Chúng ta đang duy trì một nền kinh tế tiêu tốn năng lượng

Thứ Tư, 16/11/2016, 08:11
Trước những lo ngại về tình hình thiếu điện miền Nam dấy lên trong thời gian gần đây, tại tọa đàm "Cung ứng điện giai đoạn 2016-2020: Nguy cơ thiếu điện và giải pháp" diễn ra sáng 15-11, ông Đinh Thế Phúc, Phó Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực (Bộ Công thương) khẳng định sẽ không để miền Nam thiếu điện.

Tuy nhiên, giải quyết được vấn đề trước mắt đó, không có nghĩa là việc cung ứng điện trong dài hạn không phải một thách thức.

“Chúng tôi sẽ không để miền Nam thiếu điện”

“Mấy năm vừa rồi và một vài năm tới nữa, độ dự phòng nguồn điện ở phía Nam là rất thấp. Khi làm Quy hoạch điện VII, chúng tôi đã rất chú ý bổ sung nguồn điện miền Nam, nên đã hình thành các trung tâm điện lực ở khu vực này. Trước đây có Phú Mỹ, hiện nay có Vĩnh Tân, Duyên Hải, nhưng tốc độ tăng trưởng điện ở Việt Nam cao, nên các dự án phải có cơ chế đặc biệt và các nhà đầu tư phải khẩn trương đưa vào phát điện để cân bằng cung cầu. Vậy Việt Nam có bị thiếu điện không? Tôi khẳng định là chúng tôi không để thiếu điện miền Nam nói riêng và toàn quốc nói chung”, ông Đinh Thế Phúc nói. 

“Lưới điện của chúng ta là đồng nhất cả hệ thống quốc gia, nên giữa các miền vẫn có đường dây truyền tải hỗ trợ lẫn nhau để giảm thiếu điện khu vực. Đường dây 500 kV nối miền Trung với miền Nam có 3 mạch, khả năng truyền tải 4000 MW; đường đây Bắc - Trung 2 mạch và EVN đang đầu tư mạch 3. Chưa kể các đường dây 220 kV. Chúng tôi đã lập kế hoạch cung cầu điện năm 2017 và sẽ tiếp tục cân đối để có một kế hoạch vận hành tối ưu”, ông Phúc khẳng định.

Tuy nhiên, nói vậy không có nghĩa là việc thiếu điện không phải một nguy cơ, đặc biệt trong dài hạn. 

Ông Franz Genner, Trưởng nhóm chuyên gia Năng lượng của Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết: “Việt Nam cần 5 tỷ USD mỗi năm đầu tư cho nguồn điện, trong đó 70% ở khu vực tư nhân. Với tình trạng hiện nay, thu hút như vậy là rất khó. Trước đó, nguồn đầu tư cho điện 1/3 dựa vào ODA, nhưng với mức độ phát triển như hiện nay, Việt Nam phải nghĩ đến sự hữu hạn trong hỗ trợ từ nguồn vốn này. Thách thức là vì cần tăng trưởng điện 10%/năm, nên cần thêm công suất từ nhiệt điện. Thách thức là quy hoạch điện dựa rất nhiều vào than nhập khẩu. 

Kể cả 18 GW của điện gió và điện mặt trời trong quy hoạch cho những năm tới cũng không dễ có được, nếu không đạt sẽ cần thêm nhiều điện than. Đây lại liên quan đến giá điện và chi phí sản xuất. Giá hiện nay 7,6 cent/kWh thì rất khó để thu hút đầu tư điện. Theo quan điểm của WB, giá điện hiện nay không đủ cao để đầu tư điện cho tương lai”.

Giá điện không phải là vấn đề tăng - giảm

Ông Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng: “Chúng ta đang đối mặt với nhiều vấn đề gay gắt, như đầu tư rất lớn, khả năng cung ứng vốn lại ít, và còn hàng loạt vấn đề khác đặc biệt là vấn đề môi trường và hiệu quả. Bàn đến vấn đề điện phải bàn đến cung điện, nhưng thiếu điện còn do dùng điện chứ không chỉ do cung cấp điện, nên tôi cho rằng, cần phải thấy mức độ gay gắt của vấn đề để xét cả 2 chiều”. 

Nói về giải pháp cho tình trạng này, ông Trần Đình Thiên nhấn mạnh, phải tìm giải pháp chiến lược, chứ cứ đuổi theo (nhu cầu) thì cạn kiệt hết. “Trước tiên, phía tiêu dùng năng lượng, chúng ta duy trì một nền kinh tế tiêu tốn năng lượng, nên phải gồng lên để cung ứng. Cứ làm xi măng, làm thép... đủ các loại sử dụng năng lượng tốn kém. Tư duy đó phải thay đổi và phải là trọng tâm thay đổi mô hình tăng trưởng”.

Dự báo khả năng bùng nổ của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam tương đối cao, do khu vực này hiện vẫn chiếm gần 50% GDP quốc gia, và sẽ là trung tâm của hội nhập kinh tế quốc tế (với 2 chỉ báo quan trọng là cảng trung chuyển quốc tế Cái Mép - Thị Vải và sân bay Long Thành), ông Trần Đình Thiên nhận định điện sẽ là một yếu tố lớn cho phát triển khu vực. 

“Có 2 vấn đề phải giải quyết, đó là phải tạo được một cân bằng khác giữa cung với cầu và phải tiếp cận lại về giá điện. Vấn đề không phải là tăng hay giảm giá, mà là cơ chế tính giá. Chúng ta làm thị trường ba chục năm nay, nhưng cứ đụng đến giá là làm chệch đi, lại bàn đến tăng - giảm, chứ không phải cơ chế giá. Với một mức giá hợp lý, người ta sẽ đầu tư vào điện mà không cần kêu gọi tinh thần yêu nước cao cả nào cả. Đừng lo ngại thiếu vốn. Thời buổi toàn cầu hóa, không có gì thiếu hết, chỉ thiếu chính sách tốt”, ông Thiên nói.

Vũ Hân
.
.
.