Xăng dầu giảm giá mạnh, doanh nghiệp vẫn... làm ngơ việc giảm giá

Thứ Sáu, 26/12/2014, 10:15
Sau hơn 10 lần giảm giá sâu liên tiếp, giá bán lẻ xăng, dầu đã giảm ở mức kỷ lục với tổng mức giảm của xăng là 7.760 đồng/lít; dầu diezen giảm được 5.830 đồng/lít, dầu hoả cũng đã giảm tới 5.550 đồng/lít và dầu madut giảm được tổng cộng 5.560 đồng/kg.
>> Khó chấp nhận việc xăng giảm 9 lần, DN vận tải chưa chịu giảm cước

Tuy nhiên, sau nhiều lần xăng, dầu giảm giá mạnh, thì có một nghịch lý vẫn cứ tồn tại bấy lâu là: xăng dầu vừa rục rịch tăng, các DN vận tải, nhà sản xuất đã hè nhau tính toán việc nâng giá cả hàng hóa dịch vụ. Còn khi xăng dầu giảm giá, việc giảm giá bán lẻ hàng hóa dịch vụ hầu như vẫn bị các DN làm ngơ. 

Bị tác động trực tiếp khi giá xăng, dầu tăng giảm, thì dù được cho là sớm tự giác công bố giảm giá vé, nhưng ngành đường sắt cũng mới chỉ công khai thông báo việc giảm giá vé với riêng vé tàu Tết với mức giảm khoảng 17% so với giá vé hiện tại. Còn giá vé tàu ngày thường sau các đợt giảm giá xăng dầu vẫn hầu như chưa được đề cập tới.

Tại bến xe khách liên tỉnh Miền Đông - TP.HCM, do chủ yếu tổ chức vận tải khách đường dài, giá cước phí cao nên mức giảm giá vé sẽ rất đáng kể với hành khách. Song theo ông Thượng Thanh Hải, Phó Giám đốc bến, đến thời điểm này mới chỉ có 80 trong số 220 DN, nhà xe hoạt động ở bến thực hiện giảm giá vé.

Về cước phí vận chuyển hàng hóa, ông Thái Văn Chung, Tổng thư ký Hiệp hội vận tải hàng hóa TP.HCM khẳng định, trong hợp đồng vận chuyển giữa DN vận tải và chủ hàng đều có điều khoản ràng buộc tăng giảm giá cước khi giá dầu tăng giảm 5% trở lên. Dù như vậy, nhưng việc tự giác giảm giá cước vận chuyển hàng hóa theo giá dầu cũng chỉ xảy ra ở các DN vận tải có hợp đồng vận chuyển dài hạn, thường xuyên với chủ hàng. Còn theo phản ánh của nhiều chủ hàng nhỏ, lẻ ở cảng Cát Lái, thì gần đây giá cước vận chuyển hàng hóa lại tăng chứ không giảm. Lý do của việc tăng giá cước này được nhiều chủ xe giải thích là do không dám chở quá tải như trước kia do bị kiểm soát chặt về tải trọng.

Với các hãng hàng không, trong khi từ lâu giá dầu máy bay Jet A1 được Vinapco bán tại sân bay Tân Sơn Nhất cho các chuyến bay nội địa chỉ ở mức 10 ngàn đồng/kg thì trần vé hạng phổ thông chặng Tân Sơn Nhất đi Nội Bài hiện vẫn được các hãng giữ ở mức trên dưới 3 triệu đồng/lượt và việc giảm giá vé máy bay các chặng nội địa vẫn cứ bị các hãng ngó lơ. Phải chờ đến khi Cục Hàng không có văn bản kiến nghị giảm tới 15% mức trần giá vé máy bay nội địa hạng phổ thông, việc giảm giá vé mới được đưa ra xem xét. Đồng thời, cũng phải chờ đến khi Bộ GTVT chỉ đạo, hành khách đi các tuyến bay độc quyền như TP Hồ Chí Minh đi Côn Đảo mới có cơ hội được hưởng giá vé giảm theo giá xăng dầu.

Xăng dầu giảm giá mạnh, nhưng nhiều DN vận tải khách chưa giảm trần giá vé.

Hãng vận tải không tự giác, nên để kéo được số lượng DN nêu trên giảm giá cước vận chuyển, từ cuối tháng 11 đến nay Bộ Tài chính đã có 3 lần tổ chức đi kiểm tra trực tiếp hoặc ra văn bản yêu cầu kiểm soát giá cước vận tải.

Gần đây nhất, vào ngày 23/12 vừa qua, Bộ chủ quản này đã phải tiếp tục có văn bản gửi Bộ GTVT và các tỉnh, thành về việc tiếp tục tăng cường quản lý giá cước vận tải bằng xe ôtô. Giá xăng dầu giảm sâu liên tục trong thời gian gần đây nhưng nhiều doanh nghiệp sản xuất, cung ứng hàng tiêu dùng đầu mối tại TP Hồ Chí Minh lại đồng loạt cho rằng: giá hàng hóa phục vụ Tết cũng chưa thể giảm ngay bởi lý do nguyên liệu sản xuất đã được nhập từ trước, khi xăng dầu còn cao. Nhưng sau các đợt xăng dầu giảm giá vừa qua, ít khi thấy các nhà sản xuất tự giác công bố giảm giá bán hàng hóa theo giá xăng dầu.

Ngược lại, việc giảm giá hay khuyến mại khủng để kích thích tiêu dùng trong thời điểm kinh tế khó khăn, giá xăng dầu giảm mạnh lại chủ yếu xuất phát từ các hệ thống phân phối hàng hóa sỉ, lẻ lớn; có đủ sức vận động, thậm chí là ép nhà sản xuất phải giảm giá bán để giúp người tiêu dùng được hưởng lợi. Nghịch lý này xuất phát từ sự thiếu tự giác của nhà sản xuất, cung cấp dịch vụ, hàng hóa.

Đ.Thắng
.
.
.