Việt Nam lãng phí năng lượng có nguyên nhân do giá?

Thứ Hai, 19/12/2016, 09:15
Với việc các nguồn năng lượng sơ cấp trong nước không đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng, Việt Nam đang chuyển dần từ nước xuất khẩu sang nhập khẩu năng lượng với việc phải nhập than từ 2017 và dự kiến nhập khí từ 2023.

Trong bối cảnh thiếu năng lượng, việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả vẫn bị coi nhẹ. Đây là nhận định của Bộ Công thương trong tổng kết 5 năm thực hiện Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả diễn ra sáng 16-12.

Cùng với tăng trưởng của nền kinh tế (trung bình 5,91% giai đoạn 2011 – 2015), nhu cầu về năng lượng của nước ta cũng tăng rất nhanh, khoảng 11%/năm. Theo báo cáo thống kê năng lượng của Viện Năng lượng (Bộ Công Thương), tổng tiêu thụ năng lượng cuối cùng toàn quốc năm 2015 đạt khoảng 54,080 triệu tấn dầu quy đổi (TOE), tương ứng với cường độ năng lượng (lượng năng lượng tiêu thụ trên một đơn vị GDP) là 439 kg TOE/1.000 USD GDP – mặc dù đã giảm đáng kể, vẫn ở mức rất cao so với khu vực và thế giới (cao hơn 1,4 lần so với Malaysia và hơn 5 lần so với Nhật Bản).

Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, các ngành công nghiệp Việt Nam có tiềm năng kỹ thuật về tiết kiệm năng lượng lớn, từ 25 - 40%. Xét về lợi ích tổng thể của xã hội, việc thực hiện các giải pháp tiết kiệm năng lượng cũng có những lợi thế lớn về mặt kinh tế. Theo ước tính, chi phí bỏ ra để tiết kiệm được 1 kWh điện chỉ bằng ¼ so với chi phí phải bỏ ra để sản xuất thêm lượng điện năng đó.

Cũng theo Viện Năng lượng, tỷ lệ tiết kiệm năng lượng cộng dồn cho cả giai đoạn 2011- 2015 đạt 5,65%, tương đương với tổng năng lượng tiết kiệm được trong giai đoạn là 11,261 triệu TOE. Tuy nhiên, dư địa cho việc tiết kiệm còn rất nhiều, trong khi việc thực hiện vẫn chưa thực sự hiệu quả.

Bộ Công Thương cho rằng giá điện Việt Nam còn thấp so với khu vực là một nguyên nhân khiến sử dụng còn lãng phí.

Bộ Công Thương đã chỉ ra 9 nhóm vấn đề còn tồn tại trong 5 năm Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả có hiệu lực, đó là: Việc tuân thủ luật còn chưa nghiêm; nhận thức của cộng đồng và DN còn hạn chế, chưa sẵn sàng tiếp cận với các giải pháp tiết kiệm năng lượng; việc triển khai thực hiện danh mục phương tiện, thiết bị tiết kiệm năng lượng được trang bị, mua sắm đối với cơ quan, đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước còn nhiều hạn chế; 

thực hiện lộ trình dán nhãn năng lượng gặp một số khó khăn về cơ sở hạ tầng thử nghiệm, thiếu hụt thiết bị thử nghiệm hiệu suất năng lượng, nguồn nhân lực và kinh phí triển khai (hiện trên toàn quốc chỉ có 1 phòng thử nghiệm hiệu suất năng lượng cho động cơ điện đặt tại Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng 1 (Quatest 1) tại Hà Nội, khiến các DN muốn dán nhãn phải đối mặt với nhiều nhiêu khê, khi phải vận chuyển các động cơ có kích thước, khối lượng lớn tới Quatest 1 để thử nghiệm); việc kiểm toán năng lượng chưa đạt hiệu quả cao như mong muốn...

Đáng chú ý nhất, Bộ Công thương cho rằng, giá năng lượng còn thấp đã làm giảm động lực tiết kiệm của người sử dụng.

Bộ Công thương cho rằng: Hiện giá năng lượng nói chung và giá điện nói riêng của Việt Nam tương đối thấp so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Giá bán lẻ điện bình quân hiện nay là 1.622 đồng/kWh, tương đương với 7,31 US cent/kWh, thấp hơn đáng kể nếu so với Trung Quốc (10,04 cent/kWh), Thái Lan (11,81 cent/kWh), chỉ cao hơn Indonesia (6,72 cent/kWh) là quốc gia còn duy trì cơ chế bao cấp giá năng lượng.

“Giá năng lượng thấp đang là một rào cản cho việc triển khai các giải pháp tiết kiệm năng lượng, làm giảm hiệu quả kinh tế và giảm động lực của doanh nghiệp và người dân trong việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả”, Bộ này nhận định.

Bộ Công Thương cũng cho biết: Trong thời gian ngắn sắp tới, các nguồn năng lượng sơ cấp trong nước sẽ không đủ khả năng đáp ứng nhu cầu tiêu thụ năng lượng của nền kinh tế, nước ta sẽ chuyển từ một nước xuất khẩu năng lượng sang nhập khẩu thuần về năng lượng. 

Theo đó, nước ta sẽ bắt đầu phải nhập khẩu than cho phát điện từ năm 2017 và dự kiến sẽ nhập khẩu khí hóa lỏng từ năm 2023 để đảm bảo nguồn năng lượng cung ứng cho nền kinh tế. 

Trong bối cảnh mới đây, Quốc hội đã phê chuẩn về việc dừng các dự án điện hạt nhân Ninh Thuận thì việc tìm ra các giải pháp cung ứng đầy đủ nguồn năng lượng cho phát triển kinh tế trong tương lai đang là vấn đề quan trọng và cấp bách. Để giảm thiểu sự phụ thuộc vào nguồn năng lượng nhập khẩu thì việc phát triển năng lượng tái tạo và thực hiện các giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả sẽ ngày càng đóng vai trò quan trọng.

Vũ Hân
.
.
.