Vốn FDI vào Việt Nam tăng nhưng phải chọn lọc
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 5 tháng đầu năm nay, thu hút FDI đạt kỷ lục về giá trị vốn đầu tư đăng ký so với cùng kỳ trong vòng 4 năm trở lại đây. Cụ thể, tính đến ngày 20-5-2019, tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 16,74 tỷ USD, tăng 69,1% so với cùng kỳ năm 2018. Giải ngân vốn FDI ước đạt 7,3 tỷ USD, tăng 7,8% so với cùng kỳ năm 2018.
Trong tổng vốn FDI Việt Nam thu hút được, vốn FDI từ Trung Quốc là 2 tỷ USD, chiếm 12%, xếp thứ 4 trong các quốc gia và vùng lãnh thổ sau Hồng Kông (Trung Quốc), Hàn Quốc, Singapore. Nếu tính riêng vốn đăng ký cấp mới, Trung Quốc tiếp tục là quốc gia dẫn đầu, với tổng vốn đăng ký cấp mới lên tới 1,56 tỷ USD, gấp 5,5 lần so với cùng kỳ năm 2018.
Trong những năm gần đây, nhiều tập đoàn tầm cỡ của Trung Quốc ngày càng quan tâm đến Việt Nam. Trong 5 tháng đầu năm 2019, đã có 2 dự án quy mô lớn được các nhà đầu tư Trung Quốc đăng ký đầu tư vào Việt Nam là Dự án Chế tạo lốp xe radian toàn thép ACTR với tổng vốn đăng ký 280 triệu USD, đầu tư tại Tây Ninh và Dự án Lốp Advance Việt Nam của nhà đầu tư Guizhou Advance Type Investment Co.,Ltd, với tổng vốn đăng ký 214,4 triệu USD…
Trước dòng vốn FDI từ Trung Quốc đổ vào Việt Nam, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm cho biết, hiện tượng này phản ánh cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung là một trong các yếu tố tác động đến dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam. Mặt khác, do Việt Nam là thành viên và đã cam kết thực hiện các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) cũng là một yếu tố thu hút dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài của các nước và vùng lãnh thổ, trong đó có Hồng Kông và Trung Quốc đầu tư vào Việt Nam để hưởng lợi về chính sách thuế của các hiệp định này.
TS Cấn Văn Lực cho rằng, đã và đang có xu hướng chuyển dịch đầu tư từ Trung Quốc sang ASEAN, trong đó Việt Nam là ưu tiên số 1. Những triển vọng của Việt Nam về tăng trưởng kinh tế khá cao, chính trị ổn định, chi phí và kỹ năng lao động cạnh tranh, môi trường đầu tư ngày càng thông thoáng... đã thu hút dòng vốn FDI từ doanh nghiệp Trung Quốc và nhà đầu tư nước ngoài đang làm ăn tại Trung Quốc.
Việt Nam cần đặt ra những hàng rào để ưu tiên công nghệ tốt trong thu hút FDI. |
Theo PGS,TS. Phạm Thế Anh, Kinh tế trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), sự chuyển dịch của dòng FDI vào Việt Nam nhằm tận dụng cơ hội từ CPTPP, EVFTA và phòng ngừa rủi ro từ căng thẳng thương mại Mỹ - Trung là một điểm cần được chú ý trong năm 2019. Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung hứa hẹn những cơ hội tích cực nếu như Việt Nam có thể nắm bắt. Thế nhưng, thách thức cho Việt Nam là không nhỏ khi cơ sở hạ tầng chưa sẵn sàng tiếp nhận làn sóng chuyển dịch sản xuất, cũng như bất lợi khi không có lợi thế quy mô nền kinh tế như Trung Quốc.
Về lâu dài, khi chuỗi cung ứng sản xuất dịch chuyển từ Trung Quốc tới các nước láng giềng, Việt Nam cần thúc đẩy mạnh hơn công cuộc cải cách thể chế, môi trường kinh doanh và chất lượng lao động để nắm bắt cơ hội này. Cạnh đó, Việt Nam cũng cần sớm rà soát lại các chính sách ưu đãi về thuế hay đất đai đối với FDI, nhằm tạo ra môi trường bình đẳng hơn với các doanh nghiệp trong nước.
Bên cạnh đó, FDI từ Trung Quốc mang tính hai mặt. Một mặt, dòng vốn đó tạo nguồn vốn cho nền kinh tế, mặt khác, các doanh nghiệp FDI Trung Quốc vào Việt Nam để tận dụng các lợi thế về xuất xứ hàng hóa khi Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại tự do. Đơn cử như trong lĩnh vực dệt may, nếu các doanh nghiệp nước ta không tăng được khả năng cạnh tranh, lợi ích sẽ lại thuộc về các doanh nghiệp FDI Trung Quốc.
Đồng thời, các dòng vốn FDI từ Trung Quốc vào Việt Nam có thể dẫn theo nguy cơ về ô nhiễm môi trường, do tiêu chuẩn về môi trường của Việt Nam đang thấp hơn một số quốc gia khác. Thêm nữa, các doanh nghiệp FDI Trung Quốc vào Việt Nam mang theo máy móc, nguyên vật liệu và lao động, nên Việt Nam cần kiểm soát tốt hơn, bởi có thể dẫn đến gia tăng thâm hụt thương mại giữa hai nước, dẫn đến vi phạm các cam kết về xuất xứ hàng hóa khi Việt Nam tham gia các FTA.
Ông Nguyễn Bích Lâm cũng cho rằng, thu hút vốn FDI của các địa phương cần theo hướng chọn lọc các dự án có chất lượng, giá trị gia tăng cao và công nghệ hiện đại, tiên tiến. Không để nhà đầu tư tìm đến Việt Nam với mục tiêu tận dụng thị trường lao động giá rẻ, chi phí dịch vụ tiện ích thấp, đặc biệt không để Việt Nam là điểm đến của các nhà đầu tư nước ngoài nhằm phân tán rủi ro trong chiến tranh thương mại.
Bên cạnh đó, cần hoàn thiện cơ chế, chính sách để tạo động lực mới cho thu hút và sử dụng đầu tư nước ngoài vào các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, khu công nghệ cao, khu nông nghiệp công nghệ cao….