ăn lá.
Từ khá lâu, tại các TP lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh… đã xây dựng Đề án RAT để cung cấp sản phẩm rau, củ an toàn cho hàng chục triệu người tiêu dùng, nhưng do khâu quản lý còn lỏng lẻo, hậu kiểm yếu kém đã liên tục dẫn tới tình trạng, các hợp tác xã sản xuất, kinh doanh RAT nhập nhèm, trà trộn RAT với rau trồng thông thường để bán cho người tiêu dùng.
Người tiêu dùng “khát” rau sạch. |
Thậm chí, một số siêu thị lớn, bếp ăn tập thể, trường học cũng bắt tay với người sản xuất để bán rau không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Cũng bởi vậy, mà lòng tin của người tiêu dùng vào sản phẩm rau, củ an toàn ngày một giảm sút.
Sản phẩm rau hữu cơ cũng đã được nhắc đến từ khá lâu với HTX Thanh Xuân (Sóc Sơn, Hà Nội), nhưng do sản lượng ít, chỉ đủ cung cấp cho các nhà hàng, bếp ăn cao cấp, do vậy sản phẩm này còn khá xa lạ với người tiêu dùng.
Lợi dụng việc “khát” rau sạch và thiếu kiến thức về sản phẩm rau hữu cơ nên đã xuất hiện tình trạng, nhà nhà kinh doanh sản phẩm rau, củ hữu cơ.
Trong khi thực tế, để được công nhận là sản phẩm rau, củ hữu cơ, quy trình sản xuất từ trang trại, đất trồng đến nước tưới, hạt giống, chăm bón đều phải tuân theo những điều kiện nghiêm ngặt mà không mấy trang trại đạt được.
Ăn rau sạch vẫn là ước mơ xa xỉ với nhiều người. |
Theo tiêu chuẩn hữu cơ của Mỹ USDA-NOP và của Châu Âu EC thì thực phẩm hữu cơ được chia thành 4 loại, như 100% organic, tức tất cả các thành phần trong sản phẩm phải được chứng minh là hữu cơ kể cả các phụ gia hỗ trợ chế biến cũng phải được chứng minh là hữu cơ; Organic tức 95% thành phần trong sản phẩm phải được chứng minh là hữu cơ ngoại trừ những thành phần thuộc danh mục cho phép hoặc không có hình thức hữu cơ được bán thương mại trên thị trường…
Đặc biệt, để chứng minh một sản phẩm đạt chuẩn hữu cơ thì toàn bộ quy trình sản xuất sản phẩm đó phải được kiểm soát chặt chẽ và tuân thủ theo đúng tiêu chuẩn hữu cơ nghiêm ngặt từ khâu nuôi trồng đến khâu chế biến, phân phối, bán hàng…
Trong đó, toàn bộ đất trồng đều qua thời gian chuyển đổi 3 năm (không sử dụng hóa chất), nguồn nước được kiểm tra đảm bảo theo quy định hữu cơ. Cây trồng được lấy giống từ tự nhiên tại địa phương, hoàn toàn không sử dụng giống biến đổi gen. Quá trình trồng và chăm sóc chỉ sử dụng phân bón và thuốc BVTV hữu cơ.
Toàn bộ trang trại và dụng cụ sản xuất đều được cách ly và có biện pháp phòng tránh nhiễm chéo hóa chất. Tất cả công nhân tại nhà máy đều được tập huấn về sản xuất hữu cơ bởi chuyên gia, việc ghi chép, lưu trữ các báo cáo hồ sơ giấy tờ đều phải tuân theo quy chuẩn hữu cơ để luôn có thể truy xuất nguồn gốc của bất kỳ sản phẩm.
Thêm vào đó, toàn bộ quy trình sản xuất, vệ sinh trong nhà máy đều tuân thủ theo quy quy định của bộ tiêu chuẩn hữu cơ. Các sản phẩm được ghi nhãn 100% Organic với logo của tổ chức Organic USDA và EU.
Ăn rau sạch vẫn là ước mơ xa xỉ với nhiều người. |
Trao đổi với chúng tôi, đại diện Công ty CP sản xuất và cung ứng rau quả sạch quốc tế (FVF), một doanh nghiệp đang tiên phong trong lĩnh vực rau hữu cơ cho biết, hiện doanh nghiệp đang sản xuất 37 loại rau, củ hữu cơ như các loại cải hữu cơ, mồng tơi, súp lơ…
Ngày 23-10-2014 đơn vị này nộp đơn xin giấy chứng nhận sản phẩm rau, củ hữu cơ theo USDA-NOP, đến ngày 16-11-2015 UC tổ chức đánh giá và đến ngày 17-12-2015 được cấp giấy chứng nhận. Theo đó, trang trại rau hữu cơ FVF tại Xóm Sơn Nam, xã Nghĩa Sơn-Nghĩa Đàn, Nghệ An với diện tích đăng ký sản xuất rau hữu cơ theo tiêu chuẩn USDA-NOP và Châu Âu là 14,2ha.
Theo Kỹ sư Trần Hoài Thanh, cán bộ kỹ thuật của công ty cho biết, do sản lượng còn hạn chế nên sản phẩm rau hữu cơ của FVF mới cung cấp cho hệ thống siêu thị Metro và một vài nhà hàng lớn.
Các cây trồng tại trang trại FVF tuân theo quy định của bộ tiêu chuẩn hữu cơ của Mỹ USDA-NOP và của châu Âu - EC 834/2007. Với một quy trình khép kín đồng bộ từ khâu nuôi trồng, chăm sóc, phân phối đến tay người tiêu dùng, rau hữu cơ thực sự là những sản phẩm an toàn chất lượng cao đáp ứng tối ưu nhu cầu lớn về loại thực phẩm này hiện nay trên thị trường.
Tuy nhiên, để rau hữu cơ đến được tay người tiêu dùng vẫn còn cần nhiều thời gian, bởi số lượng sản xuất được của các trang trại rau hữu cơ vẫn còn khá khiêm tốn, trong khi nhu cầu sử dụng của người dân nhiều gấp hàng nghìn lần.