Khó chấp nhận việc xăng giảm 9 lần, DN vận tải chưa chịu giảm cước

Thứ Ba, 11/11/2014, 17:18
Tính từ tháng 8 đến nay, giá xăng dầu đã giảm lần thứ 9 liên tiếp, mức giảm giá xăng tổng cộng 4.250 đồng/lít. Tuy nhiên, tại Hà Nội, chỉ có một vài doanh nghiệp giảm giá theo kiểu nhỏ giọt, còn lại hầu hết các doanh nghiệp vận tải khách, taxi vẫn ở thế “giậm chân tại chỗ”.

Theo thống kê từ Hiệp hội Vận tải Hà Nội, trong năm qua, sau khi giá xăng tăng, có 3 doanh nghiệp taxi đã tăng giá cước là Taxi Group, taxi Mai Linh và taxi Vạn Xuân. Thế nhưng, sau 8 lần giảm giá xăng dầu liên tiếp, cho đến thời điểm ngày 10/11, tại Hà Nội mới chỉ có taxi Group là giảm giá cước. Song, mức giảm giá cũng khá nhỏ giọt: 300 đồng/km từ lúc mở cửa đến km 30. Cước mở cửa (14 nghìn đồng/km); cước đường dài (từ km 31 trở đi) và cước đi/về sân bay Nội Bài - Hà Nội của hãng này vẫn được giữ nguyên. Còn lại hai hãng Mai Linh và Vạn Xuân vẫn án binh bất động. Một lái xe của taxi Vạn Xuân cho hay, giá cước hiện nay là 12.500đ/km (20km đầu tiên), từ km21 giảm giá dần. Giá cước này đã được nâng lên sau khi giá xăng tăng, thế nhưng, cho đến thời điểm này, hãng chưa có động thái gì về việc giảm giá.

Khi được hỏi, vậy giá xăng giảm bằng thời điểm 2 năm trước, hãng không giảm giá cước cho khách, thì liệu khách hàng có thiệt thòi, người lái xe này cho hay, nếu có giảm thì làm các thủ tục chắc cũng phải 1 tháng nữa ?! Còn về phía taxi Mai Linh, đại diện công ty cũng cho hay, ở thị trường cao điểm như Hà Nội, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh… thì Mai Linh đang cân đối, hoàn tất thủ tục giảm giá với mức giảm dự kiến 500-600 đồng/km.

Theo ông Đỗ Quốc Bình, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội, một số hãng taxi khác cũng mới chỉ “đang cân đối kế hoạch giảm giá cước vận tải”, nhưng cũng có doanh nghiệp khẳng định sẽ không điều chỉnh. Ông Bình lý giải, từ tháng 6/2013 - 4/2014, giá xăng tăng liên tục hàng chục lần, một số doanh nghiệp taxi như Mai Linh, Vạn Xuân, Taxi Group… có tăng giá và họ cũng đã, đang có kế hoạch giảm giá. Còn những doanh nghiệp như Thanh Nga, Ba Sao, Hoàn Kiếm… hầu như vẫn giữ nguyên mức cước 12 nghìn đồng/km tới nay, thì dù xăng dầu giảm giá, họ cũng có quyền giữ giá “bình ổn” để xem xét thị trường.

Nhiều hãng taxi vẫn đang “nghe ngóng” trong việc giảm giá cước.

Tới thời điểm này, khối doanh nghiệp vận tải khách và hàng hóa phía Bắc vẫn “án binh bất động”. Ông Thân Văn Thanh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Việt Nam cho biết, Hiệp hội vẫn chưa nhận được thông tin giảm giá cước từ các doanh nghiệp vận tải. “Hiệp hội Vận tải Việt Nam đã có văn bản đôn đốc các doanh nghiệp tính toán, cơ cấu lại giá đầu vào, để giảm giá cước khi có thể. Tuy nhiên, việc cân đối, cơ cấu này cần có thời gian và độ trễ nhất định”, ông Thanh cho hay.

Theo ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải thành phố Hà Nội, với taxi là loại phương tiện nhạy cảm, thường khi giá xăng dầu tăng ở mức khoảng 7% thì các hãng mới tăng giá cước. Nhưng khi giá xăng dầu giảm, thì việc giảm giá cước lại rất cầm chừng, đặc biệt là ở các hãng taxi lớn. Từ đầu năm đến nay, do mức tăng giá của những lần điều chỉnh không cao, nên không tác động đến giá cả của các hãng taxi. Còn với tuyến cố định liên tỉnh, gần như các hãng vận tải của Hà Nội từ năm ngoái đến nay không tăng giá, bởi muốn tăng giá các hãng vận tải cũng phải làm rất nhiều thủ tục, nên họ rất thận trọng. Xuất phát từ thực tế đó, ông Bùi Danh Liên cho rằng, lần điều chỉnh giá xăng, dầu này sẽ không tác động nhiều đến giá cả của hoạt động vận tải trên địa bàn. Cũng tương tự với lập luận của vị đại diện Bộ Công Thương, ông Bùi Danh Liên cũng đưa ra nhận định: việc giảm giá lần này sẽ không tác động đến giá cả hàng hóa nói chung trên thị trường, vì trong yếu tố cấu thành giá của hàng hóa trên cơ sở giá vận tải là rất nhỏ. Bên cạnh đó, trong hoạt động vận tải, xăng dầu chỉ chiếm khoảng 40% yếu tố chi phí, cho nên việc tăng giảm giá xăng dầu có ảnh hưởng không đáng kể. Trong khi đó, thời gian qua, các yếu tố về ảnh hưởng đến giá cũng đang tăng lên, như bảo hiểm, kiểm tra sức khỏe định kỳ lái xe; các loại phí; lương cho cán bộ nhân viên v.v… Vì vậy không thể đơn độc điều chỉnh giá cả vận tải xuống khi xăng dầu điều chỉnh xuống – ông Liên cho biết.

Nói là vậy, nhưng qua theo dõi sau nhiều lần giá xăng tăng, các doanh nghiệp kinh doanh vận tải khách, cũng như taxi, chỉ cần 3-4 ngày làm thủ tục là giá cước đã tăng theo. Thế nhưng, lần này, với 9 lần giảm giá với hơn 4.000 đồng, mà nhiều doanh nghiệp vẫn viện cớ thời gian làm thủ tục lâu, hay như nghe ngóng, để rồi nửa tháng, thậm chí cả tháng sau vẫn chưa giảm giá cước, là điều khó chấp nhận. Vẫn biết rằng, giá cước vận tải cũng được điều tiết theo doanh nghiệp và thị trường. Thế nhưng, ngoài lợi ích của doanh nghiệp, cũng cần tính đến lợi ích của người dân.

Trao đổi với ông Thân Văn Thanh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Việt Nam ngày 10/11, chúng tôi được biết, sau khi giá xăng giảm sâu, Hiệp hội đã có văn bản gửi các doanh nghiệp vận tải địa phương cần phải xem xét, tính toán lại để kê khai giá mới với các bến xe trên các tuyến. Theo lý giải của ông Thanh thì sở dĩ một số doanh nghiệp vận tải chưa giảm cước là bởi khi xăng tăng giá, nhiều doanh nghiệp không tăng giá cước. Tuy nhiên, hiện một số doanh nghiệp đã rục rịch giảm giá như taxi Mai Linh, xe vận tải từ miền Nam ra miền Trung. Theo tìm hiểu của chúng tôi thì số doanh nghiệp rục rịch có kế hoạch giảm giá còn quá ít, mà chủ yếu vẫn “án binh bất động”. “Khó khăn nhất là taxi và xe khách liên tỉnh giảm giá phải đóng lại giá vé, đặt lại đồng hồ tính cước, ký lại hợp đồng với chủ hàng nên không thể làm ngay được”, ông Thanh cho biết. Xem ra lý giải này chưa thực sự thuyết phục bởi cũng như lúc giá xăng tăng cao, việc tăng cước vẫn diễn ra ngay sau đó, doanh nghiệp có kêu khó in giá vé mới đâu.

Tính đến thời điểm này mới chỉ có một số ít doanh nghiệp taxi giảm giá cước nhưng ở mức “nhỏ giọt”. Tại Hà Nội, taxi Group là doanh nghiệp đầu tiên chính thức thông báo giảm giá cước từ ngày 7/11 với mức giảm khá “nhỏ giọt” là 300 đồng/km từ sau giờ mở cửa đến km30. Cước mở cửa 14.000 đ/km và cước đường dài (từ 31km trở đi) và cước đi/về sân bay Nội Bài – Hà Nội của taxi Group vẫn giữ nguyên. Taxi Mai Linh cũng điều chỉnh giảm giá cước từ các lần giảm giá xăng trước nhưng ở thị trường thấp điểm là Quảng Bình (giảm 2.500 – 3.000 đ/km); Thanh Hóa và Nghệ An giảm khoảng 1.000 đ/km. Cả hai doanh nghiệp này đều tăng giá cước ở lần tăng giá xăng trước.

Trần Hằng

Đặng Nhật
.
.
.