Vì sao doanh nghiệp Việt không chen được chân vào chuỗi?

Chủ Nhật, 08/01/2017, 08:50
Với kết quả xuất khẩu tăng trưởng 8,6%, ước đạt 175,9 tỷ USD, xuất khẩu năm 2016 của Việt Nam tuy không đạt 10% như kế hoạch, nhưng cũng được đánh giá là không quá tệ. Tuy nhiên, sự không quá tệ này chủ yếu do tăng trưởng của nhóm công nghiệp chế biến, chế tạo, mà nổi bật nhất là Samsung một mình đóng góp gần 40 tỷ USD, chiếm đến gần 23% tổng kim ngạch.

Kết quả xuất khẩu năm 2016 có sự vui mừng khi cơ cấu hàng xuất có sự dịch chuyển theo hướng mơ ước – tỷ trọng ngành khai khoáng giảm, công nghiệp chế biến chế tạo tăng. Tuy nhiên, sự mừng chưa hẳn là mừng, bởi ngành khai khoáng giảm tỷ trọng chủ yếu do giảm giá và ế hàng; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng lại chủ yếu ở khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, tiêu biểu nhất là Samsung. Đóng góp đến gần 23% kim ngạch, tăng trưởng xuất khẩu sẽ rất khó nói nếu không có Samsung. Đóng góp đến hơn 70% kim ngạch xuất khẩu (xuất siêu 23,7 tỷ USD, trong khi khối doanh nghiệp trong nước lại nhập siêu đến hơn 21 tỷ USD) bức tranh tổng thể của Việt Nam sẽ thực sự rất xấu nếu không có khối doanh nghiệp FDI.

Dù Chính phủ đã nhiều lần khẳng định không phân biệt trong thành phần kinh tế, nhưng sự mất cân đối trong phát triển là điều không thể không tính đến trong dài hạn. Với tỷ trọng ngày càng lớn của cá nhân Samsung trong bức tranh xuất nhập khẩu của Việt Nam, nhập siêu của Việt Nam từ Hàn Quốc cũng có xu hướng tăng lên (nhập khẩu đạt 31,7 tỷ USD, trong đó nhập siêu 20,2 tỷ USD, tăng 8%), trong khi Trung Quốc tuy vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất (gần 50 tỷ USD), nhưng tốc độ có chững lại, chỉ còn nhập siêu 28 tỷ USD, giảm gần 15%.

Nhận định về những tồn tại của xuất khẩu, Bộ Công Thương cho biết: Tăng trưởng vẫn chủ yếu ở nhóm hàng do khối doanh nghiệp FDI sản xuất, khi nhóm này có sự biến động, ít nhiều cũng đã có sự ảnh hưởng đến việc gia tăng kim ngạch xuất khẩu chung của cả nước. Tỷ lệ nhập khẩu lớn về nguyên, nhiên liệu, nhất là nguyên liệu gia công sản xuất thể hiện tính gia công trong ngành còn lớn, phụ thuộc nhiều vào thị trường cung cấp ở bên ngoài, khiến cho nền kinh tế gặp bất lợi mỗi khi giá cả thế giới biến động tăng, làm tăng chi phí sản xuất trong nước, giảm khả năng cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu.

Samsung kỳ vọng số nhà cung ứng cấp 1 của Việt Nam sẽ tăng lên con số 29 trong năm nay.

Nhập khẩu và xuất khẩu của khối doanh nghiệp FDI tăng cao hơn so với nhập khẩu và xuất khẩu của khối doanh nghiệp trong nước, cho thấy sản xuất của các doanh nghiệp trong nước vẫn còn nhiều khó khăn.

Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong suốt giai đoạn đổi mới luôn được các tổ chức quốc tế đánh giá cao. Tuy nhiên, sự mất cân đối và kém lan tỏa giữa khối doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước cũng luôn được nhấn mạnh như một nhược điểm của tăng trưởng. Một trong những kỳ vọng của hội nhập là mang lại cho Việt Nam những bài học về kỹ năng quản lý, về phát triển công nghệ cao... không đạt được như mong muốn khi tỷ lệ nội địa hóa vẫn rất thấp, khoảng cách giữa các khối FDI và doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ nội địa rất lớn, nếu không muốn nói ngày càng lớn.

Đơn cử trường hợp Samsung, theo ông Bang HyunWoo – Phó Tổng Giám đốc Samsung Việt Nam, tỷ lệ nội địa hóa đang tăng lên, khi năm 2014, các nhà máy Samsung ở Bắc Ninh và Thái Nguyên mới dừng ở 35%, thì năm 2016 đã đạt 51%. Có khoảng 18.000 trang thiết bị là robot máy tính đã đi vào hoạt động chính thức, sản xuất các linh phụ kiện cốt lõi của điện thoại di động như màn hình 3D glass, module của camera 16mp. Với việc mở rộng thế này, các linh phụ kiện cốt lõi đã được sản xuất tại Việt Nam, không những phục vụ Việt Nam mà còn phục vụ các nhà máy của Samsung ở Hàn Quốc và ở mọi nơi trên thế giới.

Đến 2017, khi nhà máy sản xuất sản phẩm gia dụng ở TP Hồ Chí Minh đi vào hoạt động, nhà máy thứ 3 của Samsung Display mở rộng quy mô đầu tư ở Bắc Ninh thì các mặt hàng chính như thiết bị của màn hình OLED, LCD có thể sẽ được sản xuất ở Việt Nam.

Tuy nhiên, “nội địa hóa” này mới mang nghĩa là sản xuất tại Việt Nam, chứ không có nghĩa là các doanh nghiệp Việt Nam tham gia được vào chuỗi cung ứng của Samsung. Mặc dù số nhà cung ứng cấp 1 của Việt Nam cho Samsung tăng gấp 5 lần trong 1 năm qua, nhưng cũng chỉ dừng lại ở con số 20, đến 2017 được kỳ vọng sẽ tăng lên 29 doanh nghiệp.

“Vì sao Samsung cần cung ứng đầu vào rất nhiều, nhưng doanh nghiệp Việt chen chân vào khó?” – một lãnh đạo Vụ Công nghiệp nặng (Bộ Công Thương) đặt câu hỏi. “Chúng tôi tháng nào cũng giao ban với Samsung. Phía Hàn Quốc có chuyển giao hơn 100 công nghệ đã vài năm nay, chúng tôi đã đi khảo sát nhà xưởng để giới thiệu cho doanh nghiệp Việt Nam, nhưng không làm được, vì phải có nguồn nhân lực để tiếp cận công nghệ, vốn để thay đổi máy móc, đầu tư nhà xưởng...

Doanh nghiệp Việt Nam không có gì cả, thậm chí là tập quán công nghiệp. Giá trị gia tăng của ngành công nghiệp rất thấp do công nghiệp hỗ trợ yếu, nguyên liệu đầu vào gần như nhập khẩu hoàn toàn. Các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay 97% là vừa và nhỏ, lại không được nuôi dưỡng trong môi trường công nghiệp, nên còn vô cùng ngơ ngác trước cuộc chơi toàn cầu. Sản xuất công nghiệp hỗ trợ thì cần chất lượng sản phẩm, tiến độ giao hàng, giá cả, trình độ quản trị... phải đạt mức toàn cầu mới tham gia được vào chuỗi.

Ý thức dân tộc của các doanh nghiệp lớn là một rào cản, nhưng rào cản lớn nhất là chúng ta không đáp ứng được trình độ và yêu cầu của chuỗi sản xuất của họ”- ông này cho biết.

Vũ Hân
.
.
.