Xử lý hình sự doanh nghiệp trốn đóng BHXH để đảm bảo công bằng

Thứ Bảy, 23/12/2017, 09:09
Từ 1-1-2018, Bộ luật Hình sự (sửa đổi) chính thức có hiệu lực, trong đó có quy định việc xử lý hình sự các doanh nghiệp trốn đóng BHXH.

Theo ông Bùi Sĩ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội thì việc xử lý hình sự để bảo đảm công bằng trong kinh doanh của các doanh nghiệp, bình đẳng trước pháp luật. Các doanh nghiệp cần làm tròn nghĩa vụ của mình. Một doanh nghiệp trốn đóng BHXH chứng tỏ mối quan hệ với người lao động không tốt và không tạo niềm tin để người lao động muốn đóng góp, xây dựng, phát triển doanh nghiệp.

Tại cuộc tọa đàm “Năm 2018, đóng và xử lý vi phạm về BHXH như thế nào?” do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức sáng 22-12, ông Bùi Sĩ Lợi cho rằng, khi luật có hiệu lực thì việc tuân thủ của các doanh nghiệp sẽ tốt hơn.

Thay đổi “nền” lương đóng BHXH

Một trong những vấn đề rất nhiều người băn khoăn hiện nay là từ ngày 1-1-2018, “nền” tiền lương đóng BHXH bắt buộc sẽ thay đổi tại các đơn vị, doanh nghiệp theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định. 

Giải thích về việc điều chỉnh lương tháng làm căn cứ đóng BHXH, Thứ trưởng Bộ LĐ- TBXH Lê Quân cho biết, từ 1-1-2018, mức đóng BHXH căn cứ vào 3 khoản gồm: mức lương, phụ cấp và các khoản thu nhập bổ sung ổn định. Chính sách này nhằm giúp tránh trường hợp người lao động khi đi làm có thể có thu nhập tốt, nhưng khi nghỉ hưu thì mức lương hưu thấp, do mức đóng BHXH thấp. 

Các vi phạm liên quan đến BHXH cho người lao động có thể sẽ bị xử lý hình sự.

Theo Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Quân, trên hợp đồng lao động, hai khoản thể hiện rõ nhất là mức lương và các loại phụ cấp như phụ cấp gắn với công việc ổn định, phụ cấp độc hại, phụ cấp chức vụ và các loại phụ cấp khác…, bao gồm phần lớn thu nhập của người lao động. 

“Từ 1-1-2018, chỉ các khoản thu nhập bổ sung khác, có tính chất ổn định mới được tính để đóng BHXH. Rất nhiều khoản không được tính vào đóng BHXH như thưởng, lương năng suất, hỗ trợ điện thoại, xăng xe, đi lại hay ăn trưa. Các khoản này là thu nhập bổ sung có tính chất phụ thuộc vào kết quả sản xuất kinh doanh, mức độ hoàn thành nhiệm vụ. Về cơ bản, mức đóng BHXH của doanh nghiệp từ 1-1-2018 không tăng nhiều, thậm chí nhiều doanh nghiệp không có sự thay đổi gì”, ông Quân giải thích. 

Ông Quân cũng thông tin thêm, mức đóng BHXH bình quân hiện nay chỉ 4,3 triệu đồng/tháng/người, cao hơn một chút so với lương tối thiểu là 3,940 triệu đồng.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sĩ Lợi cũng cho rằng, các khoản bổ sung khác từ năm 2018 về cơ bản không có gì thay đổi lớn, có thể xuất hiện một số trường hợp doanh nghiệp, tập đoàn, tổng công ty biến tiền lương thành phụ cấp có tính chất tiền lương thì phải tính toán. Còn lại, các doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị sản xuất kinh doanh có thể hoàn toàn yên tâm. 

“Phải làm sao đóng trên tiền lương thực, thu nhập để khi hôm nay chúng ta đang làm việc thì có thể tích cho mai sau, khi về già, sẽ có lương hưu cao hơn, bảo đảm đời sống tốt hơn”, ông Lợi nói.

Xử lý hình sự giúp việc tuân thủ của doanh nghiệp tốt hơn

Theo Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam Trần Đình Liệu, hiện nay có khoảng hơn 600.000 doanh nghiệp nhưng mới có khoảng 250.000 doanh nghiệp tham gia BHXH. Năm 2017, BHXH Việt Nam đã kiểm tra gần 100.000 doanh nghiệp, trong đó khoảng 60.000 doanh nghiệp gần như không còn trên địa bàn, địa chỉ sản xuất kinh doanh.

“Quốc hội đã cân nhắc rất kỹ khi đưa vào 3 Điều 214, 215, 216 trong Bộ luật Hình sự. Việc vi phạm hành vi đóng và hưởng được cụ thể hóa trong Bộ luật Hình sự thể hiện tính nghiêm trọng của các hành vi vi phạm. Các hành vi vi phạm như chiếm đoạt tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp; lập hồ sơ giả hoặc làm sai lệch nội dung hồ sơ bảo hiểm xã hội, hồ sơ bảo hiểm thất nghiệp lừa dối cơ quan bảo hiểm xã hội; dùng hồ sơ giả hoặc hồ sơ đã bị làm sai lệch nội dung lừa dối cơ quan bảo hiểm xã hội hưởng các chế độ BHXH, bảo hiểm thất nghiệp. Mức hình phạt cao nhất như chiếm đoạt tiền BHXH, BH thất nghiệp 500 triệu đồng trở lên thì bị phạt tù từ 5 năm đến 10 năm”, ông Trần Đình Liệu thông tin.

Theo Thứ trưởng Bộ LĐ- TB&XH Lê Quân thì hiện nay đã có các quy định xử phạt vi phạm hành chính và cũng không hình sự hóa tất cả các hành vi trốn đóng. Tuy nhiên, công cụ của Bộ luật Hình sự đưa vào xử phạt tù là đối với những trường hợp mà trong Luật quy định rõ. Đó là đối với trường hợp gian lận, gian dối, dùng thủ đoạn.

“Để triển khai, chúng ta đang chờ hướng dẫn thế nào là gian dối, thế nào là gian lận, dùng thủ đoạn. Như vậy, chúng ta sẽ có căn cứ pháp lý giải thích rõ hơn. Giải pháp hình sự để xử lý những trường hợp để làm gương và đòi hỏi những biện pháp mạnh hơn trong việc tuân thủ pháp luật”, ông Quân nói.

Trong khi đó, ông Bùi Sĩ Lợi cho rằng, 3 điều luật này ra đời, việc tuân thủ của các doanh nghiệp sẽ tốt hơn. Phần đóng của doanh nghiệp là trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp đối với người lao động. 

“BHXH Việt Nam có chức năng thanh tra, kiểm tra, công khai minh bạch thông tin cả chủ sở hữu lao động và người lao động đóng, trả sổ BHXH tận tay người lao động. Phải phân tích kỹ thế nào là trốn đóng, trục lợi, hành vi nào xử lý hành chính, hình sự để tránh tạo sức ép đối với doanh nghiệp”, ông Lợi phân tích. 

Tuy nhiên, ông Lợi cho rằng, biện pháp hình sự hóa là công cụ cuối cùng. Để đảm bảo quyền lợi cho người lao động, cần xây dựng Luật Tố tụng lao động để tất cả các mối quan hệ tranh chấp lao động sẽ đưa ra tòa. Đây là kinh nghiệm của nhiều nước trên thế giới đang thực hiện.

Phan Hoạt
.
.
.