Kinh doanh rau sạch cũng cần cái tâm

Thứ Bảy, 15/03/2014, 09:10
Kinh doanh thực phẩm gắn mác “sạch” trong thời điểm thị trường nhộm nhoạm như hiện nay rất cần chữ “tâm” của người kinh doanh. Có như vậy, những thương hiệu “sạch” mới tồn tại lâu và có chỗ đứng trong lòng người tiêu dùng.

Hiện nay, trên nhiều tuyến phố Hà Nội xuất hiện các cửa hàng kinh doanh gắn mác thực phẩm “sạch”, từ rau củ quả cho đến thịt, cá, trứng… Đây thực sự là “cơn giải khát” khi thị trường đang “nóng” với quá nhiều loại thực phẩm “bẩn”. 

Tại cửa hàng thực phẩm sạch mang tên MrSạch, số 55 đường Trần Nhân Tông, Hà Nội, rất nhiều mặt hàng khác nhau từ rau, củ, quả, đậu phụ cho đến cá, tôm, thịt, trứng… được bày bán. Những mặt hàng này đều được ghi nguồn gốc xuất xứ, ngày sản xuất cũng như hạn sử dụng rõ ràng như: cá chép có nguồn gốc từ Suối Hai, huyện Ba Vì, Hà Nội; rau xanh có nguồn gốc từ tỉnh Hà Nam; gà có nguồn gốc từ huyện Phúc Thọ, Hà Nội…

Cửa hàng thực phẩm Mr Sạch.

Do được gắn mác “sạch” nên những thực phẩm này đều có giá cao hơn ngoài thị trường. Trứng gà có giá 6.500 đồng/quả, cá chép có giá 120.000 đồng/kg, đậu có giá 2.500 đồng/miếng, rau muống có giá 12.000 đồng/bó… Theo quan sát của chúng tôi, cửa hàng thực phẩm Mr Sạch thu hút khá đông người tiêu dùng đến mua sản phẩm vào sáng 14-3. 

Cửa hàng thực phẩm sạch Viet Fresh Thanh Xuân, Hà Nội cũng thu hút khá đông sự quan tâm của các bà nội chợ. Chị Diệp - quản lý cửa hàng cũng cho biết, thời gian gần đây, sức tiêu thụ của cửa hàng tốt hơn. Đối tượng khách hàng ở đây rất đa dạng, từ các quý cô công sở đến bà nội trợ đơn thuần. Tuy nhiên, phần lớn những người tìm đến với cửa hàng đều là những người kỹ tính, yêu cầu kỹ lưỡng về nguồn gốc, xuất xứ.

Chị Thanh Hương, đường Nguyễn Quý Đức, Hà Nội cho biết: “Thực phẩm sạch có đắt hơn ngoài chợ nhưng điều quan trọng nhất chính là đảm bảo an toàn cho sức khỏe người sử dụng. Mình bỏ tiền ra mua sản phẩm phải xứng đáng. Chứ hàng hóa tại các chợ không ai kiểm tra, tù mù nguồn gốc rất đáng lo ngại”. Cũng kinh doanh thực phẩm sạch, nhưng siêu thị thực phẩm vừa và nhỏ Green Day Mart chủ yếu là hàng nhập khẩu từ Australia, Mỹ, New Zealand và các nước châu Âu. Đây là một trong những địa chỉ tin cậy mua thịt bò, thịt cừu Australia của nhiều bà nội trợ sành ăn. Giá thịt bò Australia loại đắt nhất ở đây là 1.160.000 đồng/kg (thăn nội), còn các loại gầu, bắp dưới giá chừng 350.000 - 450.000 đồng/kg...

Nếu nhìn bằng mắt thường có thể thấy, trên hầu hết các sản phẩm được bán tại các cửa hàng thực phẩm sạch đều có nguồn gốc, xuất xứ, hạn sử dụng… khá rõ ràng. Tại cửa hàng Mr Sạch, khi chúng tôi hỏi nhân viên về giấy tờ kiểm dịch, chứng minh nguồn gốc xuất xứ của thịt lợn sạch, nhân viên giải thích: “Chị yên tâm. Tất cả các sản phẩm của chúng em ở đây đều có nguồn gốc rõ ràng. Giấy tờ chúng em có đầy đủ”. Khi tôi hỏi lại làm sao phân biệt lợn sạch và lợn “bẩn” như thế nào, nhân viên này giải thích thêm: Khi chị luộc thịt lên, chắc chắn sẽ không nổi bọt. Đây là điều khác biệt giữa thịt lợn sạch và thịt lợn nuôi bằng cám tăng trọng, cám công nghiệp.

Liên quan đến những cửa hàng thực phẩm sạch trên địa bàn Hà Nội thời gian qua, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam: Hà Nội hiện có nhiều gian hàng thực phẩm sạch nhưng hầu hết chỉ có giấy phép kinh doanh, chứng nhận đạt tiêu chuẩn và chứng nhận nơi sản xuất của sản phẩm, còn quá trình vận chuyển, bỏ mối, giao dịch... lại bị bỏ ngỏ. Phải quản lý theo chuỗi, từ khâu sản xuất, chế biến đến thành phẩm, vận chuyển, giao thương... mới bảo đảm 100% thực phẩm sạch đến tay người tiêu dùng”. 

Cách đây chưa lâu, thông tin trên các phương tiện truyền thông cho thấy Công ty TNHH Sản xuất tiêu thụ rau an toàn số 5 thôn Đầm, xã Vân Nội, Đông Anh, Hà Nội nhập rau không rõ nguồn gốc từ một số chợ đầu mối lớn như Dịch Vọng, Vân Trì… sau đó gắn mác rau sạch và tuồn vào một số siêu thị tên tuổi trên địa bàn Hà Nội. Thậm chí, báo chí còn phát hiện sản phẩm “rau sạch” này còn được đưa vào tận một số trường tiểu học, THCS trên địa bàn Thủ đô.

Kinh doanh thực phẩm gắn mác “sạch” trong thời điểm thị trường nhộm nhoạm như hiện nay rất cần chữ “tâm” của người kinh doanh. Có như vậy, những thương hiệu “sạch” mới tồn tại lâu và có chỗ đứng trong lòng người tiêu dùng.

Cùng với đó, các cơ quan chức năng cần tăng cường công tác kiểm tra các khâu từ sản xuất, chế biến cho đến vận chuyển, tiêu thụ của những mặt hàng thực phẩm “sạch”, đừng để xảy ra những vụ việc đáng tiếc mới lo kiểm tra

Nguyễn Hương
.
.
.