Đối thoại APEC và doanh nghiệp Việt Nam về năm APEC 2017

Thứ Năm, 08/12/2016, 18:23

Sáng kiến của Việt Nam về việc tổ chức đối thoại mang tên “Tạo động lực mới thúc đẩy tăng trưởng và liên kết APEC” đã được tổ chức chiều 8-12. 

Khoảng 100 đại diện các phòng thương mại, hiệp hội, doanh nghiệp trong và ngoài nước đã có cơ hội trao đổi với các đại biểu APEC, Giám đốc điều hành Ban Thư ký APEC quốc tế, Chủ tịch SOM APEC Peru 2016, đại diện Hội đồng tư vấn doanh nghiệp APEC (ABAC) và Lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội đã tham dự buổi đối thoại này.

Hoạt động trong khuôn khổ Hội nghị không chính thức các quan chức cao cấp APEC (ISOM) này nhằm tạo điều kiện để doanh nghiệp Việt Nam và APEC có được thông tin đầy đủ hơn về diễn đàn, về những cơ hội mà các doanh nghiệp có thể có được trong năm 2017 để đóng góp vào tiến trình hợp tác của diễn đàn.

Trong cuộc đối thoại với doanh nghiệp, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, là một trong những đầu tàu trong tiến trình hội nhập quốc tế của Việt Nam, đến nay, Hà Nội đã nhận được đầu tư trực tiếp từ các nền kinh tế APEC tới hơn 3.300 dự án với tổng số vốn gần 22 tỷ USD, chiến 90% tổng số dự án và tổng số vốn FDI trên địa bàn thành phố.

Riêng 2016, các nhà đầu tư khối APEC đã đầu tư vào Hà Nội gần 400 dự án với tổng số vốn đăng ký hơn 2 tỷ USD. Hà Nội đánh giá cao 3 trọng tâm hợp tác của APEC về thuận lợi hóa kinh doanh, tự do hóa thương mại, đầu tư và hợp tác kinh tế kỹ thuật và kỳ vọng APEC 2017 tập trung triển khai hiệu quả định hướng ưu tiên về tăng trrưởng bền vững, bao trùm, sáng tạo, liên kết khu vực, nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa cũng như đảm bảo an ninh lương thực và nông nghiệp bền vững.

Theo các số liệu thống kê, các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSMEs) chiếm 97% tổng số doanh nghiệp trong khu vực và là động lực quan trọng cho tăng trưởng và tạo việc làm. 

Thời gian tới, APEC sẽ phải hành động mạnh mẽ hơn để thực hiện sáng kiến Thuận lợi hóa kinh doanh, kể cả cho các doanh nghiệp khởi nghiệp và doanh nghiệp do phụ nữ lãnh đạo. 

Có thể nói rằng, trong điều kiện kinh tế thế giới còn nhiều khó khăn, sự hợp tác giữa chính phủ trung ương và địa phương, doanh nghiệp sẽ đảm bảo tính hiệu quả trong việc hoạch định chính sách vì lợi ích của người dân và doanh nghiệp. 

Và tại cuộc đối thoại lần này, nhiều đề xuất hữu ích của doanh nghiệp cũng đã đưa ra cùng với những cam kết chính sách mang tính đột phá của APEC. 

Huyền Chi - Linh Bùi
.
.
.